Chiếc khăn quàng cổ là để mang lại cảm giác ấm áp, mềm mại, chút nhấn nhá của phong cách thời trang. Thòng lọng là vòng dây buộc sao cho thắt chặt lại được khi người ta giật mạnh một đầu dây.
Vào dịp Halloween 2017, đại gia Hoàng Khải- Khaisilk đã biến chiếc khăn quàng lụa“Made in Vietnam” mà thực chất là “Made in China” thành chiếc thòng lọng – thứ mà người ta vẫn hay dùng để trang trí sân nhà đáng sợ ngày lễ ma quỷ.
Sự liên hệ tưởng chừng không liên quan, nhưng ngẫm cho cùng đó là luật nhân quả, “đi đêm lắm có ngày gặp ma!”.
Bạn tôi - một người Nga làm ở Đại sứ quán tại Việt Nam là một tín đồ của lụa Khaisilk.
Anh sống ở Hà Nội 13 năm, kinh qua nhiều công việc, nhưng chủ yếu vẫn là quan hệ đối ngoại.
Anh biết đến Khaisilk ban đầu là được tặng quà khăn lụa, sau đó tin dùng và mua tặng như một món quà mang tinh thần, tâm hồn Việt - điều mà anh chắc chắn rằng, giá trị của nó không nằm ở sự xa xỉ.
Một chiếc khăn của Khaisilk bị nghi cắt mác.
Để rồi, khi ông chủ Khaisilk- Đại gia Hoàng Khải cúi đầu thừa nhận, những chiếc khăn lụa gắn nhãn mác “Made in Vietnam” được bán bấy lâu nay với giá khá chát trên 600.000 đồng, thực ra chỉ là chiếc khăn lụa Trung Quốc, được mua về với giá rất rẻ, phù phép cộp nhãn hàng Việt Nam vào, thì niềm tin về hàng Việt rạn vỡ trong anh cũng như trong hàng ngàn khách hàng của Khaisilk, thậm chí hàng triệu người tin dùng Khaisilk.
Và cuối cùng, cái quan trọng theo lời bạn tôi nói, anh thấy ứ nghẹn nơi cổ họng khi nhớ lại khoảnh khắc những người Nga, những người bạn ngoại giao của anh mắt tròn xoe thích thú, hít hà chiếc khăn lụa Khaisilk và không khỏi reo lên hai từ “Việt Nam” rất thân thương.
Người ta có thể mua tặng một chiếc khăn hàng hiệu LV, hay Burberry ở bất cứ nước nào mà không cần lời giới thiệu, nhưng nếu món quà lựa chọn là một chiếc khăn lụa Việt Nam, lụa Khaisilk thì bên trong chiếc khăn là cả một câu chuyện văn hoá, là sự tinh hoa đúc lại của một làng nghề để tôn thêm giá trị tinh thần của món quà.
“Giờ đây, tôi phải kể lại câu chuyện văn hoá của lụa Việt Nam trong chiếc khăn Khaisilk sao đây?”, anh bạn hỏi tôi chua xót.
Không cứ là người phương Tây, người tiêu dùng Đông Á cũng đều rất trọng văn hóa quà tặng, xem nó như đại diện hình ảnh của người tặng.
Bên trong một gian hàng của Khaisilk
Hàng chục năm qua, Khaisilk đã đồng hành cùng với niềm tin và giá trị đó, cho đến khi sự thật được phanh phui, cha đẻ của thương hiệu Khaisilk cúi đầu thừa nhận có sự gian lận này.
Cùng với hành động cúi đầu xin lỗi, Hoàng Khải nói: “Thiệt hại bao nhiêu tôi cũng chưa tính tới. Nhưng cái tôi tính tới là tổn hại uy tín thương hiệu, cái này mới quan trọng và lớn hơn tiền bạc rất nhiều...Không thể ngày một ngày hai, có thể mất hàng mấy năm trời để gây dựng lại sự mất mát này, tôi gọi là mất mát đau đớn. Cũng do cách hiểu và bán hàng sai lầm của doanh nghiệp. Tôi không bao giờ muốn khách hàng nghĩ là chúng tôi đánh lừa họ”.
Dù nói gì đi nữa, người tiêu dùng vẫn cho rằng Khaisilk đã lừa dối họ.
Khaisilk có thể thu hồi khăn để bồi thường cho khách hàng, nhưng niềm tin thì không thể thu hồi để bồi thường. Chiếc khăn của Khaisilk đã biến thành chiếc thòng lọng siết cổ chính doanh nghiệp này và siết luôn cả niềm tin, sự ủng hộ vào hàng Việt.
Nói không chừng, như ở một số nước vẫn định nghĩa về chiếc thòng lọng: Sự xuất hiện của thòng lọng là mang tính đe dọa và phạm pháp!