Dân Việt

Thiết bị do thám TQ soi rõ mục tiêu từ độ cao kỷ lục 25.000m

Đăng Nguyễn - SCMP 31/10/2017 15:55 GMT+7
Máy bay không người lái của Trung Quốc, với nhiệm vụ thu thập thông tin quân sự, lần đầu đạt tới độ cao kỷ lục 25.000 mét trong một lần thử nghiệm.

img

Thiết bị do thám mới của Trung Quốc có thể hoạt động ở tầm cao kỷ lục 25.000 mét.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), máy bay trinh sát không người lái hoạt động ở tầm cao sẽ giúp Trung Quốc thống trị khu vực tiệm cận không gian.

Khu vực tiệm cận không gian bắt đầu từ độ cao 20.000 mét so với mặt nước biển. Đây từng được coi là “cõi chết” đối với các máy bay không người lái, bởi không khí loãng và nhiệt độ thấp sẽ khiến các thiết bị điện tử trên máy bay như pin gặp trục trặc.

Một loại máy bay không người lái mới của Trung Quốc, hiện đang trong quá trình thử nghiệm, dường như đã vượt qua trở ngại này. SCMP đánh giá đây là bước tiến lớn trong tham vọng mở rộng hoạt động quân sự của Trung Quốc ở độ cao lớn hơn 20.000 mét.

Khu vực này từ lâu được coi là nơi hứa hẹn cho các hoạt động do thám, trinh sát, nhưng chưa có quốc gia nào chạm tới vì quá cao so với máy bay thông thường, nhưng lại quá thấp với vệ tinh hoạt động theo quỹ đạo.

img

Mẫu Global Hawk của NASA và quân đội Mỹ hoạt động được ở tầm cao 19.000 mét.

Mục tiêu của các nhà khoa học Trung Quốc để chế tạo thiết bị bay có thể soi rõ khu vực rộng lớn từ độ cao 25.000 mét và hoạt động bền bỉ hàng tuần hay thậm chỉ là cả tháng.

Cho đến nay, “ác điểu” RQ-4 Global Hawk của Mỹ là máy bay không người lái hoạt động ở tầm cao nhất thế giới, khoảng 19.000 mét.

Nhưng cuộc thử nghiệm hồi tháng trước tại một cơ sở quân sự ở Nội Mông, đánh dấu bước tiến lớn, khi máy bay không người lái Trung Quốc  hoạt động được ở độ cao 25.000 mét.

Loại máy bay không người lái này có kích thước chỉ bằng một con dơi, đạt tốc độ tối đa 100 km/giờ. Theo các nhà khoa học, loại máy bay này có thể tự động điều chỉnh đường bay đến mục tiêu mà không cần con người can thiệp.

Cảm biến gắn trên máy bay sẽ truyền dữ liệu về trung tâm chỉ huy dưới mặt đất. Với kích thước nhỏ, giới khoa học Trung Quốc tin tưởng loại máy bay không người lái này sẽ trở nên “vô hình” trước radar đối phương.

“Trong nhiệm vụ giả định, hàng trăm máy bay không người lái loại này sẽ được tung vào hoạt động, giống như ong vỡ tổ vậy”, Giáo sư Yang Yanchu nói.

img

Mẫu MQ-9 Reaper của Mỹ chỉ hoạt động được ở tầm cao khoảng 10.000 mét, dễ dàng bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không.

Ngoài Trung Quốc, Mỹ cũng đang ráo riết phát triển loại máy bay do thám mới hoạt động ở sâu trong lãnh thổ đối phương và nằm ngoài tầm bắn của tên lửa phòng không.

Các mẫu máy bay MQ-9 Reaper của Mỹ hay Caihong 5 của Trung Quốc hiện dễ dàng bị bắn rơi nếu đối phương phát hiện.

Điểm đáng chú ý khác là mẫu máy bay không người lái mà nhóm của ông Yang đang nghiên cứu có chi phí chế tạo rất rẻ, chỉ vài trăm Nhân dân tệ.

Yang Chunxin, giáo sư đến từ Đại học Beihang ở Bắc Kinh, nói rằng vẫn còn nhiều thách thức trong việc phát triển mẫu máy bay không người lái hoạt động ở tầm cao.

“Máy bay hoạt động ở khu vực gần như không có không khí sẽ khiến các thiết bị dễ gặp trục trặc và không thể thu hồi sau mỗi lần hoạt động”, ông Yang Chunxin nói.

Theo giáo sư Yang Yanchu, Trung Quốc là nước đến sau trong cuộc đua đưa thiết bị quân sự vào khu vực tiệm cận không gian, nhưng lại đạt nhiều bước tiến đáng kể nhất trong những năm qua.

Vũ khí rút sạch không khí trong phổi, lấy mạng người trong nháy mắt

Đây được mệnh danh là loại vũ khí mạnh nhất lịch sử chỉ sau vũ khí hạt nhân.