Dân Việt

Lạ lùng: Vùng bưởi đặc sản Đoan Hùng, dân lại đi trồng bưởi da xanh

Hà Nguyệt-Hương Cao 30/10/2017 19:30 GMT+7
Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, từ lâu, Đoan Hùng (Phú Thọ) đã nổi tiếng là đất bưởi của Phú Thọ với nhiều loại bưởi đặc sản như bưởi Chí Đám, bưởi Bằng Luân, bưởi Diễn, bưởi Xuân Vân,… có giá trị kinh tế cao. Ngoài những loại bưởi quen thuộc đã có, thời gian gần đây, một số nông dân năng động của Đoan Hùng cũng tìm hiểu và đưa về trồng thử nghiệm bưởi da xanh, giống bưởi đặc sản của tỉnh Bến Tre.

Mặc dù được đưa về Đoan Hùng thời gian chưa lâu, song bưởi da xanh đã bước đầu cho hiệu quả tích cực, hứa hẹn sẽ cho năng suất và chất lượng cao.

Ông Trần Viết Phượng ở xã Vân Đồn là hộ dân đầu tiên đưa bưởi da xanh Bến Tre về Đoan Hùng. Ông kể, năm 2010, ông được ăn thử bưởi da xanh Bến Tre và thấy rất ngon, nhân tiện có người họ hàng ở Sóc Trăng ra, ông nhờ mua giúp 80 cây giống bưởi da xanh về trồng thử. Lúc mới trồng, mặc dù có tìm hiểu về cách thức chăm sóc cây nhưng ông Phượng khá lo lắng vì không biết loại bưởi này có phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở đây không.

img

Ông Trần Viết Phượng là hộ trồng thành công bưởi da xanh Bến Tre trên đất Đoan Hùng. Ngoài việc đã bán 200 quả, hiện trong vườn bưởi da xanh củaông Trần Việt Phượng còn khoảng 1,800 quả.

Sau 3 năm trồng và chăm sóc tích cực, đến năm 2014, cây bưởi bắt đầu cho những trái đầu tiên. Bước sang năm thứ 4 cho thu hoạch, năng suất bưởi da xanh đã tương đối ổn định, trung bình mỗi cây cho ra từ 50-80 quả/vụ, nặng từ 1,5 – 2,5kg. Thời điểm này, gia đình ông Phượng đã thu hoạch hơn 200 quả bán cho tiểu thương mang đi tiêu thụ ở Hà Nội và các thành phố khác với giá dao động từ 50.000 đến 80.000 đồng/quả. Hiện trong vườn vẫn còn khoảng 1.800 quả bưởi da xanh. Như vậy, sau khi thu hoạch xong, vườn bưởi da xanh của gia đình ông uớc tính thu về khoảng 150 triệu đồng.

Ông Phượng cho biết: Cách chăm sóc cây bưởi da xanh cũng không hề phức tạp, thậm chí còn có phần đơn giản hơn so với các loại bưởi khác bởi khả năng chống chịu tốt, ít sâu bệnh. Ngoài ra, giống bưởi này còn có khả năng chịu nước tốt nên có thể trồng được ở vùng thấp trũng, những chân ruộng thấp mà trước đây vốn không thể trồng được bưởi. Mỗi vụ, sau khi thu hoạch, ông Phượng đều tiến hành làm tơi đất, phát sạch cỏ, bón phân làm 2 đợt vào tháng 3 và tháng 7 để nâng cao năng suất và chất lượng quả.

img

Vườn bưởi da xanh sai trĩu quả của gia đình ông Trần Viết Phượng, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ).

Ông Phượng cũng cho biết, bưởi da xanh cho năng suất cao hơn so với bưởi Diễn, chất lượng quả ngon không kém bưởi da xanh Bến Tre nên khi bán ra thị trường cũng được giá cao hơn. Vì thế, ở Vân Đồn hiện nay, không chỉ có gia đình ông Phượng mà nhiều hộ dân khác cũng mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích sang trồng bưởi da xanh. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc có muốn chuyển hết diện tích hiện có sang trồng bưởi da xanh hay không, hầu hết các hộ dân ở đây đều có chung câu trả lời không muốn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đoan Hùng cho biết bưởi da xanh là giống bưởi đặc sản của tỉnh Bến Tre thời gian gần đây đã được người dân đưa về trồng tại Đoan Hùng. Đến nay, tổng diện tích trồng bưởi da xanh trên cả huyện là 12,99 ha, trong đó diện tích mới cho quả là 1,25 ha. Kết quả thống kê ban đầu cho thấy bưởi da xanh cho năng suất khá cao, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại mới chỉ dừng lại ở mức độ mô hình thử nghiệm của một vài hộ dân trong huyện.

Trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp không có chủ trương khuyến khích, nhân rộng dòng bưởi này trên diện tích lớn vì đây là giống bưởi mới trồng tại địa phương, cần được theo dõi về năng suất, chất lượng để có đánh giá cụ thể. Hơn nữa, nếu trồng ồ ạt trên diện tích lớn có thể dẫn đến những khó khăn cho đầu ra của sản phẩm bởi chưa có thương hiệu. Thay vào đó, Phòng Nông nghiệp chủ trương định hướng người dân tập trung vào giữ gìn, phát triển thương hiệu bưởi Đoan Hùng đã có. Đối với những hộ dân có mong muốn chuyển đổi một phần diện tích sang trồng bưởi da xanh, huyện sẽ tạo điều kiện và tiến hành hỗ trợ về kỹ thuật.

Tổng diện tích trồng cây bưởi đặc sản của huyện hiện nay đạt 1116 ha, năng suất bưởi kinh doanh năm 2016 đạt 119 tạ/ha, sản lượng đạt 10.300 tấn. Trong thời gian tới, huyện Đoan Hùng chủ trương đẩy mạnh đầu tư thâm canh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện mẫu mã, nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo quản, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giữ vững và phát triển thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng.