23h
Quảng Ngãi: Nỗ lực cứu trợ người dân vùng bị lũ cô lập
Thời điểm này hàng trăm khu dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn đang bị nước lũ phong tỏa. Lương thực, thực phẩm của nhiều hộ gia đình bị ướt, hư hỏng nên rất cần được cứu trợ. Và, ngay trong tâm lũ, những mặt hàng cứu trợ đã vượt lũ đến với người dân vùng bị cô lập.
Đưa mì tôm nước uống vào tiếp tế người dân vùng lũ
Từng thùng mì tôm, nước suối được vận chuyển bằng thuyền nhôm vượt quãng đường dài hơn 200m vào thôn Điền An, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Mặc mưa lớn, nước chảy xiết, các đoàn viên của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi vẫn cố vượt mọi trở ngại để sớm đưa hàng cứu trợ đến với hơn 200 hộ dân, với trên 800 nhân khẩu trong vùng bị cô lập.
22h15
Quảng Ngãi: Lũ lớn gây vỡ đê Trà Câu, nước tràn vào nhà dân
Video: Người dân liều mình vượt lũ ở Quảng Ngãi
Chiều tối 5.11, nước lũ dâng cao gây vỡ đê sông Trà Câu (đoạn qua địa bàn xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ) với chiều dài khoảng 30m. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn huyện Đức Phổ và chính quyền xã Phổ Minh đã huy động người dân tham gia đắp bờ chắn nước lũ tràn vào khu dân cư. Nhưng do nước lũ quá lớn đã gây ngập hàng chục nhà dân, có hộ bị ngập sâu hơn 1m. Trước tình hình trên, chính quyền xã đã cử lực lượng dân quân và thanh niên xung kích di dời 14 hộ dân có nhà bị ngập sâu trong nước đến nơi an toàn.
Lực lượng địa phương gia cố lại khu vực đê Trà Câu
Nước lũ sông Trà Câu dâng cao tràn bờ đê cũng đã gây ngập hàng trăm ngôi nhà ở xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ. Nhiều căn nhà nước ngập sâu 1,5m. Chính quyền xã đã cử người chốt chặn những nơi nước ngập sâu không cho người qua lại để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Bên cạnh đó, xã cũng đã trích kinh phí mua mì tôm và nước uống cấp phát cho người dân ở những khu dân cư bị cô lập không thể đi lại.
Nhà dân dọc sông Trà Câu đang bị ngập sâu trong lũ
“Hiện nay trên địa bàn xã nhà ngập nước khoảng 120 nhà, có mức nhà lên cỡ 1,5m. Hiện nay Ban chỉ đạo phòng chống bão lũ của xã đã triển khai cho hộ dân di dời, đảm bảo về con người. Chúng tôi đã di dời khoảng 30 hộ ra khỏi điểm xung yếu, dễ bị sạt lở. Hiện nay chúng tôi đã phân công lực lượng chốt chặn các ngã đường bị ngập nước” - ông Nguyễn Quang Thống – Chủ tịch UBND xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ thông tin.
Nước tràn vào nhà dân kê đồ lên cao
Nước lũ vẫn đang uy hiếp hàng trăm hộ dân dọc sông Trà Câu
Bình Định: Dân chạy lũ trong đêm
Nước sông Lại Giang (Bình Định) dâng cao. Nhiều khu vực vùng trũng của xã Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Hảo Tây (Hoài Ân) nước lũ bao vây, chảy xiết. Hàng ngàn nhà dân đã bị ngập trong lũ, nhiều người dân đang chạy lũ trong đêm. “Nước lũ đang lên rất nhanh. Nguy cơ lũ gây ngập và càn quét như hồi năm 1999. Giờ điện đã cúp, khắp nơi bị lũ bao vây”, một người dân ở huyện Hoài Ân lo lắng.
