Dân Việt

Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm: Có phải “tận thu”?

Quốc Hải 02/11/2017 05:00 GMT+7
Câu chuyện về đánh thuế tiền gửi tiết kiệm lại tiếp tục nóng lên tại nghị trường Quốc hội. Bên cạnh những ý kiến phản đối, nhiều chuyên gia kinh tế đầu ngành vẫn cho rằng cần cân nhắc kỹ càng giữa khái niệm “tiết kiệm” hay “đầu tư” để có cái nhìn chính xác...

Theo quy định hiện hành, chỉ thu nhập từ lãi cho vay công ty, pháp nhân, cá nhân, được chia cổ tức,... mới bị đánh thuế 5%, còn các khoản lãi do gửi tiết kiệm vẫn không phải chịu thuế. Chính vì vậy, việc Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất 5% đối với phần lãi tiền gửi ngân hàng của cá nhân đang khiến người dân hoang mang.

img

Nhiều người dân đang có xu hướng chuyển tiền tiết kiệm sang kênh đầu tư vàng và ngoại tệ, bất động sản

Kích động tâm lý “rút tiền hàng loạt” của người dân?

Nghe phong thanh câu chuyện tiền gửi tiết kiệm sẽ bị đánh thuế, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (Q.Gò Vấp), quyết định rút toàn bộ số tiền gần 600 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm đang gửi tại một chi nhánh Ngân hàng Vietinbank trên địa bàn Q.Gò Vấp. Theo chị Mai, số tiền gửi tiết kiệm này mỗi năm chị nhận được khoảng hơn 40 triệu đồng tiền lãi nhưng nếu nay còn đánh thuế nữa thì thà rằng rút tiền đầu tư mua căn hộ hoặc mua vàng còn hơn.

Quan điểm của chị Mai cũng là tâm lý chung của khá nhiều người dân đang gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng. Thậm chí, nhiều người dân còn tưởng rằng sẽ đánh thuế 5% với khoản tiền gửi ngân hàng chứ không biết rằng đề xuất của Bộ Tài Chính chỉ là đánh thuế lên phần lãi tiền gửi với khoản tiền từ 3 tỷ đồng trở lên. Chính vì vậy, tâm lý nhiều người dân thà rằng rút hết tiền để đầu tư vào các kênh kém an toàn hơn như chứng khoán, vàng hay bất động sản...

Về vấn đề này, Phó giám đốc chi nhánh một Ngân hàng thương mại tại TP.HCM cho biết gần đây khá nhiều người dân đến ngân hàng đòi rút tiền tiết kiệm vì sợ bị đánh thuế. Qua giải thích từ phía các chuyên viên tín dụng, họ mới hiểu được vấn đề, nhưng một phần người dân vẫn quyết định rút tiền và đầu tư qua vàng.

“Nếu không được giải thích thấu đáo, đề xuất áp thuế đối với tiền gửi ngân hàng có thể sẽ kích động tâm lý rút tiền hàng loạt của người dân. Chưa kể, việc đề xuất này có thể sẽ góp phần làm chuyển dịch dòng tiền từ gửi tiết kiệm sang đầu tư vàng hay ngoại tệ vì tâm lý bảo toàn đồng vốn. Khi đó, rủi ro sẽ lại xảy ra với thị trường vàng và ngoại hối, hai thị trường mà Ngân hàng Nhà nước đã phải mất rất nhiều công sức để bình ổn những năm qua”, vị này nói.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế, Luật sư - Tiến sĩ Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng hiện nay toàn bộ tổng tài sản của ngân hàng có đến 90% là huy động tiền của dân, nếu đề xuất áp thuế tiền gửi tiết kiệm, nhiều khả năng sẽ làm xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt để chuyển sang kênh đều tư khác, khiến nguồn tiền từ huy động vốn của các ngân hàng sẽ bị giảm đi, gây áp lực cho hệ thống ngân hàng. Bởi, khi đó để thu hút dòng tiền từ khách hàng, các ngân hàng có thể buộc phải nâng lãi suất huy động, điều này sẽ kéo theo tiền cho vay tăng theo, hệ lụy lại thuộc về phía doanh nghiệp và gây áp lực đến nền kinh tế...

Phân biệt rõ “tiết kiệm” hay “đầu tư”

Liên quan đến vấn đề có nên hay không đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, các chuyên gia kinh tế vẫn có những ý kiến trái chiều nhau. Để làm rõ hơn vấn đề này, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính và đầu tư, cho rằng cần có sự phân biệt rõ hai khái niệm “tiết kiệm” hay “đầu tư”.

