Dân Việt

Trận TQ đánh úp chiếm đảo khiến Liên Xô không kịp trở tay

Đăng Nguyễn - Tổng hợp 30/10/2017 00:25 GMT+7
Căng thẳng Liên Xô-Trung Quốc trong những năm 1960 dẫn đến cuộc xung đột biên giới, tranh chấp ở hòn đảo Trân Bảo/Damansky khiến hàng trăm người thiệt mạng.

img

Binh sĩ Trung Quốc xo xát với lính biên phòng Liên Xô trên đảo Trân Bảo/Damansky.

Cuộc xung đột biên giới Liên Xô - Trung Quốc năm 1969 xảy ra ở điểm nóng tranh chấp trên đảo Trân Bảo/Damansky và một số khu vực khác suýt kéo hai quốc gia vào một cuộc chiến tranh hạt nhân. Loạt bài này khai thác rõ hơn về lần hiếm hoi hai quốc gia láng giềng trở nên mâu thuẫn đến đỉnh điểm.

Trong hàng thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã tốn khá nhiều giấy mực để tìm hiểu nguyên nhân khiến chiến tranh biên giới Liên Xô-Trung Quốc năm 1969 nổ ra.

Theo History, trong giai đoạn những năm 1960, quan hệ Liên Xô và Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu đi xuống sau những cuộc đàm phán phân chia lại biên giới.

Liên Xô nói đã bàn giao cho Trung Quốc toàn bộ lãnh thổ do phát xít Nhật chiếm đóng trong Thế chiến 2, cũng như giúp đỡ để chống Quốc dân đảng.

Trung Quốc gián tiếp yêu cầu Liên Xô nhượng bộ về phần lãnh thổ theo hiệp ước từ thế kỷ 19 giữa nhà Thanh ký với Sa hoàng Nga. Moscow không chấp nhận cách giải thích này.

Năm 1964, hai bên đạt thỏa thuận sơ bộ về việc phân chia lại biên giới phía đông, bao gồm việc Liên Xô bàn giao đảo Trân bảo/Damansky cho Trung Quốc.

Nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông được cho là đã nhắc đến việc Đế quốc Nga từ xa xưa chiếm lãnh thổ Trung Quốc ở Siberia và vùng Viễn Đông như Kamchatka. Điều này đã khiến lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev nổi giận và không ký thỏa thuận biên giới.

Năm 1968, Liên Xô huy động một lượng lớn quân đội áp sát khu vực biên giới trải dài 4.380km với Trung Quốc, bao gồm 1.200 máy bay và 120 tên lửa tầm trung.

Phía Trung Quốc khi đó được cho là có 1,5 triệu quân đóng ở biên giới. Ở thời điểm đó, quân số Trung Quốc luôn vượt trội bởi theo chiến lược của Mao Trạch Đông, “quân số quan trọng hơn vũ khí”.

img

Mao Trạch Đông và lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev trong bức ảnh chụp năm 1958.

Trong cuốn "Những truyền thuyết đảo Damansky", tác giả người Nga D.S.Ryabushkin cho rằng, chiến dịch tấn công Damansky là do Trung Quốc chuẩn bị từ trước.

Theo các nhà nghiên cứu, căng thẳng trong tranh chấp biên giới khiến Trung Quốc muốn xích lại gần Mỹ hơn, trong khi vẫn muốn chiếm ưu thế trước Liên Xô trên bàn đàm phán.

Nhà sử học người Mỹ Thomas Robinson nhận định lý do dẫn đến cuộc xung đột biên giới một phần bởi tình hình nội bộ Trung Quốc ở thời điểm đó.

"Vào cuối năm 1968 và đầu năm 1969, cuộc Cách mạng văn hóa đã đến hồi bế tắc. Để thoát ra khỏi tình trạng đó, Trung Quốc cảm thấy cần phải làm một điều gì đó bất ngờ”, Thomas Robinson viết.

Nhà sử học Trung Quốc Yang Kuisong viết trong cuốn “The Sino-Soviet Border Clash of 1969", rằng chính quyền Bắc Kinh đã chuẩn bị cho cuộc xung đột quân sự với Liên Xô một cách kỹ lưỡng.

