Dân Việt

Lí do khiến hơn 4 triệu cặp đôi Trung Quốc li hôn mỗi năm

Quang Minh - SCMP 31/10/2017 04:55 GMT+7
Số vụ li dị tại Trung Quốc đang ở ngưỡng gấp 10 lần thời điểm cách đây 30 năm.

img

Một đám cưới điển hình ở Trung Quốc.

Khi Châu Anh từ thành phố Quảng Châu kết thúc cuộc hôn nhân kéo dài 10 năm của mình, cô cảm thấy như một gánh nặng được trút khỏi vai. Không chỉ được nhận quyền chăm sóc đứa con 8 tuổi, sở hữu căn nhà cũng như một phần tài sản tiết kiệm, cô không còn phải đối mặt với những cuộc cãi vã nảy lửa với ông chồng cũ.

Châu Anh nói: “Chúng tôi gặp và yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, mối quan hệ này kết thúc trong đau đớn và chúng tôi đều mang trong lòng những vết sẹo sau cuộc hôn nhân này. Dù sao thì tôi vẫn được quyền nuôi con trai và cuộc sống của tôi không quá ảnh hưởng”.

Không giống thế hệ trước sẵn sàng chấp nhận hôn nhân không hạnh phúc, người trẻ ở Trung Quốc coi việc li dị là điều hết sức bình thường trong xã hội. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, 1,85 triệu người Trung Quốc đã li hôn, tăng 10% so với cùng kì năm ngoái. Cách đây 30 năm, Trung Quốc chỉ có 460.000 cặp đôi li dị. Tới năm 2016, con số trung bình đã là 4,15 triệu.

Độ tuổi li dị nhiều nhất là 26, theo số liệu thống kê của Ủy ban vì Phụ nữ Trung Quốc. Nhiều chuyên gia và luật sư nói rằng tỉ lệ li dị gia tăng do người dân ngày càng độc lập về tài chính, đặc biệt là nữ giới. Tuy nhiên, ẩn sau con số này là một sự thật khác đen tối hơn mà ít người biết tới, đó là nạn bạo hành gia đình và ngoại tình. Đây là 2 nguyên nhân hàng đầu dẫn tới li dị tại Trung Quốc. Tòa án Trung Cấp số 2 tại Bắc Kinh cho biết 93% các vụ li dị xuất phát từ 2 lí do kể trên.

Theo thống kê của website hẹn hò “Se duyên”, 18% các cặp li dị nói rằng bạo hành gia đình là nguyên nhân khiến họ nộp đơn. 38% nói rằng họ chấm dứt hôn nhân vì chồng của mình có quan hệ ngoài luồng. Với nam giới, 25% nói rằng họ bị lừa dối và chỉ 2% nói bị bạo hành. Thống kê cho thấy 41% số cặp đôi kết thúc bằng lá đơn li dị trong 5 năm đầu tiên.

img

Cô dâu Trung Quốc trong bộ trang phục truyền thống.

Lục Tiểu Quyền, giám đốc công ty luật Qianqian tại Bắc Kinh cho biết trong số hơn 1.200 bức thư gửi về nhằm hỗ trợ pháp lý, phần lớn trong số này nêu lí do chia tay là vì bạo hành và ngoại tình.

“Một số người sinh trưởng trong gia đình mà bạo lực là điều tất yếu. Do đó, họ tiếp tục thói quen này với vợ/chồng mình mà không nhận thức được mối nguy hại”, ông Lục nói. Một chuyên gia về tình yêu nói rằng bạo lực gia đình, trong đó có việc đánh đập hoặc bạo hành về tâm lý, gây ra những thương tổn vĩnh viễn lên nạn nhân. Xã hội phớt lờ thực trạng này càng khiến tình hình thêm bi đát.

Ruby Từ, 32 tuổi, một công nhân tại Bắc Kinh, người đang đệ đơn li dị, nói rằng cô cảm thấy mình như kẹt trong một cơn ác mộng không hồi kết. Cô thường xuyên bị chồng mắng chửi thậm tệ.

Từ cho biết cô gặp chồng rồi cả hai kết hôn sau đó vài tháng. Cô có thai nhưng bị bỏ mặc trong bệnh viện khi ốm. Chỉ một tháng sau sinh, cô bị chồng đánh đập với bất kể lí do nào. Thậm chí, cô mua thuốc mà không báo với chồng cũng trở thành lí do để người chồng hành hung.

Ban đầu, Từ chịu đựng vì đứa con nhưng cuối cùng, cô phải li dị vì không thể chịu nổi những trận đòn ngày càng mạnh tay. Cô bị rạn sọ vì bị chồng đánh trong lần mới đây nhất. Sau đó, Từ bị đuổi khỏi nhà và cấm tới tìm con.

“Tôi rất nhớ con mình nên đôi lúc, tôi đứng ở ngoài để mong nhìn thấy nó trong thoáng chốc. Thật quá tàn nhẫn khi không cho mẹ con tôi gặp nhau”, Từ nói. “3 năm qua là quá đủ với tôi. Hy vọng duy nhất của tôi bây giờ là li dị và tôi được cấp quyền nuôi con”.

Trương Chí Hải, giám đốc công ty luật Lanpeng ở Bắc Kinh, nói rằng con số 93% các vụ li dị do bạo hành và ngoại tình là có cơ sở. Ông Trương là đại diện pháp luật cho một diễn viên nổi tiếng ở Trung Quốc. Người này đệ đơn li dị vì vợ của ông đã ngoại tình với một người khác. Đây là vụ việc gây rúng động nền giải trí Trung Quốc trong năm 2017.

Tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, chính quyền đang tìm cách làm giảm số vụ li dị trong năm bằng cách yêu cầu những người nộp đơn dành ra 3 tháng để suy nghĩ về cuộc hôn nhân, theo Tân Hoa Xã. Lệ Giang, một thẩm phán cấp quận tại Sơn Đông nói rằng nhiều người li dị quá vội vàng hoặc do áp lực từ gia đình. Nhiều cặp đôi sau thời gian suy nghĩ đã quay trở về với nhau.

TQ: Nhảy ao tự tử vì bị bố mẹ ép cưới vợ quá xấu

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, bị cha mẹ sắp đặt và ép cưới cô vợ quá xấu, một chàng trai trẻ đã nhảy xuống ao...