21h
Hơn 130 người mắc kẹt giữa sông ở Hội An
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, lực lượng cứu hộ tỉnh vừa ứng cứu kịp thời 131 công nhân bị mắc kẹt giữa sông trên địa bàn.
Theo ông Hùng, khoảng 16h chiều nay có một người đến trụ sở UBND TP Hội An báo có hàng chục người đang bị mắc kẹt ở cồn Gami trên sông Hoài (thuộc phường Cẩm Nam và Cẩm Châu) trong khi nước lũ đang dâng cao.
Lãnh đạo TP sau đó xác minh và xác định có nhiều người đang bị mắc kẹt trên cồn Gami. Thời điểm này trời mưa rất lớn, nước lũ đang dâng cao.
“Sau khi xác minh chính xác có nhiều người mắc kẹt. Địa phương đã đề nghị Ban chỉ huy Quân sự tỉnh, Biên phòng tỉnh huy động ca nô, phương tiện ứng cứu”, ông Hùng thông tin.
Lực lượng cứu hộ điều ca nô ứng cứu 131 công nhân bị mắc kẹt giữa sông Hoài (ảnh báo Quảng Nam)
“Có tất cả 131 công nhân bị mắc kẹt trên cồn được lực lượng chức năng giải cứu kịp thời trước khi nước lũ dâng lên. Khi các nạn nhân được đưa vào bờ cũng là lúc nước lũ dâng cao, hiện tại khu vực cồn Gami đã ngập sâu”, ông Hùng cho biết.
Toàn bộ các nạn nhân được giải cứu được đưa đến Đồn Biên phòng Cửa Đại để làm thủ tục liên quan.
Các công nhân được đưa vào bờ an toàn trước khi nước lũ dâng cao gây ngập cồn Gami (ảnh báo Quảng Nam)
Theo Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Đại, trước mắt sẽ cung cấp mì tôm, nước uống để các công nhân ăn. Sau đó, sẽ liên hệ với công ty để đến đưa các công nhân này về. Nếu không được sẽ bố trí chỗ ở lại cho các công nhân.
Một số công nhân được giải cứu cho biết, khoảng 15h chiều cùng ngày do nghĩ mực nước lũ sẽ không dâng cao và cồn sẽ không ngập nên không vào bờ. Tuy nhiên khi thấy nước lũ lên nhanh nên nhiều công nhân hốt hoảng kêu gọi sự ứng cứu từ lực lượng chức năng.
Công nhân cho biết nếu không được giải cứu kịp thời, họ không dám nghĩ hậu quả sẽ như thế nào khi nước lũ lên nhanh như “chớp mắt” (ảnh báo Quảng Nam)
Được biết, các công nhân bị mắc kẹt và được giải cứu trên cồn Gami là công nhân tham gia thi công dự án công viên Ấn tượng Hội An trên cồn nổi Gami.
“Hiện tại trời đang mưa rất lớn. Nhiều khu vực của TP Hội An ngập sâu. Chúng tôi đang túc trực 24/24 để có biện pháp ứng cứu kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân”, Phó chủ tịch TP Hội An chia sẻ.
Quảng Ngãi: Toàn bộ học sinh sẽ nghỉ học tránh lũ
21 giờ tối nay (5/11), thông tin từ Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cho biết, do diễn biến phức tạp của mưa lũ, để đảm bảo an toàn cho tính mạng của học sinh và giáo viên, trong ngày mai (6/5), học sinh ở các cấp học trong toàn tỉnh Quảng Ngãi được nghỉ học để tránh lũ.
Học sinh Quảng Ngãi được nghỉ học tránh lũ
Từ ngày 7/11, tuỳ theo tình hình diễn biến mưa lũ tại địa phương, các trường chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học và có kế hoạch học bù sau khi nước rút, đảm bảo an toàn tính mạng của học sinh, giáo viên; đặc biệt là đối với các trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nước ngập sâu, chảy xiết, vùng thường xuyên bị chia cắt, sạt lở do mưa lũ.
Theo báo cáo nhanh của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 16 trường mầm non, 24 trường tiểu học, 27 trường trung học cơ sở bị ngập lụt. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, các trường học đã chủ động phân công giáo viên ứng trực, kê dọn đồ dùng, bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học./.
20h40
Quảng Ngãi: Di dời trên 4.400 hộ dân ngập lũ
Đến 20 giờ tối nay, nước lũ trên các sông của tỉnh Quảng Ngãi vẫn tiếp tục dâng cao nên thêm nhiều khu dân cư bị nước lũ phong tỏa. Dọc sông Trà Khúc, người dân lo lắng khi nước lũ tràn vào nhà. Lực lượng cứu hộ cứu nạn của tỉnh Quảng Ngãi đã di dời 4.400 hộ dân bị ngập lũ ra khỏi nhà đến nơi ở tạm an toàn.
Nước lũ vẫn đang hoành hành nghiêm trọng tại Quảng Ngãi
Các huyện Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Tây đang bị núi lở uy hiếp, nhiều điểm sạt lở núi gây ách tắc hàng loạt tuyến giao thông. Hiện nay, nước lũ trên các sông và có khả năng đạt đỉnh lũ lịch sử năm 2009, do đó, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì phương tiện, lực lượng trực ban 24/24h nhằm tổ chức ứng cứu người dân khi có tình huống khẩn cấp.
Huyện Trà Bồng hỗ trợ đưa 1 nạn nhân bị sạt lở núi đi cấp cứu
Nhiều cây cầu oằn mình trong lũ
Sạt lở núi đe dọa miền núi
Lũ từ thượng nguồn vẫn tiếp tục đổ về
20h30
Lở núi ở Thừa thiên Huế, hơn 20 người đốt lửa chờ ứng cứu
19h30 phút tối nay (5/11), trao đổi qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới (tỉnh TT-Huế) cho biết, huyện đang huy động tối đa lực lượng, tìm cách vào hiện trường, giải cứu hơn 20 người đang bị mắc kẹt trên đèo Tà Lương.
Trước đó, khoảng 10h sáng cùng ngày, một nhóm người đi xe khách từ TP Huế lên huyện A Lưới, khi đến giữa đèo Tà Lương thì núi sạt lở, chắn cả trước lẫn sau đoàn người cùng phương tiện.
Đèo Tà Lương nơi xảy ra việc sạt lở núi nghiêm trọng khiến hàng chục người mắc kẹt trong núi.
Đến gần 20h tối nay, ông Hùng cho hay, ông đã liên lạc được với người trong đoàn.
"Người này cho biết cả đoàn đang bị cô lập trên đèo và đang tìm mọi cách để ra ngoài. Họ đang đốt lửa để chờ cứu hộ", ông Hùng nói
Trao đổi nhanh với PV qua điện thoại, ông Văn Minh Tiến (thành viên trong đoàn người bị kẹt) cho biết, đã có 15 người cố gắng trèo qua khu vực núi bị sạt để ra ngoài.
"Chúng tôi đang đốt lửa sưởi ấm để chờ những người kia ra đến đường lớn, đưa người vào ứng cứu", ông Tiến cho biết.
19h30
Thừa Thiên Huế: Lũ có khả năng kéo dài, nguy cơ vượt đỉnh lũ lịch sử
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng BCH PCTT & TKCN tỉnh cho hay, hiện chưa đánh giá được mức độ thiệt hại, các địa phương đang bị chia cắt, tình hình mưa lũ rất nghiêm trọng. Sắp tới, các địa phương cần làm tốt phương châm 4 tại chỗ. Các tổ chức, tập thể cần chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Dự báo lũ có khả năng kéo dài.
Mực nước lúc 16h ngày 5/11 trên một số sông đều cao: Sông Hương tại Kim Long 4,00m; trên báo động 3 là 0,50m; Sông Bồ tại Phú Ốc 4,97 m; trên báo động 3 là 0,47 m; Sông Tả Trạch tại Thượng Nhật 61,40 m; Sông Ô Lâu tại Phong Bình 2,44 m; Sông Truồi tại Cầu Truồi 3,24 m;
Dự báo chiều tối và đêm nay (05/11) lũ trên các sông Hương, sông Bồ tiếp tục dao động ở mức rất cao như hiện nay. Sông Truồi xuống chậm, sông Ô Lâu lên chậm.
Hiện, mực nước tại sông Hương đã bắt đầu tràn lên đường, trong khi đó mưa lớn nên nguy cơ sông Bồ sẽ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,12m.
Nước sông Hương dâng tràn lên đường Bùi Thị Xuân, Kim Long.
Nước sông An Cựu dâng cao khiến đường Phan Chu Trinh ngập nặng.
19h20
Quảng Ngãi: Tất cả các sông đều vượt báo động 3
Đến 19 giờ tối nay, nước lũ vẫn tiếp tục dâng cao ở Quảng Ngãi. Nước trên sông Trà Khúc dâng cao trên mức báo động 3 gần 1,5m. Các sông khác đều vượt báo động 3.
Quảng Ngãi đã di dời hơn 3.200 hộ dân ra khỏi vùng ngập lũ. Lực lượng công an, bộ đội cũng đã huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ có mặt tại các vùng xung yếu để hỗ trợ di dân vùng lũ 19 giờ cùng ngày.
UBND huyện Ba Tơ thing tin, tại thôn Kà La, xã Ba Dinh huyện Ba Tơ xảy ra một vụ sạt lở núi đã làm vùi lấp 3 nhà dân, làm bị thương nặng hai người dân. Đó là hai mẹ con bà Phạm Thị Út và cháu Phạm Văn Mai, rất may không có người tử vong. Ngay khi vụ sạt lở xảy ra lãnh đạo Ủy ban nhân huyện đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo các cơ quan chức năng sơ cứu người bị thương và chuyển nạn nhân đến Trung tâm Y tế Ba Tơ để cứu chữa.
18h30
Theo Trung tâm khí tưởng thủy văn Trung ương, hiện nay, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến bắc Bình Định và khu vực nam Tây Nguyên vẫn đang lên. Tại sông Bồ, sông Hương (Thừa Thiên Huế); sông Vu Gia, Thu Bồn (Quảng Nam); sông Trà Khúc (Quảng Ngãi); sông Lại Giang tại Bồng Sơn (Bình Định) đều vượt mức báo động 3.
Trong 12 giờ tới, lũ các sông từ Quảng Bình đến Bình Định, nam Tây Nguyên tiếp tục lên. Sông Bồ tại Phú Ốc 5,0m, trên báo động 3 0,5m (với điều kiện hồ Hương Điền điều tiết lưu lượng về hạ lưu là 3820m3/s), dưới mức lũ lịch sử năm 1999 là 0,18m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu lên mức 5,3m, trên báo động 1,3m; tại Hội An 3,3m, trên báo động 3 là 1,3m (tương đương mực nước lịch sử năm 2007); sông Vệ tại trạm Sông Vệ lên mức 6,0m, trên báo động 3 1,5m (tương đương mực nước lịch sử năm 2013); sông Lại Giang tại Bồng Sơn lên mức 8,7m, trên báo động 3 0,7m;
18h
Quảng Ngãi: 7 người chết và bị thương
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, số người chết do mưa lũ là 4 người và tại huyện Bình Sơn đã có 3 người bị thương do bất cẩn trong lúc tránh lũ. Tổng số nhà bị hư hỏng tốc mái trên địa bàn tỉnh là 74 nhà. Ngoài ra, còn có 2 tàu cá bị chìm.
