Harrisburg (thủ phủ bang Pennsylvania), thành phố với 50.000 dân đang nợ tới 310 triệu USD, vừa tiến hành biểu quyết thông qua tuyên bố phá sản. Đây là thành phố đầu tiên của Mỹ vỡ nợ trong năm nay.
Tuy nhiên, thị trưởng thành phố Harrisburg cũng như thống đốc và các thượng nghị sĩ bang Pennsylvania gọi hành động này là bất hợp pháp. Theo họ, luật của bang cấm các thành phố nộp đơn xin phá sản.
Harrisburg, thủ phủ bang Pennsylvania tuyên bố phá sản. Ảnh: CNN. |
Việc đệ đơn này "không có sức thuyết phục và không được thực thi", Robert Philbin, phát ngôn viên cho Thị trưởng Linda Thompson cho biết. Người này nói thêm rằng Harrisburg không được phép thuê luật sư đại diện cho thành phố cũng như thụ lý các hồ sơ xin phá sản.
"Thay vì lãng phí thời gian cũng như tốn kém chi phí thuê luật sư vào một vụ án không đúng luật, các thành viên hội đồng thành phố đáng lẽ ra nên phối hợp cùng với thị trưởng và người dân để giải quyết khủng hoảng", Thượng nghị sĩ Jeffrey Piccola của bang này nói.
Ngược lại, luật sư đại diện cho Hội đồng thành phố Harrisburg lại cho rằng việc này là hợp pháp. Luật sư Mark Schwartz lập luận rằng luật của bang hiện có rất nhiều vấn đề. Ông viện dẫn một điều khoản trong luật cho biết, nếu một thành phố xin bảo lãnh phá sản, thành phố đó sẽ mất sự viện trợ của bang. Câu này có nghĩa là một thành phố có quyền đệ đơn tuyên bố phá sản.
Những vấn đề về tài chính tại thành phố Harrisburg đã nảy sinh từ 10 năm trước khi quyết định xây dựng một lò đốt rác nhằm biến rác thải thành năng lượng. Dự án phá sản và hậu quả là thành phố phải gánh chịu khoản nợ lên tới 310 triệu USD.
Tình hình tại thành phố với 50.000 dân này đang rất phức tạp và phát sinh những mâu thuẫn giữa một bên là thị trưởng thành phố, một bên là các quan chức của bang và hội đồng thành phố.
Thị trưởng thành phố, bà Linda Thompson từng nhiều lần phải cầu viện tới chính quyền bang để xin giúp đỡ. Năm ngoái, chính quyền bang Pennsylvania đã bỏ ra 4,3 triệu đôla để giúp đỡ thành phố Harrisburg vượt qua khủng hoảng.
Thị trưởng Harrisburg đã kêu gọi tăng thuế và bán tháo các tài sản - được định giá từ 100 đến 500 triệu USD theo liệt kê trong hồ sơ phá sản - để có tiền trang trải nợ nần. Đề xuất tăng thuế doanh thu thêm 1% nhằm mở rộng ngân sách chính quyền đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ với lập luận mức thuế tại Harrisburg đã rất cao so với các khu vực khác.
Các thành viên của Hội đồng thành phố cho biết: "Harrisburg đang có tỷ lệ nghèo đói cao bất thường. Thêm vào đó tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay khiến tình hình thêm tồi tệ". Những người này cũng cho biết đang chờ đợi một khoản tiền mặt khoảng 100 triệu đôla hoặc bằng trái phiếu để giúp đỡ tình trạng khó khăn tài chính hiện nay.
Nếu tính cả Harrisburg, từ năm 1980 đến nay, tại Mỹ đã có 48 vụ phá sản của các thành phố, bang, thị trấn và làng. Jame Spiotto, luật sư thuộc hãng luật Chapman & Cutler, người giữ các bản sao hồ sơ đệ đơn phá sản cấp thành phố, cho biết vụ phá sản gần đây nhất là của thành phố Vallejo thuộc bang California vào năm 2008. Harrisburg là thành phố đông dân thứ 2 bị phá sản, chỉ sau Vallejo với 117.000 dân.