Dân Việt

Khaisilk có thực sự hoàn tiền cho khách hàng?

Thanh Xuân 29/10/2017 13:40 GMT+7
Mặc dù ông Hoàng Khải chủ thương hiệu Khaisilk đã cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng và hứa bồi hoàn cho khách hàng nhưng đến nay các cửa hàng của Khaisilk đã đóng cửa nên có bao nhiêu người mua sản phẩm của Khaisilk muốn được hoàn tiền không biết phải tìm đến đâu?

img

Trả lời báo chí, ông Hoàng Khải đã cúi đầu xin lỗi khách hàng và hứa sẵn sàng bồi thường cho khách hàng nếu muốn đổi sản phẩm (Ảnh: IT)

Thêm nhiều người tố Khaisilk lừa dối

Như Dân Việt đã đưa tin, sau khi ông Đặng Như Quỳnh, người đầu tiên lên tiếng về sự việc sản phẩm của Khaisilk có dấu hiệu bán hàng giả, ngay sau đó, xuất hiện thêm nhiều khách hàng tố tình trạng tương tự.

Chia sẻ trên mạng xã hội, ông L cho biết ngày 20.10, anh có mua hai chiếc khăn lụa tại cửa hàng Khaisilk, địa chỉ 113 Hàng Gai để tặng mẹ đẻ và mẹ vợ. Hai chiếc khăn đều là chất liệu lụa tơ tằm, có giá 644.000/chiếc (ông L vẫn còn giữ hóa đơn). Sau khi thấy ông Đặng Như Quỳnh tố Khaisilk bán hàng có nguồn gốc Trung Quốc, lừa dối khách hàng, ông L về kiểm tra đã cảm thấy thực sự thất vọng vì 2 chiếc khăn ông mua làm quà tặng cũng phát hiện trên khăn vẫn còn phần tem nhỏ mầu trắng đã được cắt đi nhưng vẫn còn dính phần tem ở cạnh khăn và thêu thêm mác Khaisilk.

Trước đó, người đầu tiên tố Khaisilk cho biết, đã mua sản phẩm của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác. Số khăn tay lụa tơ tằm Việt Nam thương hiệu Khai Silk (kích thước 50 x 50 cm), với đơn giá 644.000 đồng/chiếc. Sau khi nhận hàng thì phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “made in China”.

img

Ông L là người tiếp theo chia sẻ thông tin trên mạng xã hội tố cáo Khaisilk bán hàng lừa dối khách hàng bằng cách cắt tem cũ của sản phẩm và thay vào đó là may tem mới mang thương hiệu Khaisilk (Ảnh: IT)

Có lẽ, cái cách kinh doanh Khaisilk làm không phải là cá biệt, vẫn còn những doanh nghiệp khác đã làm nhưng người tiêu dùng thất vọng nhất chính là một thương hiệu lớn như Khaisilk lại sẵn sàng chà đạp lên niềm tin của khách hàng vì lợi nhuận trước mắt, bất chấp sự gian dối. Những người mua hàng là khách hàng đã giúp Khaisilk trở nên thành công, họ sẵn sàng bỏ tiền ra với hi vọng tặng cho người thân, bạn bè, khách hàng người nước ngoài…món quà ý nghĩa đặc trưng của Việt Nam nhưng nếu người được tăng phát hiện ra chỉ là hàng Trung Quốc thì thật mất mặt.  

Thực tế, sau khi sự việc Khaisilk bị tố, có những người còn chia sẻ việc cắt tem Made in China để dán tem Khaisilk còn được thực hiện từ cách đây 10, 20 thậm chí là 30 năm trước. Nếu thực sự là như vậy, số người bị Khaisilk lừa dối trong suốt mấy chục năm sẽ thật khó tính toán được đẩy đủ và Khaisilk nếu chỉ cam kết cho khách hàng tới đổi hàng hoặc trả lại hàng lấy tiền về thôi chắc chắn cũng không phải là con số nhỏ.

Ở một khía cạnh khác, những người đã bỏ tiền ra mua sản phẩm của Khaisilk với ý nghĩa là sản phẩm cao cấp, đặc trưng của Việt Nam làm quà tặng thì việc trả lại tiền hoặc đổi sản phẩm của Khaisilk dù có thực hiện cũng là vô nghĩa.

Trao đổi với Dân Việt trước đó, chính ông Đặng Như Quỳnh là người đầu tiên tố Khaisilk lừa dối khách hàng cũng khẳng định: “Dù Khaisilk có bồi thường tôi bằng tiền hay là dùng sản phẩm “chuẩn” để đổi lại cho tôi là vô nghĩa vì tôi bỏ tiền ra để mua quà tặng và mối quan hệ của tôi với đối tác là không đo đếm được bằng tiền”.

Người tiêu dùng đòi quyền lợi ở đâu?

Sau sự việc bị khách hàng tố hàng loạt các cửa hàng của Khaisilk ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã đóng cửa. Câu hỏi mà nhiều khách hàng đang băn khoăn là sau khi ông Hoàng Khải tuyên bố trên báo chí sẽ nhận lại toàn bộ hàng hoá đã bán ra nếu người mua có nhu cầu trả lại thì phải tìm đến đâu để trả lại và lấy lại tiền từ Khaisilk?

img

Cơ quan chức năng thu giữ nhiều hóa đơn, xuất, nhập hàng của Khaisilk ở 113 Hàng Gai, Hà Nội (Ảnh: CQCN)

Trao đổi với Dân Việt qua điện thoại, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi có chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đang khẩn trương triển khác các công việc được giao. “Cục quản lý thị trường cũng đã lấy mẫu và việc kiểm nghiệm hay không, khi nào công bố kết quả thì phải tìm hiểu cụ thể phía Cục Quản lý thị trường”, ông Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, hiện Cục cũng chưa nhận được những phản hồi nào từ phía khách hàng tới Cục để đòi quyền lợi từ Khaisilk.

Câu hỏi nhiều người đang quan tâm là với trách nhiệm của Bộ Công Thương, liệu đơn vị này có thể xem xét tới việc yêu cầu Khaisilk thực hiện các quyền lợi với người tiêu dùng như cho phép trả lại sản phẩm hoặc đổi sản phẩm với chất lượng thực sự chứ không phải là hàng “cắt tem” do đã có hành vi lừa dối khách hàng hay không?

Liên quan tới việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng chưa bao giờ có hoạt động nào để chứng minh họ đang… tồn tại ngoài vụ việc công bố kết luận về chất lượng nước mắm năm 2016. ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh còn đề nghị “đóng cửa”, và không cần sự tồn tại của hội này.

Hiện nay, về phía cơ quan chức năng Bộ Công Thương đã tách Cục quản lý cạnh tranh trước đây ra thành Cục phòng vệ thương mại và Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng có thể khiếu kiện tới các đơn vị chức năng để được giải quyết.

Chiều ngày 26.10, sau khi có chỉ đạo từ Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các đơn vị chức năng của Bộ này đã tiến hành kiểm tra tại các địa điểm kinh doanh của Khaisilk, thu thập chứng từ và các sản phẩm vi phạm. Biên bản của Đoàn kiểm tra ghi rõ:  thống nhất đề xuất trưởng đoàn tạm giữ toàn bộ 56 (năm sáu)chiếc khăn vuông lụa tơ tằm, giả mạo xuất xứ hàng để xử lý. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn thu giữ nhiều hóa đơn xuất, nhập hàng của Khaisilk tại 113 Hàng Gai (Hà Nội). Hiện các cơ quan chức năng cũng đang làm rõ Khaislik đã thu mua “gom” sản phẩm từ những nguồn nào.