Dân Việt

Có nên "lướt sóng' Bitcoin kiếm chục triệu đồng mỗi ngày?

Đình Nam 31/10/2017 15:04 GMT+7
Mua đi, bán lại nhiều loại tiền kỹ thuật số (coin) có thể đem về thu nhập rất cao cho người chơi, song cũng đi cùng rủi ro lớn.

img

Ngồi trong quán cà phê với bạn, Phan Hội (Thanh Xuân, Hà Nội) mắt không rời khỏi màn hình máy tính với những con số và biểu đồ liên tục "nhảy múa". Anh đang vào lệnh để mua những đồng tiền điện tử có giá thấp nhưng được dự đoán sẽ tăng giá sau đó. Với việc mua đi bán lại như vậy, mỗi ngày Hội có thể thu về cả chục triệu đồng.

Lấy ví dụ về đồng Dash, Hội cho biết thời điểm 19/8 giá cho mỗi đồng chỉ khoảng 230 USD nhưng bốn tiếng sau lên tới 328 USD, tức tăng gần 45%. Một số coin khác có thể khiến số tiền của người đầu tư tăng gấp 2, gấp 5 lần chỉ trong vài này. Ví dụ nhìn dài hạn, Bitcoin giá từ 1.000 USD mỗi đồng hồi đầu năm nay đã vượt mốc 6.000 USD trong tháng 10.

"Nếu như cách đây chục năm, người ta lên sàn để "hốt bạc" từ việc "lướt sóng" chứng khoán thì bây giờ "cơn sốt" tiền điện tử cũng vậy", anh chia sẻ. "Có những nét tương đồng giữa chúng, nhưng nhìn chung mua bán tiền điện tử ít ràng buộc hơn, cơ hội nhiều nhưng đi cùng với rủi ro không nhỏ".

Biết đến Bitcoin từ 2013 khi đồng tiền điện tử này có giá tầm 100 USD, song mãi đến giữa năm 2015, Phan Hội mới thực sự bắt tay vào lĩnh vực này. "Lúc đầu tôi chỉ dám bỏ hơn ba triệu đồng để mua Bitcoin và cứ thế học hỏi thông qua các diễn đàn, nhóm Facebook, Telegram..."

Trader (gọi chung cho những người giao dịch) thực hiện lệnh mua và bán thông qua các sàn giao dịch trực tuyến. Người chơi phải giao toàn bộ số coin mà mình muốn trao đổi (tiền vốn) cho sàn nắm giữ nên các trang uy tín như Bittrex hay Poloniex là ưu tiền hàng đầu hiện nay của trader.

Có cả nghìn đồng tiền điện tử khác nhau nhưng giá trị nhất và có tầm ảnh hưởng nhất là Bitcoin nên đây hay được chọn làm đồng chính để quy đổi. Trader thường dùng Bitcoin để mua đi, bán lại các đồng tiền khác (gọi chung là altcoin) với mục tiêu cuối cùng là làm tăng số Bitcoin của mình lên.

Có nhiều chiến thuật trade trong đó Hội chủ yếu chọn phương án "lướt sóng", tức là mua rồi bán coin trong ngắn hạn. "Khi phân tích, đánh giá thậm chí là cảm nhận một đồng tiền ảo xuống thấp và có thể tăng trưởng nhanh sau đó, tôi thực hiện lệnh mua, chờ giá lên rồi lại bán ra. Đôi khi mọi thứ diễn ra chỉ trong vài phút".

Chỉ tay vào màn hình với các đường xanh, đỏ lên xuống, Hội cho biết đã phải trả giá khá nhiều. "Lúc mới chơi, mình cứ thích đồng nào là mua đồng nấy, nghe ai nói đồng nào tiềm năng lại mua, gặp đúng thời thị trường đi lên nên chơi đâu trúng đó", Hội kể. "Tuy nhiên, tiền điện tử không do quản lý của bất kỳ cơ quan, nhà nước nào nhưng ảnh hưởng bởi sự thao túng của một nhóm người".

"Cá mập" là từ được dùng để chỉ những trader có khối tài sản khổng lồ trên thị trường tiền điện tử. Vì tiềm lực mạnh nên "cá mập" có thể khiến giá một loại coin tăng lên cả chục lần nhưng cũng có thể khiến giá sụt thảm hại, mất giá cả chục lần. Họ cũng thường tung các thông tin tốt để "thổi phồng" giá trị của một đồng tiền ảo (bong bóng) hoặc tin xấu nhằm "xì hơi".

"Những người mới thường mắc vào bẫy của "cá mập" nhưng các trader kinh nghiệm cũng không thể đảm bảo mình không sai lầm. Tôi và rất nhiều người đã rơi vào tình trạng thấy giá một đồng tăng mạnh nên lao vào mua, lúc lệnh của mình được khớp thì cũng là lúc giá coin đó đảo chiều, "tụt dốc không phanh" khiến giá trị đầu tư giảm vài chục phần trăm", Hội nhớ lại.

Theo thời gian, Hội học cách chơi thông qua việc phân tích kỹ thuật, đánh giá nguồn tin và cả kinh nghiệm rút ra của những lần "tài khoản giảm còn một phần ba". Thời điểm thị trường biến động mạnh, mỗi ngày anh có thể thu về cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, theo Hội, những gì anh phải trả giá cũng rất nhiều, không chỉ là tiền bạc.

"Thị trường coin biến động liên tục, bất kể ngày đêm mà thậm chí đêm giao dịch rất mạnh nên giờ giấc sinh hoạt của tôi thất thường", Hội chia sẻ. "Nhiều khi đi ngủ rồi mà không yên, hai ba giờ sáng lại dậy mở máy tính hay điện thoại đề xem và điều chỉnh giá. Hay nhiều khi đi chơi với bạn bè, người thân mà tay vẫn không rời khỏi màn hình smartphone".

Sân chơi này cũng đòi hỏi các trader phải có cái đầu thật tỉnh táo và tinh thần vững vàng. Mạng xã hội phát triển giúp tin tức lan truyền nhanh hơn nhưng trong đó không ít là tin giả mạo làm xáo trộn thị trường. Người chơi thường phải rèn tính kiên định, bản lĩnh để có thể đưa ra quyết định đúng đắn bởi mỗi lệnh đều có thể khiến tài khoản có thêm hoặc bốc hơi.

"Lĩnh vực tiền điện tử phát triển mạnh nhưng vẫn mới mẻ, ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới cũng chưa có khung kiểm soát hết nên bất cứ ai tham gia đều nên thận trọng", Hội nhìn nhận. "Thị trường cũng xuất hiện các biến tướng dựa trên Bitcoin, huy động vốn và trả lãi vài chục phần trăm mỗi tháng nhưng rất có thể là lừa đảo".

Ngân hàng Nhà nước không cho Bitcoin và các loại tiền ảo vào nhóm các phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Từ 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.