Theo ông Hiển, nghe tiền “tiết kiệm” có gì đó như là... “của để dành” vậy, nhưng nó lại có sự phân hóa rất lớn. Khi nói đến tiết kiệm là nói đến khoản tiền chừng 1 tỷ đồng trở xuống, chẳng hạn những người lao động phải tích lũy dần dần để sau này có tiền mua nhà... thì đó mới gọi là tiết kiệm. Thậm chí đa số người lao động, cán bộ hưu trí làm cả đời cũng chưa chắc đã có nổi 1 tỷ đồng. Do đó, với các cá nhân này nếu tính thuế tiền gửi tiết kiệm rõ ràng là không hợp lý, khi mà các chính sách an sinh xã hội của chúng ta chưa đầy đủ như các nước phát triển khác. Rõ ràng chúng ta không hỗ trợ thì thôi chứ còn tính thuế  thì sao được.

Tuy nhiên bên cạnh những người lao động, nhân viên hưu trí,... để dành từ từ thì vẫn có nhiều người không chỉ có vài tỷ, vài chục tỷ thậm chí vài trăm tỷ. Mặc dù có thể 1 sổ tiết kiệm người ta có 1 tỷ, 2 tỷ thôi nhưng họ lại có 5, 7 sổ. Do vậy, vẫn theo ông Hiển, những người có trên 1 tỷ gửi ngân hàng thì không gọi là tiết kiệm nữa mà gọi là đầu tư. Như vậy, việc đề xuất thu thuế với những người vượt hơn mức gọi là tiết kiệm nữa thì rất đáng để xem xét. Nó cũng giống như hiện nay người ta đặt vấn đề về nhà ở, có diện tích bao nhiêu gọi là nhà ở, bao nhiêu gọi là tài sản đầu tư; hoặc Quốc hội cũng đang tính đánh thuế căn nhà thứ 2... Các nước phát triển người ta cũng phân biệt rất rõ, người ta đánh thuế lũy tiến trên những tài sản như tiền, trái phiếu, nhà đất... Do vậy việc đánh thuế tiền gửi ngân hàng cũng là hợp lý.

Hoặc ví dụ chúng ta không đánh thuế tiền gửi ngân hàng để khuyến khích tiền gửi cá nhân, thì khoản tiền đó sau cùng cũng trở thành thu nhập của cá nhân. Bên Mỹ người ta cuối năm cũng sẽ quyết toán thu nhập của một cá nhân, nếu số tiền thu nhập này vượt quá một khung nào đó thì phải đóng thuế. Do vậy, nếu không đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, nhưng nếu làm tốt vấn đề quản lý thu nhập cá nhân cuối năm để thu thuế cho phần vượt trội, thì chẳng ai thắc mắc, còn nếu đánh đồng thu với cái tên chung chung là đánh thuế tiền gửi tiết kiệm thì sẽ làm rối lên.

Vậy khi nào thì là “đầu tư”, khi nào là “tiết kiệm”?

Thứ nhất, tôi cho rằng những người có tổng số tiền dưới 1 tỷ là tiết kiệm, chúng ta không bao giờ đánh thuế những người như vậy, còn những người từ 1 tỷ trở lên (không tính 1 sổ) thì tôi cho rằng đó là đầu tư và đánh thuế cũng là hợp lý.

Thứ 2, đặt vấn đề nếu chúng ta quy định đóng thuế có làm cho người ta không gửi ngân hàng hay không? Theo tôi dù không gửi ngân hàng thì vẫn trực tiếp làm ăn, không ai vì mất đi một phần tiền gửi ngân hàng, thí dụ như gửi ngân hàng lãi suất 6,5% mà nhà nước quy định đánh thuế lãi gửi mà họ lấy tiền về nhà là không hề có. Có thể họ mua chứng khoán, mua bất động sản... thì cũng tốt thôi. Chúng ta không nên sợ khoản tiền đó không vào sản xuất.

Thứ 3, ngay ở những nước phát triển thì có những giai đoạn người ta khuyến khích tiền gửi đầu tư vào các công trình, ví dụ như một công trình cầu đường thì nhà nước có thể phát hành trái phiếu và lãi suất đó được miễn thuế. Khi đó người mua trái phiếu này cũng như gửi tiền ngân hàng nhưng số tiền đó là do Nhà nước trực tiếp vay để đưa vào dự án an sinh xã hội, phát triển kinh tế nên việc miễn thuế với việc đầu tư này là tốt...

TS Đinh Thế Hiển