Dân Việt

Muốn có visa đưa cá tra vào EU, phải qua cả "rừng" thủ tục!

Hoàng Lan (TGTT) 30/10/2017 16:00 GMT+7
Để có được visa vào EU sắp tới đây, người nuôi gặp thêm nhiều thách thức khi mà hội đồng Quản lý nuôi trồng thuỷ sản (Aquaculture Stewardship Council – ASC) đang tham vấn sửa đổi một số nguyên tắc trong tiêu chí chứng nhận tự nguyện cho cá tra, sau lần công bố đầu tiên cách đây năm năm.

Những thay đổi gây khó thêm

Lần này, phạm vi tiêu chuẩn ASC đề xuất mở rộng họ pangasiidae, chứ không chỉ có cá tra, basa. “Từ việc áp dụng cho hai loài đặc hữu của Việt Nam, phạm vi áp dụng cá da trơn sẽ rộng hơn, sẽ có thêm “đối thủ” pangasianodon (cá tra dầu), helicophagus (trong đó có cá tra chuột), pseudolais bên cạnh pangasius…”, theo ông Huỳnh Quốc Tịnh, điều phối viên chương trình Thực phẩmvà nuôi trồng thuỷ sản WWF-Việt Nam.

img

Tổng giá trị xuất khẩu cá tra năm 2016 đạt 1,67 tỷ USD. Ảnh: Lê Hoàng Yến.

Đề xuất mới có vẻ linh động hơn: trang trại không nằm trong vùng cấm nuôi trồng thuỷ sản, thay vì trang trại phải nằm trong vùng được quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản như trước đây,  nhưng nguyên tắc trang trại không được nằm trong vùng đất ngập nước tự nhiên (theo Ramsar) nếu là trang trại thành lập sau năm 1999; nhiều trang trại băn khoăn: vùng được chứng nhận Ramsar hay định nghĩa Wetland, theo Ramsar?

ASC đề xuất trang trại đóng góp vào quỹ phục hồi tương ứng những tổn thất mà trang trại gây ra do nuôi cá tra (phục hồi tại trang trại hoặc nơi khác) ảnh hưởng tới các loài nguy cấp, hoặc ảnh hưởng tới vùng sống quan trọng của chúng khi đánh giá tác động của trang trại, lịch sử vùng đất, đa dạng sinh học của môi trường xung quanh. Trong đó, trang trại phải nộp những kết quả về nghiên cứu chứng minh quá trình nuôi không tác động, có  thể hiểu là phải làm thêm đánh giá xem có tác động hay không? Và từ “ trước đây” là thời hạn nào vẫn là điều khiến các trang trại băn khoăn.

Báo cáo về tìm kiếm các loài bị đe doạ cần có thông tin về tham vấn cộng đồng và khi lập danh sách các loài có nguy cơ, trang trại phải lưu lại những bằng chứng khi lập danh sách; và phải cho biết dựa vào đâu (những nghiên cứu Sách đỏ, bài báo), khiến nhiều chủ trang trại vốn là những nông dân không biết phải làm thế nào!?

Chủ trang trại kêu trời

Trong khi trước đây trang trại chỉ duy trì những bằng chứng về tiêu thụ năng lượng, nay ASC đề xuất phải tính ra định mức năng lượng sử dụng đổi hết qua kilojoule (tính bằng kilojoule/1 tấn cá/năm). Đề xuất này muốn những nhà sản xuất cá tra phải công khai thành phần nào chiếm hơn 1% trong trong thức ăn có GMO và phải duy trì bằng chứng cho bên mua. Làm sao trang trại minh bạch khi nhà cung cấp thức ăn muốn giấu?

img

38kg/m2 ao là mật độ tối đa cho ao nuôi theo chuẩn ASC, phải theo dõi hàng tháng khi vượt quá tiêu chí phải giảm bớt, trong khi Việt Nam cho phép nuôi 40 con/m2.

Phiên bản mới cũng đề xuất trang trại phải phải tính ra lượng kháng sinh trong 1 tấn cá sản xuất, phải báo cáo công khai trên mạng của ASC. Không chỉ tính tổng lượng kháng sinh mà phải tính từng loại kháng sinh dùng trong 1 tấn cá. Có hai chọn lựa về hạn chế số lần điều trị bằng kháng sinh trong quá trình nuôi (ba lần điều trị kháng sinh trong chu kỳ nuôi). Lựa chọn thứ nhất là tới năm 2019 mới áp dụng; lựa chọn thứ hai là áp dụng ngay bây giờ. Tại sao phải giới hạn trong khi có thể test thành phẩm ở đầu ra?

