Dân Việt

“Dậy sóng” trước phát biểu của ĐB Hồ Văn Năm

Phi Long 01/11/2017 11:15 GMT+7
Sau phát biểu của ĐBQH Hồ Văn Năm về vụ việc phân bón Thuận Phong (Đồng Nai) với những ý kiến “đá nhau” có ý bênh vực cho doanh nghiệp đã khiến cho dư luận “dậy sóng”.

img

Ông Trần Hùng (áo cộc tay) trực tiếp tham gia vụ việc bắt giữ công ty Thuận Phong sản xuất phân bón đã được 6 bộ ngành kết luận là giả tại Đồng Nai (Ảnh: IT)

Nông dân sẽ ghĩ gì với phát biểu của ông Năm?

Trao đổi với Dân Việt, ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) là người theo sát vụ việc Công ty Phân bón Thuận Phong trong suốt hơn 2 năm qua cho biết: Sau khi nghe ông Nguyễn Văn Năm phát biểu, tôi không thể nghĩ đây lại là ĐBQH trên nghị trường để đại diện cho người dân. Đặc biệt trong đó là hơn 60 triệu nông dân, có rất nhiều người nghèo khó đang phải chịu vấn nạn sản xuất phân bón giả hoành hành, họ sẽ nghĩ gì sau những phát biểu của ông Năm?”

Ông Trần Hùng cho rằng, Chính phủ, Quốc hội đang hết mình vì người nghèo trước vấn nạn hàng giả đặc biệt là các mặt hàng phân bón giả, thuốc trừ sâu giả, thuốc chữa bệnh giả cần phải bị coi là tội ác. “Vậy mà, ông Năm nguyên là Viện trưởng viện KSND tỉnh Đồng Nai, thời điểm vụ việc xảy ra thì ông Năm đang là Viện trưởng lại có ý định bảo vệ cho doanh nghiệp. Ngay sau đó, tôi thấy ông Năm bị dư luận phản ứng gay gắt. Vâng, thưa ông, có phải ông nghĩ việc giữ uy tín cho doanh nghiệp làm hàng giả quan trọng hơn giữ niềm tin của 60 triệu nông dân?”, ông Trần Hùng nhấn mạnh.

Nói về vụ phân bón Thuận Phong, ông Trần Hùng cũng cho rằng, nếu không xử lý nghiêm minh sẽ không thể lập lại trật tự quản lý nhà nước về phân bón. Tất cả công ty sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ lấy vụ Thuận Phong làm tiền lệ, rất nguy hiểm. Kiểu như cùng lắm chấp nhận chi phí mất vài trăm triệu đồng tiền phạt hành chính là xong, còn thì tha hồ sản xuất phân bón giả, kém chất lượng không sợ bị xử lý hình sự.

“Các công ty sản xuất phân bón chân chính sẽ bị nạn sản xuất phân bón giả phá hoại dẫn đến phá sản. Bởi vì họ làm ăn bài bản, đầu tư nghiêm túc, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao và họ khó cạnh tranh với nạn sản xuất phân bón giả như hiện nay.Vì tất cả điều trên, thiết nghĩ phải nhanh chóng lập lại trật tự trong sản xuất, kinh doanh phân bón!”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Trần Hùng, trước đó, vào tháng 11.2016 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tiếp tục làm việc với các bộ, ngành liên quan. Theo văn bản truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại cuộc họp này, có nêu rõ là Phó Thủ tướng đồng ý với ý kiến các bộ, ngành (Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, Bộ KHCN, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng…) về việc Công ty Thuận Phong có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón.

img

ĐBQH Hồ Văn Năm phát biểu tranh luận về vụ việc phân bón Thuận Phong với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã khiến dư luận "dậy sóng" (Ảnh: IT)

Đại biểu Quốc hội lo “chìm xuồng”

Tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế, xã hội chiều qua (31.10), trong khi đề cập đến vấn đề giám sát của cơ quan dân cử, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã nhắc đến vụ việc phân bón Thuận Phong- một vụ việc từ năm ngoái đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết: “Có một số vụ việc tôi thấy chìm xuồng, như vụ phân bón Thuận Phong (Đồng Nai) về phân bón giả. Tôi thấy cứ “lờ lững” mãi mà chưa thấy các đoàn ĐB Quốc hội lên tiếng".

Đáp lời về ý kiến trên, ĐBQH Hồ Văn Năm của Đồng Nai cho rằng: vụ phân bón Thuận Phong do cơ quan Trung tương phát hiện, điều tra ban đầu, sau đó vụ việc và chuyển cho Đồng Nai xử lý. Lúc đầu, cơ quan cơ Trung ương điều tra cũng đề nghị các cơ quan tư pháp của Đồng Nai, kết luận vụ Thuận Phong là hàng giả. Tuy nhiên, phải chờ xem xác định có đúng hàng gian, hàng giả mới khởi tố hình sự được.

ĐBQH Hồ Văn Năm cũng cũng cho biết, hiện Ban Nội chính Trung ương vào cuộc, các cơ quan tư pháp, cấp ủy của Đồng Nai cũng đã báo cáo, xin ý kiến để xử lý. Bởi, khởi tố hay không khởi tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến chính sách, chế độ, và nhân phâm, danh dự của doanh nghiệp đó, kể cả phá sản. Cân nhắc rất kỹ để trước khi tiến hành khởi tố.

Ngay sau khi ĐB Hồ Văn Năm phát biểu trên nghị trường về vụ phân bón Thuận Phong, những ý kiến của ĐB Năm đã làm cho dư luận “dậy sóng”. “Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử Quốc hội, một đại biểu Quốc hội thay vì lên tiếng bảo vệ nông dân lại bảo vệ một công ty làm ăn gian dối, làm giả cả về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa lẫn công dụng và trốn thuế...Phát biểu của ông Hồ Văn Năm như vậy còn là sự công khai đi ngược lại cả ý kiến của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, 6 bộ ngành và ngược dòng báo chí, công luận?”, bạn đọc H.V.M chia sẻ.

Còn bạn đọc B.H cũng bức xúc đặt câu hỏi trên mạng xã hội: “Ông Hồ Văn Năm lo lắng cho danh dự của một doanh nghiệp đã kiếm tiền bằng cách ăn trên những giọt mồ hôi mặn chát của những người nông dân khốn khổ, thì ai sẽ lo cho bát cơm của những người dân cày, ai sẽ lo cho con em họ cái ăn, cái mặc, ai sẽ lo cho bọn trẻ được đến trường?”