Dân Việt

Hà Nội có 37 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

San Nguyễn 27/10/2017 18:18 GMT+7
Vẫn còn rất ít cá nhân, đơn vị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), trong khi đây là mục tiêu hướng tới của TP.Hà Nội với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi...

Thực tế trên được đại diện nhiều doanh nghiệp, đơn vị xúc tiến cũng như đơn vị nghiên cứu chia sẻ trong buổi tọa đàm xúc tiến phát triển NNCNC tại Hà Nội, do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP.Hà Nội phối hợp với Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Các loại hình CNC được ứng dụng trong nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội gồm ứng dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới, màng phủ nông nghiệp, lưới tự động, thủy canh; các loại giống mới năng suất cao nhập khẩu từ nước ngoài; công nghệ sinh học, công nghệ nhân giống in vitro tạo ra các loại giống sạch bệnh có tính đồng nhất và ổn định về năng suất, chất lượng; công nghệ cảm biến tự động, công nghệ nano trong bảo quản và kéo dài khả năng sử dụng của sản phẩm; công nghệ viễn thám quản lý an toàn nông sản, công nghệ vật liệu mới (nhẹ hơn, bền hơn, có thể tái chế, ứng dụng trong mọi thời tiết), năng lượng tái tạo để tạo ra năng lượng ổn định và bền vững cho các trang trại…

Vườn trồng hoa lan công nghệ cao của HTX Đan Hoài - Flora Việt Nam (huyện Đan Phượng) nhiều năm qua đã mạnh dạn chọn lan là cây chủ lực trong chiến lược sản xuất. Hiện diện tích trồng hoa của HTX Đan Hoài - Flora Việt Nam đã lên tới 8ha, sản xuất chủ yếu các loại hoa cao cấp như lily, lan, trong đó hoa lan là cây chủ lực. Đại diện HTX cho biết hoa lan là cây rất khó tính nên việc trồng và chăm sóc khá tỉ mỉ, phải là người yêu và có niềm đam mê mới có thể trồng được.

img

 Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đan Phượng (Hà Nội). ảnh: Anh Tuấn

Để đáp ứng điều kiện sản xuất hoa lan, HTX đã đầu tư các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại như nhà nhân giống nuôi cấy mô, nhà lưới sản xuất điều khiển nhiệt độ tự động qua hệ thống cảm ứng nhiệt máy tính và hệ thống tười nước giữ ẩm tự động, đồng thời các công nhân sản xuất đều có kinh nghiệm trồng hoa và được các chuyên gia nước ngoài tập huấn... Chính vì vậy mà sản phẩm hoa được tạo ra tại đây có màu sắc, hương thơm và độ bền khác biệt so với các nơi khác. Hiện nay, sản phẩm hoa CNC của HTX được tiêu thụ chủ yếu cho các tỉnh thành phía Bắc, một phần được xuất khẩu đi các nước.

Xóa bỏ các rào cản

Bà Nguyễn Thị Thoa - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội cũng đang quy hoạch 1 khu NNCNC tại huyện Đông Anh, với quy mô 96,6ha tập trung trồng rau, hoa, cây cảnh và thủy sản. Mục tiêu của Hà Nội là đưa tỷ trọng giá trị sản xuất NNCNC chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Anh Phong - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Viện Phát triển nông nghiệp Việt Nam, ứng dụng CNC trong nông nghiệp đã đem lại nhiều tiến bộ và hiệu quả trong sản xuất. Ông cho biết, đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ thuế được ban hành, nhưng doanh nghiệp lại rất khó tiếp cận các chính sách này. Chi phí cho đất đai còn cao, bảo hộ quyền sở hữu còn lỏng lẻo khiến nhiều doanh nghiệp luôn đứng trước nguy cơ bị làm giả, làm nhái sản phẩm, doanh nghiệp cũng không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và gặp khó khăn trong việc thế chấp tài sản vay vốn…

Đại diện HTX Nông nghiệp xã Thanh Văn (Thanh Oai, Hà Nội) cho biết HTX ứng dụng CNC vào sản xuất lúa từ rất sớm, từ năm 2010. Cho đến nay, HTX đã thu hút được khoảng 400 thành viên, sản xuất gạo bắc thơm với năng suất rất cao. Đặc điểm của giống lúa này là chỉ phù hợp với chất đất của cánh đồng Bồ Nâu (xã Thanh Văn). Tham gia HTX, nông dân được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng lúa đạt năng suất cao, hỗ trợ phân bón và tìm được nơi tiêu thụ ổn định...

Cũng là sản xuất gạo, đại diện doanh nghiệp Bảo Minh lại chia sẻ một cách làm khác như tập trung khoảng 40 giống lúa truyền thông của Việt Nam, khôi phục và khắc phục nhược điểm, hỗ trợ nông dân từ khâu giống, kỹ thuật, cho đến đầu ra. Nông dân chỉ điều chỉnh phân bón, nước, giảm được rất nhiều công sức mà lại có thu nhập cao hơn kiểu canh tác cũ. Hiện tại, Bảo Minh đã hợp tác được với nhiều vùng sản xuất lúa đặc sản ở Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Ninh Bình.

Ông Mitsuru Nanakubo - Trưởng nhóm Tư vấn dự án “Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc” của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, để thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành NNCNC nói riêng, chính phủ và cơ quan quản lý cần chú ý thông tin tới người nông dân 3 vấn đề chính.

Thứ nhất, cần có những hướng dẫn về kiểm soát sâu bệnh, dịch hại và cỏ dại, cụ thể cần công bố danh mục hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng, ngoài ra mỗi tỉnh cần có danh mục riêng phù hợp với địa phương của mình. Thứ hai, cần có những dự đoán trước sự xuất hiện của sâu bệnh và dịch hại. Thứ ba, cần công bố thông tin về việc sử dụng không hợp lý hóa chất nông nghiệp trong sản xuất.