Ngay trong ngay hôm nay, trên địa bàn tỉnh đã di dời trên 3.200 hộ dân tại các vùng trũng thấp lên cao. Hiện, nước lũ trên các sông đang tiếp tục dâng cao và có khả năng đạt đỉnh lũ lịch sử năm 2009, do đó, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục duy trì phương tiện, lực lượng trực ban 24/24h nhằm tổ chức ứng cứu người dân khi có tình huống khẩn cấp.
Cầu sông Rin đã được rào chắn và canh gác sau khi nước lũ phủ qua
17h30
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết vào sáng cùng ngày, hai người dân đang đi trên xe máy thì bị lở núi vùi lấp trong đất đá. Nhận tin báo, lực lượng chức năng huyện điều động phương tiện cùng nhân lực tới hiện trường triển khai tìm kiếm cứu nạn. Ban chỉ huy quân sự huyện cũng huy động người đến tìm kiếm.
“Đến thời điểm này việc tìm kiếm 2 nạn nhân phải ngưng lại vì khu vực này đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở, mưa vẫn đang rất lớn, trời tối”, ông Hà thông tin.
Theo ông Hà, do ảnh hưởng của mưa lũ đã khiến 2 xã trên địa bàn huyện bị ngập nặng. Ngoài ra một số xã vùng cao bị chia cắt do sạt lở.
16h
Thừa Thiên Huế “tơi tả” trong cơn lũ lịch sử
Video: Người dân liều mình cứu lồng cá trong lũ dữ
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay lũ trên các sông đang lên. Cụ thể sông Hương tại Kim Long 4,00m; sông Bồ tại Phú Ốc 4,84m, cả hai trên mức báo động 3.
Chiều tối và đêm nay (5/11) lũ trên các sông Hương, sông Bồ tiếp tục dao động ở mức rất cao. Hiện tại nhiều khu vực ở huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TP Huế vẫn đang bị nước lũ bao vây, nhiều khu vực ngập sâu 2m.
Nước lũ dâng cao, người dân đi lại bằng thuyền ở thành phố Huế
Tính đến chiều nay, tại Huế đã có 1 người mất tích do lũ gây ra ở xã Phong An (huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Theo chủ tịch xã Phong An, hiện xã đã di dời 120 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Chính quyền địa phương vẫn đang túc trực theo dõi tình hình mưa lũ và qua hệ thống phát thanh thông báo cho người dân được biết tình hình.
Cơ quan chức năng thông báo nước còn lên cao, để đảm bảo lương thực thực phẩm trong những ngày lũ, bà con đã đi mua nhu yếu phẩm về chống đói trong những ngày lũ.
Tuyến đường quốc lộ 1 A đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngập sâu trong nước
Một số hình ảnh lũ dâng cao, nước ngập sâu ở thành phố Huế chiều nay…
15h30
Tại Quảng Ngãi: Di dời hàng ngàn hộ dân chạy lũ
Chiều nay 5-11, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) đã tiến hành di dời khẩn cấp 2.000 hộ dân tại các điểm ngập sâu đến nơi ở an toàn. Tại thành phố Quảng Ngãi, địa phương cũng đang nỗ lực chốt chặn tại khu vực bờ tràn Tịnh Khê đi Tịnh Hòa, nơi thường xảy ra những tai nạn đáng tiếc vì người dân vượt tràn mỗi khi mưa lũ. Theo phản ánh của lực lượng làm nhiệm vụ, bất chấp sự chốt chặn của lực lượng, nhiều người dân vẫn muốn băng qua tràn, với lý do để kịp về nhà và đến cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa. Tuy nhiên, lực lượng chức năng đã ngăn chặn không cho qua và hướng dẫn người dân đi vòng theo hướng về xã Tịnh Thiện. Hiện, thành phố Quảng Ngãi tiếp tục tăng cường lực lượng dân quân tự vệ và công an thay phiên chốt chặn ở khu vực này.
