Khảo sát các tuyến đường trung tâm ở một số quận thì có thể nhận thấy sự thiếu đồng bộ khi bố trí các tủ điện trên vỉa hè. Điển hình là tuyến đường Khâm Thiên có tủ đặt sát nhà dân, có tủ giữa vỉa hè, thậm chí đặt sát lề đường.
Trên tuyến phố Khâm Thiên, nhiều đoạn vỉa hè chỉ rộng hơn 1- 2m nhưng được tận dụng đặt tới 3-4 tủ điện, tủ nhỏ cao chừng 50cm, tủ to thì cao quá cả đầu người.
Được bố trí sát ngay cửa nhà dân, hầu hết các trạm biến áp, tủ điện đều có gắn biển biển báo “nguy hiểm” hay hình cảnh báo “đầu lâu xương chéo” khiến dân cư xung quanh bất an, người đi bộ trên vỉa hè không dám đi gần.
Sở dĩ có tình trạng như vậy vì khi chỉnh trang đô thị, đơn vị thi công có đóng tủ để thu các đầu dây điện và dây thông tin vào đó và mỗi ngõ sẽ có 1 tủ điện để phân dây vào từng nhà. Việc bố trí các tủ điện không theo hàng lối, có chỗ 3 tủ được xếp dồn vào nhau khiến lối đi dành cho người đi bộ vốn đã nhỏ lại càng thêm chật hẹp. Nhiều người đi bộ buộc phải đi dưới lòng đường.
Người đi bộ không có lựa chọn phải đi dưới lòng đường, nhất là vào giờ cao điểm rất nguy hiểm.
Tủ điện còn là nơi tập kết rác của một số hộ dân sống quanh đó.
Chưa hết, tủ điện có màu xám trắng, vừa lắp đặt xong đã có vô số quảng cáo dán lên hoặc sơn, vẽ bậy lên trông rất nhếch nhác. Tình trạng trên cũng diễn ra ở đường Thụy Khê, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng...
Chưa dừng lại ở đó, nhiều người còn tận dụng tủ điện để làm nơi đun bếp than tổ ong, chắn gió bày bán khẩu trang, mũ bảo hiểm, bán nước,... khiến cho vỉa hè trên nhiều tuyến phố thêm nhếch nhác, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Được biết, nhằm đảm bảo trật tự mỹ quan môi trường đô thị…. từ năm 2015, Hà Nội đã có kế hoạch tiếp tục thực hiện hạ ngầm hoặc thanh thải các đường dây cáp điện lực, thông tin liên lạc ở trên 200 tuyến đường phố. Trong khi việc thanh thải dây điện, dây viễn thông đã giúp nhiều tuyến phố trở nên gọn gàng sạch đẹp như đường Xã Đàn thì việc hạ ngầm trên một số tuyến phố vẫn chưa thực sự tốt và đảm bảo mỹ quan đô thị cũng như an toàn cho người dân.