Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. (Ảnh: I.T)
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), cuối giờ sáng nay, ngày 26.10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã có một số ý kiến giải trình.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết do cả 3 NHTM đã mua bắt buộc (OceanBank, GPBank và Ngân hàng Xây dựng) chưa niêm yết nên không có giao dịch để làm căn cứ xác định giá thị trường.
“Do vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị sửa lại quy định về xác định giá chuyển nhượng phần vốn góp không thấp hơn giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ do tổ chức kiểm toán độc lập xác định”, Thống đốc Lê Minh Hưng giải trình.
Từ chối tham gia tái cơ cấu vì sợ bị truy cứu trách nhiệm
Thống đốc NHNN cũng cho rằng việc áp dụng phương thức bán thông qua đấu giá công khai là không khả thi, đặc biệt đối với việc bán một ngân hàng đang có giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ âm.
“Việc công khai rộng rãi về bán đấu giá ngân hàng với vốn chủ sở hữu âm rất lớn sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực rút tiền hàng loạt không chỉ tại ngân hàng được bán đấu giá mà cả tại các ngân hàng khác, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống TCTD”, Thống đốc Lê Minh Hưng phân tích.
Để mua một NHTM, thông thường nhà đầu tư phải bỏ nhiều thời gian, chi phí để rà soát đánh giá kỹ lưỡng toàn bộ hoạt động, tài sản của NHTM.
“Do vậy, nếu thực hiện bán đấu giá sẽ khó thu hút được nhà đầu tư tham gia mua các ngân hàng này”, Thống đốc Lê Minh Hưng giải trình và mong nhận được sự đồng thuận của ĐBQH với đề xuất của cơ quan soạn thảo về nội dung này.
Giải trình về đề xuất miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém, Người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết việc thiếu các quy định cụ thể đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém.
Ba ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng.
“Đa số cán bộ tham gia cơ cấu lại là nhân viên của các NHTM (không phải là công chức). Do vậy, đã có tình trạng không ít cán bộ tìm cách từ chối khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý TCTD yếu kém. Điều này đã dẫn đến việc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực tham gia xử lý TCTD yếu kém nhất là trong quá trình triển khai thi hành Luật sau khi được Quốc hội thông qua”, Người đứng đầu ngành ngân hàng bày tỏ.
Với bối cảnh hiện tại, việc chờ quy trình sửa đổi, bổ sung quy định này tại Bộ luật Hình sự, hay Luật cán bộ, công chức sẽ không bảo đảm tính kịp thời và toàn diện của việc tạo lập khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém.
“Do vậy, để bảo đảm có đủ nguồn nhân lực triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2017-2020, Chính phủ rất mong Quốc hội xem xét, cân nhắc để bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật”, Thống đốc Lê Minh Hưng khẩn thiết.
Phá sản ngân hàng và nỗ lo người gửi tiền
Thống đốc Lê Minh Hưng lo ngại việc phá sản TCTD có thể dẫn đến nguy cơ người gửi tiền rút tiền ồ ạt lan chuyền, đe dọa đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
“Do vậy, chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng khi TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác (phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc)”, người đứng đầu ngành ngân hàng giải trình.
Thống đốc nói thêm để tránh đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống các TCTD, bảo đảm lợi ích của người gửi tiền, không ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Chính phủ có thể quyết định áp dụng việc chi trả vượt hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp phá sản TCTD.
“Nguồn sử dụng để hỗ trợ chi trả sẽ không dùng ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, mà có thể sử dụng các nguồn lực nhà nước khác để xử lý vấn đề này. Đồng thời, trình tự, thủ tục thực hiện phá sản TCTD sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phá sản”, Thống đốc cho biết.
Do vậy, cơ quan soạn thảo đều theo hướng chuyển giao bắt buộc. Phương án này thực chất là phương án thay đổi chủ sở hữu của NHTM yếu kém.
“Việc chấm dứt quyền cổ đông như quy định tại dự thảo Luật là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013. Ngoài ra, Điều 148, 149 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 hiện hành cũng đã có quy định xử lý về mặt pháp lý đối với các ngân hàng yếu kém mà không thể thực hiện các biện pháp phục hồi”, Thống đốc Lê Minh Hưng giải trình.
Người đứng đầu ngành ngân hàng giải trình thêm việc chấm dứt quyền cổ đông của các NHTM yếu kém là biện pháp phù hợp với thông lệ quốc tế được áp dụng phổ biến tại hầu hết các quốc gia trên thế giới như tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ấn độ, Latvia, Úc, Mỹ, Tây Ban Nha...