Tại cầu Nước Xiêm, tuyến đường 24B, thuộc địa phận thôn làng Bồ thị trấn Di Lăng, nước chảy mạnh gây xói lỡ hơn ½ phần đất dẫn vào mố cầu, làm cho chiếc cầu này có nguy cơ sập cao, ảnh hưởng rất lớn trong việc lưu thông của các loại vận tải, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương. UBND huyện Sơn Hà phối hợp với Sở giao thông tỉnh kiểm tra thực tế để có biện pháp xử lý.
Tuyến đường giao thông tại km 36, tuyến đường 628 đường Thanh An đi Long Môn, huyện Minh Long bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông cục bộ giữa 2 xã Thanh An và Long Môn. Ước khoảng 500 mét khối đất đá đổ sập xuống chắn hết lòng đường, hiện các phương tiện xe có trọng tải lớn không đi lại được tuyến đường này.
Tại huyện Ba Tơ, mưa lũ đã làm sạt lở nhiều tuyến đường, gây ách tắc giao thông, cô lập nhiều thôn, xã trong huyện, nhiều diện tích keo và hoa màu của nhân dân bị nước cuốn trôi và ngã đổ.
15h
Quảng Ngãi: Sạt lở đá đè sập nhà, 3 người thương vong
Khoảng 10 giờ sáng 5-11, 3 người phụ nữ đang ngồi trong nhà thì có 1 tiếng nổ lớn, mọi người bỏ chạy những không kịp. Hòn đá to ngay sau nhà đổ xuống đè sập gian bếp làm bà Hồ Thị Út ở thôn 3 xã Trà Giang chết ngay tại chỗ, chị Hồ Thị Mai (1970) giáo viên trường Tiểu học Trà Giang bị thương nặng và chết trên đường đưa đi cấp cứu. Bà Hồ Thị Chơn bị thương ở chân.
UBND huyện Trà Bồng đã huy động lực lượng trực tiếp xuống hiện trường để ứng cứu người dân. Tuy nhiên, mưa to gió lớn đã làm sạt lở làm ách tắc giao thông về điểm sạt lở nên không tiếp cận được hiện trường, lãnh đạo huyện đã mở đường khẩn cấp, cùng các lực lượng di chuyển người bị nạn về Trung tâm y tế huyện để cấp cứu
14h50
Tại Bình Định
Nước sông Lại Giang (Bình Định) đang dâng cao, nhiều khu vực dân cư hai bên bờ sông đã bị ngập sâu
Sở GD-ĐT Bình Định cho biết tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp gây chia cắt nhiều nơi nên trong ngày mai 6/11 học sinh trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học do lũ lụt. Sau ngày 6.11, tùy tình hình địa phương, Trưởng phòng GD – ĐT, hiệu trưởng các trường xem xét quyết định cho học sinh nghỉ học hoặc đi học trở lại
14h
Tại Quảng Ngãi:
Các đoạn đường như ngã tư Quang Trung - Nguyễn Nghiêm, đường Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo,... ngập nặng, có khu vực ngập gần 0,5m. Hàng ngàn hộ kinh doanh dọc các trục đường này phải đóng cửa, kê dọn đồ tránh ngập nước.
Khu vực TP.Quảng Ngãi, đoạn trước Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi ngập sâu đã gây khó khăn cho việc tiếp nhận bệnh nhân. Thời điểm này, hàng loạt khu dân cư ở các huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa,... đã bị chia cắt.
Tại huyện Bình Sơn, chính quyền địa phương đang phối hợp với các lực lượng vũ trang di dời hàng trăm hộ dân ở xã Bình Châu ra khỏi vùng nguy hiểm của lũ. Tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, nước lũ đã tràn qua đường.