"Từ tháng 1.1968, Quân ủy Trung ương Trung Quốc dưới sự chủ trì của Mao Trạch Đông đã thảo luận về tình hình biên giới giáp phía bắc với Liên Xô. Kết quả của các cuộc họp này đã cho ra đời các chỉ thị với quân khu Thẩm Dương và quân khu Bắc Kinh”, ông Kuisong viết.

“Nội dung của các chỉ thị này nhấn mạnh việc chuẩn bị chiến dịch quân sự chống Liên Xô là một cách để Trung Quốc gia tăng ưu thế ngoại giao trên bàn đàm phán".

Cụ thể, chỉ huy quân khu Thẩm Dương được lệnh tuyển chọn đội quân đặc biệt để chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống đụng độ với lính biên phòng Liên Xô. Đội quân này sau đó được đưa đến khu vực đảo Kirkinsky, cách đảo Trân Bảo/Damansky khoảng 3km về hướng Bắc.

img

Vũ khí Liên Xô thu được từ quân Trung Quốc trong sự kiện xung đột trên đảo Trân Bảo/Damansky năm 1969.

Địa điểm xảy ra xung đột được xác định là hòn đảo tranh chấp Trân Bảo/Damansky. Đội quân này sẽ là đơn vị đầu tiên tấn công lính biên phòng Liên Xô khi cơ hội đến.

Nhà sử học Yang Kuisong cũng có cuộc phỏng vấn với chỉ huy quân khu Thẩm Dương, tướng Chen Xiliangyi để làm rõ tình hình căng thẳng khi đó. Ông Chen nói đội quân tấn công lính Liên Xô ở Trân Bảo là những người lính Trung Quốc tinh nhuệ, được huấn luyện kỹ càng.

"Để tham gia trận đánh ngày 2.3.1969, chúng tôi đã phải chuẩn bị trước 2-3 tháng. Chúng tôi đã chọn ra 3 đội quân, một đại đội biên chế 300 người. Chỉ huy đại đội là các sĩ quan giàu kinh nghiệm chiến đấu”, ông Chen nói.

Ông Chen nói thêm: “Chúng tôi được huấn luyện kỹ lưỡng, trang bị vũ khí đầy đủ và chiếm ưu thế hơn hẳn lính Liên Xô. Chúng tôi đã giành chiến thắng trong trận đó”.

Trên thực tế, một nhóm binh sĩ Trung Quốc tấn công lính biên phòng Liên Xô trên đảo Trân Bảo. Cuộc giao tranh ngắn khiến 58 binh sĩ Liên Xô thiệt mạng, bao gồm một đại tá và 94 người khác bị thương. Phía Trung Quốc được cho là tổn thất 29 người.

Các bức ảnh được phía Liên Xô công bố sau đó, cho thấy lính Trung Quốc tay cầm cuốn "Mao tuyển" (cuốn tuyển tập các câu nói của Mao Trạch Đông, rất nổi tiếng trong Đại cách mạng văn hóa và được gọi là "Hồng bảo thư") tranh cãi với lính biên phòng Liên Xô rất căng thẳng. Lính Trung Quốc cũng được cho là nổ súng đầu tiên.

Trong khi đó, nguồn tin từ Trung Quốc nói rằng, đây chỉ là cuộc chiến tranh tự vệ. Binh sĩ nước này đã xuất sắc ngăn chặn các đợt tấn công của Liên Xô, bảo toàn quyền kiểm soát đảo Trân Bảo, buộc Liên Xô phải ngồi vào bàn đàm phán.

___________________

Để chiếm lại đảo Trân Bảo, Liên Xô tung vũ khí bí mật khi đó là xe tăng chiến đấu chủ lực T-62. Mời độc giả đón đọc kỳ tiếp theo để hiểu rõ hơn về một chiếc xe tăng đã khiến Trung Quốc phải suy nghĩ kỹ trước khi leo thang xung đột.

Giây phút sỹ quan Liên Xô cứu thế giới khỏi họa hạt nhân

Chiến tranh hạt nhân chưa bao giờ đến gần như vậy trong cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba, khi các tàu ngầm Liên Xô trang bị...