Theo kế hoạch, từ ngày 1.1.2018, hai công ty Cổ phần Vận tải đường sắt (VTĐS) Sài Gòn và Hà Nội sẽ phối hợp với Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) thí điểm đưa suất ăn theo tiêu chuẩn hàng không lên tàu, thay cho việc nấu trên tàu như hiện nay.
Suất ăn tính vào giá vé?
Theo ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hai công ty VTĐS Sài Gòn và Hà Nội sẽ phối hợp với Sasco cung cấp suất ăn nấu sẵn đến các ga với giá đề xuất ban đầu: Suất ăn chính 35.000 đồng/phần, suất ăn phụ 25.000 đồng/phần. Chi phí suất ăn sẽ được tính vào giá vé tàu.
Theo chỉ đạo từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hai công ty này sẽ thí điểm trên tuyến Sài Gòn-Nha Trang, nếu thành công thì áp dụng rộng ra nhiều đoàn tàu khác. Nhưng sau khi tính toán lại thấy tuyến tàu này có quãng đường ngắn, khách ít ăn cơm nên phải chuyển sang tuyến Sài Gòn-Hà Nội trên các đôi tàu SE3/4 và SE5/6.
Trước đó, ngày 18.10, văn phòng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông báo kết luận cuộc họp của ông Vũ Anh Minh giao Công ty VTĐS Sài Gòn và Hà Nội phối hợp với Sasco khẩn trương hoàn tất thủ tục, cải tạo nội thất toa xe, lắp đặt thiết bị để triển khai phục vụ suất ăn trên tàu kể từ ngày 1.1.2018.
Hành khách đăng ký mua vé tàu Tết 2018 tại ga Sài Gòn. Ảnh: HỒNG TRÂM
Nhiều hành khách không đồng tình
Ngay khi nghe tin ngành đường sắt sắp trở lại bán thức ăn kèm vé, anh Phạm Công (ngụ quận 3) cho biết: “Là một người thường xuyên đi tàu về thăm quê, tôi không tán thành việc gộp tiền ăn vào vé của ngành đường sắt. Thay vào đó, ngành đường sắt có thể tổ chức bán suất ăn trực tiếp trên tàu để hành khách tự do lựa chọn ăn hay không ăn và ăn gì theo nhu cầu”. Anh Công cũng đề nghị cạnh đó phải nâng cao chất lượng suất ăn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực thẩm. Nếu làm được như vậy thì hành khách sẽ thấy thoải mái, không bị bắt buộc.
Chị Nguyễn Mỹ Anh (ngụ quận Gò Vấp) bày tỏ: “Theo tôi, cứ cho hành khách hai lựa chọn: Vé bao gồm suất ăn hoặc vé không bao gồm suất ăn. Có vậy ngành đường sắt chủ động được số lượng suất ăn phải chuẩn bị, phía hành khách cũng cảm thấy thoải mái”.
Anh Phan Đức Trường (ngụ quận Tân Bình) đề nghị vẫn giữ cách bán vé như cũ, cần thì mua vé ăn riêng. Ngoài ra, cần có toa ăn uống đạt chất lượng phục vụ với chỗ ngồi thoải mái là tốt rồi.
Trước đây, năm 2007, ngành đường sắt từng thực hiện phương án bán vé kèm suất ăn nhưng sau đó phải dừng. Nguyên nhân là do chất lượng phục vụ, suất ăn, vệ sinh trên tàu chưa phù hợp với nhu cầu của khách. Vì vậy ngành đường sắt đã chuyển sang phục vụ khách ăn uống theo nhu cầu trên tàu. Nếu làm lại đòi hỏi tiêu chuẩn phải cao hơn, nhiều tiện ích hơn để khách đi tàu lựa chọn và được ăn uống trọn gói. Nếu đưa suất ăn vào vé thì chắc chắn phải tính đến mức giá mà khách hàng có thể chấp nhận được. Ông ĐOÀN DUY HOẠCH, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam |
Đang đàm phán với bên cung cấp thức ăn
Ngày 29.10, trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết hiện nay đơn vị có chủ trương cho phép Công ty VTĐS Sài Gòn và Hà Nội nghiên cứu thí điểm suất ăn hàng không vào phục vụ hành khách đi tàu tại một số tuyến ngắn như Sài Gòn-Nha Trang. Sau đó sẽ đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của chương trình, nếu tốt sẽ tiếp tục triển khai trên các tuyến đường dài. “Tuy nhiên, hiện nay các công ty trên đang xây dựng phương án thực hiện và đàm phán với nhà cung cấp. Đến nay đơn vị chưa nhận được báo cáo cụ thể từ các công ty” - ông Hoạch nói.
Trả lời câu hỏi liệu suất ăn có được quy định linh hoạt, hành khách được quyền lựa chọn vé có suất ăn hoặc không có suất ăn, ông Hoạch cho biết việc này sẽ do hai công ty trên xây dựng và báo cáo cụ thể các phương án. Khi nhận được báo cáo, ngành đường sắt sẽ xem xét, lựa chọn các phương án phù hợp và hiệu quả nhất.
Cơm nhà tàu có bao giờ ngon? Hồi tháng 7.2017, chúng tôi có dịp đi cùng gia đình về Quy Nhơn. Tầm 10 giờ, có nhân viên nhà tàu đi qua các toa hỏi hành khách nào có nhu cầu dùng suất ăn trưa thì đăng ký. Rất ít hành khách hưởng ứng. Chúng tôi lâu lắm mới đi lại tàu nên không chuẩn bị đồ ăn, đăng ký sáu suất, giá khoảng 35.000 đồng/suất. Thực đơn nghèo nàn. Hai món mặn, hai món canh. Suất ăn có thêm món su xào. Chúng tôi không bình luận mắc rẻ vì đi tàu thì phải phụ thuộc dịch vụ nhà tàu. Nhưng chẳng món nào ăn cho tạm được. Thịt thì bốc mùi tanh và mặn chát. Canh thì nguội, lõng bõng nước. Chúng tôi cảm thấy như bị mắc lừa. Chiều hôm đó gia đình không dám tiếp tục đăng ký suất ăn chiều. Chúng tôi ăn uống qua loa cho đến khi xuống tàu. Nay nghe nói nhà tàu đang chuẩn bị khôi phục lại suất ăn trên tàu, giá suất ăn sẽ được cộng vào vé tàu, dự kiến thực hiện từ ngày 1.1.2018. Là hành khách từng dùng bữa cơm trên tàu chúng tôi xin được góp vài ý. Thứ nhất, phải quan tâm tới chất lượng các món ăn. Trên một hành trình dài, một món ăn hợp vệ sinh, vừa miệng sẽ góp phần xóa bớt sự mệt mỏi của hành khách. Thứ hai, thái độ phục vụ cần niềm nở, ân cần. Không gì vui bằng nhận được nụ cười từ người phục vụ; xin khăn lau hay cây tăm được đáp ứng ngay. Thứ ba mới tới giá cả, không yêu cầu phải bằng mà có thể cao hơn bên ngoài để đủ bù cho các chi phí trên tàu. Cần nhớ bữa ăn ngon vì có một phần tình cảm của nhân viên đường sắt trong đó. Hy vọng ngành đường sắt nghiên cứu, tránh lặp lại vết xe đổ trước đây. QUANG ÂN |