Dù được đầu tư nhiều, song Cần Thơ vẫn chưa phát triển như Đà Nẵng, Hải Phòng
Cần Thơ chưa phát triển bằng Hải Phòng, Đà Nẵng
Thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính đã phối hợp xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 42/2006/QĐ-TTg về một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với thành phố Cần Thơ.
Cụ thể, sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định 42, ngân sách trung ương đã ưu tiên bố trí vốn bổ sung có mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ, ưu tiên bố trí vốn ODA để thực hiện các dự án quan trọng trên địa bàn, theo đó, tổng cho đầu tư phát triển của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2006 - 2016 là 25.182 tỷ đồng, cao hơn thành phố Đà Nẵng và thành phố Hải Phòng. Qua đó góp phần phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và kiến thiết đô thị gắn với bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, do thành phố có điểm xuất phát thấp, nguồn lực của Thành phố và huy động từ nguồn lực bên ngoài để đầu tư và phát triển còn hạn chế. Mặc dù là đô thị loại I trực thuộc Trung ương nhưng mức độ phát triển đô thị của thành phố Cần Thơ còn thấp so với thành phố Hải Phòng và thành phố Đà Nẵng. Trong những năm tới, Cần Thơ cần tăng cường xây dựng các khu đô thị mới, phát triển không gian kinh tế. Do vậy, việc ban hành cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thành phố phát triển là cần thiết.
Cơ chế đặc thù ngân sách
Dự thảo Nghị định Quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ nêu rõ, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố Cần Thơ không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13) và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% quy định tại điểm b,c,d,g,h,i,q khoản 1 Điều 35 Luật Ngân sách nhà nước tăng thu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; số bổ sung có mục tiêu không cao hơn số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước.
Cơ chế đặc thù ngân sách được kì vọng sẽ giúp Cần Thơ phát triển
Số bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu quy định trên, Thành phố sử dụng: Ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng; đầu tư Khu công nghệ cao thành phố Cần Thơ; bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA..
Về hỗ trợ lãi suất, thành phố được thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần lãi suất cho các tổ chức, cá nhân khi vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế-xã hội quan trọng có khả năng thu hồi vốn trong phạm vi và khả năng ngân sách của thành phố.
Đối với việc huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, dự thảo nêu rõ: Chính phủ ưu tiên hỗ trợ vốn ODA cho Thành phố để thực hiện những dự án đầu tư hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố là cơ quan chủ quản. Chính phủ cũng ưu tiên bố trí vốn vay ưu đãi theo phương thức cho địa phương vay lại để thực hiện các dự án PPP trên địa bàn Thành phố…
Cần Thơ “xin” cơ chế đặc thù về ngân sách Ngày 10.10, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Thành phố Cần Thơ tổ chức họp báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri qua các buổi tiếp xúc và thống nhất nội dung kiến nghị của địa phương trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIV. Tại cuộc họp này các, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ đề nghị, đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Thành phố Cần Thơ kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ cho thành phố có cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính và ngân sách. “Đề nghị Chính phủ tạo điều kiện đầu tư ngang bằng với TP. Đà Nẵng và Hải Phòng. Cần Thơ đi lên trong thực trạng cơ sở hạ tầng yếu kém. Vì vậy, Chính phủ nên có chủ trương được thực hiện huy động trái phiếu Chính phủ, tạo nguồn vốn hoặc là trái phiếu chính phủ địa phương” |