Tên lửa của CHDCND Triều Tiên dự kiến sẽ được phóng trong khoảng thời gian từ 10 đến 22.12.
Sáng 6.12, tàu khu trục "Meco", "Congo" và "Tekai" đã rời cảng Sasebo và đi đến các vị trí chiến đấu của chúng ở Biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản.
Nhiệm vụ của các chiến hạm là theo dõi đường bay của tên lửa và tiêu diệt nó trong trường hợp tên lửa sẽ rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản. Tên lửa tầm xa trang bị trên các tàu khu trục có khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo bên ngoài khí quyển nếu nó bị mất tốc độ hoặc bay chệch hướng đã định.
Trong thời gian gần nhất, hệ thống chống tên lửa Patriot sẽ được triển khai trên đảo Okinawa và điều động những đội cứu hộ đặc biệt của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đến các đảo lân cận.
Bãi phóng tên lửa TongChang- ri của CHDCND Triều Tiên. |
Cùng với Nhật Bản, cộng đồng quốc tế cũng bày tỏ sự lo ngại trước tuyên bố thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Ngày 5.12, Đại sứ Marocco tại LHQ Mohammed Loulichki, hiện đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 12 này, tuyên bố HĐBA sẽ thảo luận và có các bước đi thích hợp nếu CHDCND Triều Tiên lại tiến hành một vụ phóng tên lửa mang vệ tinh.
Ông Loulichki cũng nêu rõ các nghị quyết và tuyên bố chủ tịch do HĐBA thông qua phải được các bên liên quan tuân thủ, ám chỉ các nghị quyết được thông qua sau các vụ thử tên lửa của Triều Tiên hồi năm 2006 và 2009, theo đó cấm Bình Nhưỡng phát triển hạt nhân và tiến hành các vụ thử công nghệ tên lửa đạn đạo.
Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano tuyên bố kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên không có lợi cho tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Người đứng đầu IAEA bày tỏ lo ngại vụ phóng này nếu được thực hiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến những nỗ lực quốc tế nhằm hướng tới một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân.
Ông Glyn Davies, đại diện đặc biệt của Mỹ về chính sách Triều Tiên, cho biết ông đã bắt đầu thảo luận với người đồng cấp Trung Quốc về vấn đề này. Theo đó, Washington và Bắc Kinh đã bàn về cách thức gửi một thông điệp để ngăn cản Bình Nhưỡng "có những hành động khiêu khích" làm bất ổn khu vực.
Trong khi đó, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo nước này và Mỹ đang cân nhắc soạn thảo một gói các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên trong lĩnh vực tài chính và hàng hải sau khi Bình Nhưỡng thông báo sẽ phóng vệ tinh.
Các biện pháp trừng phạt này nếu được áp dụng sẽ là riêng rẽ với các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) và giống với trừng phạt tài chính mà Mỹ áp đặt lên Iran.
Trong bối cảnh Triều Tiên chuẩn bị phóng tên lửa mang vệ tinh, ngày 6.12, Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tiến hành cuộc diễn tập quân sự kéo dài hai ngày nhằm khẳng định sự hợp tác trong trường hợp xảy ra thảm họa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đây là cuộc diễn tập chung thường niên lần thứ hai giữa hai nước, sau lần đầu tiến hành hồi tháng 10.2010.
Theo thông báo của Lầu Năm Góc, cuộc diễn tập chung thường niên lần này diễn ra tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở bang New Mexico, Mỹ với sự tham gia của 40 quan chức của cả hai nước. Các đối tượng tham gia diễn tập sẽ tìm hiểu các khái niệm, đưa ra quyết định và các yêu cầu về sử dụng tài sản để đối phó với một mối đe dọa hạt nhân giả định.
T.V (tổng hợp)