Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) cho rằng. Dự thảo Luật An ninh mạng có nguy cơ trở thành rào cản đối với nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam.
Dự thảo có thành rào cản?
Dự thảo Luật An ninh mạng với quy định đặt máy chủ tại Việt Nam đang tạo nên luồng ý kiến cho rằng những gã khổng lồ như Facebook, Google có thể phải rời Việt Nam.
Trong khi đó, ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham) cho biết, AmCham ủng hộ mục tiêu của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự phát triển của Internet và nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin và bảo vệ người sử dụng Internet tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Adam Sitkoff, những quy định tại Dự thảo Luật an ninh mạng có thể cản trở sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam. Cụ thể, Dự thảo Luật an ninh mạng quá rộng.
“Theo khuyến nghị của chúng tôi, phạm vi của Dự thảo Luật chỉ nên giới hạn trong phạm vi đảm bảo an ninh mạng và hệ thống thông tin nói chung.
Ngoài ra, dự thảo Luật có nguy cơ trở thành rào cản đối với nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam. Bởi sự thiếu rõ ràng trong quy định và gánh nặng trách nhiệm mà các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện có thể cản trở tính sáng tạo, đổi mới trong hoạt động cung cấp dịch vụ Internet.
Chúng cũng có thể tăng khó khăn và tăng chi phí hoạt động kinh doanh tại Việt Nam bởi những yêu cầu được nêu ra trong Dự thảo Luật, cụ thể là những yêu cầu liên quan đến lưu trữ dữ liệu có nguy cơ làm tăng chi phí hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đối với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt, những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) sẽ bị tác động lớn hơn do có ít nguồn lực hơn trong việc đảm bảo tính tuân thủ về yêu cầu lưu trữ dữ liệu, cũng như những yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm toán và các yêu cầu tuân thủ khác”, ông Adam Sitkoff nói.
Đồng quan điểm với Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Adam Sitkoff cũng đánh giá Dự thảo Luật An ninh mạng có thể không nhất quán với những cam kết WTO. Việc áp dụng những quy trình, thủ tục thẩm định không rõ ràng có thể tạo ra những rào cản kỹ thuật không cần thiết trong hoạt động thương mại, hoặc sự thiếu nhất quán giữa quy định trong nước và cam kết của Việt Nam tại WTO.
“Theo khuyến nghị của chúng tôi, Chính phủ Việt Nam nên rà soát lại những quy định trong Dự thảo Luật và điều chỉnh cho phù hợp hơn với thông lệ quốc tế”.
Không nên yêu cầu khu vực tư nhân phải chủ động giám sát và quản lý hoạt động internet. Việc yêu cầu khu vực tư nhân giám sát và quản lý tất cả các hoạt động internet là không khả thi, đồng thời cũng nằm ngoài mong muốn của khu vực này mặc dù họ luôn sẵn sàng phối hợp với Chính phủ để ứng phó lại với những âm mưu sử dụng Internet để tạo cơ hội cho việc thực hiện hoặc để thực hiện những hành vi có ý đồ xấu.
Điều luật rắc rối, chồng chéo?
Trong văn bản góp ý gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cách đây ít ngày, VCCI lo ngại nếu luật không được thiết kế kỹ lưỡng thì sẽ có nguy cơ chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng năm 2015.
VCCI lo ngại nếu luật không được thiết kế kỹ lưỡng sẽ có nguy cơ chồng chéo với Luật An toàn thông tin. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, đối với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin thì Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 quy định việc kinh doanh phải có sự thẩm định, cấp phép của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong khi đó, dự thảo Luật An ninh mạng quy định Bộ Công an là cơ quan thẩm định năng lực của doanh nghiệp.
Do đó, VCCI cho rằng sự phối hợp giữa hai cơ quan quản lý Nhà nước này cần phải rõ ràng để làm sao vừa đảm bảo chặt chẽ, nhưng cũng tạo sự thuận lợi và giảm đầu mối cho doanh nghiệp kinh doanh, tránh chồng chéo giữa các Luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lại chịu hai lần thẩm định về điều kiện và năng lực ở hai thời điểm khác nhau tại hai cơ quan quản lý.