ASC cũng đề xuất kiểm soát lượng thải phosphorus theo nước thải ra ngoài (không quá 7,2 kg/tấn, lượng thải nitơ không quá 27,5 kg/1 tấn cá). Tuy nhiên, để ra hai con số này, trang trại phải mời phòng thí nghiệm xuống lấy mẫu từng ao sau đó tính toán, chi phí này không hề nhỏ! Nước thải phải có DO hơn 3mg/lít, trong khi quy chuẩn Việt Nam cho phép hơn 2mg là được!? Các chủ trang trại cho rằng nước ngoài sông DO không tới 3mg/lít thì làm sao trang trại cho nước tăng lên tới mức đó!?

“Đó là quá trình tính toán cực kỳ vất vả chứ không đơn giản là đưa ra con số như đề xuất, thậm chí nguyên tắc này chỉ làm tăng chi phí cho những đơn vị được chứng nhận của ASC. Hơn nữa, đã có những tính toán về lượng nitrogen, phosphorus từ nước thải, cần gì phải tính lượng hấp thu trong cơ thịt cá. Vì như vậy trang trại phải tốn thêm vài trăm triệu/năm để chứng minh”, một người đã tham gia quá trình tính toán trong sáu tháng, nói.

Những đề xuất như trang trại phải có đê cao hơn mực nước triều (lấy thông tin đỉnh lũ mười năm trở về trước), nhưng các trang trại nói dẫu có số liệu mười năm đi chăng nữa cũng không ổn, vì tác động biến đổi khí hậu khôn lường, năm ngoái khô hạn, xâm nhập mặn còn năm nay nước ngập tới các thành phố. Trang trại phải nâng bờ, trong khi vùng đã có đê bao quốc gia? Tại sao phải nâng bờ để tránh cá xổng thoát, trong khi có cách khác ít tốn kém và hiệu quả hơn?

Cần sự thấu cảm

Các trang trại còn bức xúc khi đề xuất mới về tỷ lệ cá chết từ lúc thả nuôi tới lúc thu hoạch phải ít hơn hoặc bằng 20%, vậy mua con bột về nuôi sẽ không đáp ứng được điểm này. Muốn vậy phải mua cá lớn hơn (chưa chắc cá chết ít hơn), như vậy sẽ tăng chi phí. Cách làm này chỉ làm khó khăn cho trang trại ASC!

Tổ chức Sáng Kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH), tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và các doanh nghiệp thương mại ngành cá châu Âu phối hợp chặt chẽ với quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) và Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) lập ra nhóm Xúc tiến ASC.

38kg/m2 ao là mật độ tối đa cho ao nuôi theo chuẩn ASC, phải theo dõi hàng tháng khi vượt quá tiêu chí phải giảm bớt, trong khi Việt Nam cho phép nuôi 40 con/m2.

Các hiệp hội chế biến thuỷ sản từng kỳ vọng, 10% sản lượng cá tra xuất khẩu nhận được chứng nhận (ASC) vào năm 2012 và ba năm sau khoảng phân nửa lượng cá tra xuất khẩu đạt tiêu chuẩn  này. Một doanh nghiệp tính toán, chi phí đầu tư cho chuẩn ASC chiếm 20% giá thành sản phẩm.

Do đó, giá bán tăng thêm 20%, doanh nghiệp mới có thể thu hồi vốn, dù tình hình chưa lạc quan, nhưng doanh nghiệp này vẫn làm để bảo đảm một tương lai bền vững hơn.

Trong vòng 20 năm, lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã tăng gấp 50 lần. Sự bùng nổ, tăng tốc chưa từng có đã để lại nhiều vấn để như khả năng kiểm soát rủi ro cho môi trường, an sinh của người nuôi. Và vấn đề quá nhạy cảm là an toàn thực phẩm cho người dùng cuối cùng, nên các tiêu chí đánh giá chứng nhận ngày càng khắt khe hơn.

“Làm theo chuẩn mực là tốt vì nó giống như “lá bùa hộ mệnh”, nhưng quá tốn kém. Chi phí cứ tăng lên khi thực hiện cam kết thực hành chuẩn mực, nhưng giá bán không thể tăng như mình muốn. Có cách nào làm cho việc chuẩn hoá sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế khả thi hơn không? Nhiều chủ trang trại than thở.