3 tuyến Quốc lộ 24, 24B và 24C đều đã tắt đường do sạt lở núi và nước lũ phong tỏa. Quảng Ngãi đã có 2 người chết do mưa lũ trong đợt này. Mưa vẫn chưa dứt, nước lũ vẫn tiếp tục dân cao trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
13h50
Nhiều tuyến đường thành phố Huế bị ngập nước, giao thông tê liệt
Theo ghi nhận của PV tại Thừa Thiên - Huế nhiều nơi ngập úng, giao thông bị gián đoạn. Nhiều tuyến đường trong thành phố Huế bị ngập sâu như Hải Triều, Tăng Bạt Hổ, Kim Long, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Lộ Trạch, Bùi Thị Xuân…
Nhiều tuyến đường trong TP Huế đang bị ngập sâu.
Đoạn đập đá nước tràn qua và chảy xiết, lực lượng chức năng đã chặn đường tránh giao thông qua lại.
Tuyến đường Phan Chu Trinh TP Huế bị ngập nặng, nước sông An Cựu đã tràn lên mặt đường.
Hiện nay, tình hình các hồ chứa tai Thừa Thiên - Huế vẫn đảm bảo an toàn. Các hồ chứa đã mở toàn bộ cửa van, mưa lớn sẽ tràn tự do.
Riêng các hồ thủy điện, trong chiều 4 và sáng 5/11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có lệnh vận hành các hồ thủy điện nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du. Theo đó, các hồ thủy điện A Lưới, Bình Điền, Hương Điền, Tẩ Trạch được lênh vận hành, điều tiết lũ theo lưu lượng tăng dần, không đột biến về vùng hạ du.
Hiện gần 700 tàu cá đã neo đậu, tránh trú an toàn, tuy nhiên chiều tối 4/11 tại cảng Chân Mây tàu Chiến Công 07 bị đứt neo, tấp vào bờ khu vực bến số 2 cảng Chân Mây, được các lực lượng hỗ trợ cùng thuyền viên buộc neo vào bờ kè để tránh bị trôi dạt, tất cả các thuyền viên trên tàu đều an toàn.
Dự kiến, hôm nay (5/11), tình hình ngập úng sẽ còn diễn biến phức tạp bởi các hồ thủy điện sẽ tiếp tục điều tiết lũ xuống hạ du.
13h15
Tại Quảng Nam
Các tuyến đường trên địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bị chia cắt, ngập sâu từ 0,5-2m. Hàng loạt nhà dân bị cô lập trong nước lũ. Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết trên địa bàn huyện có 4.000 nhà dân bị ngập sâu từ 1m.
“Mưa lớn từ tối qua cộng với khu vực huyện nằm cạnh sông Thu Bồn, Vu Gia nên nước lũ lên rất nhanh, chảy mạnh. Hiện thủy điện ở thượng nguồn lại xả lũ nên không biết khi nào nước rút hết”, anh Hải người dân ở Đại Lộc lo lắng.
Trong khi đó, khu vực phố cổ Hội An cũng chìm sâu trong lũ. Hàng ngàn nhà dân bị ngập, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn.
12h40
Tại Thừa Thiên Huế, mưa lớn đã gây ngập, sạt lở, chia cắt nhiều khu vực của huyện A Lưới. Cụ thể trên Quốc lộ 49A, có 2 điểm sạt lở làm đất đá sạt lở tràn xuống mặt đường, giao thông bị tê liệt. Ngoài ra, mưa cũng gây ngập nhiều khu vực trên địa bàn huyện.
Nhiều khu vực ở tỉnh Thừa Thiên Huế ngập sâu, giao thông chia cắt (ảnh báo Thừa Thiên Huế)
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết do mưa lớn, kèm theo đó hồ chứa thủy điện An Lưới đã xả lũ 3 cửa nên mực nước lên nhanh gây ngập nhiều nơi.
12h30
Tại Bình Định
Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, tỉnh Bình Định cho biết hiện trên địa bàn huyện đang mưa rất to. “ Tuyến đường từ An Lão xuống Bồng Sơn bị ngập chia cắt. Trên địa bàn huyện rất nhiều điểm sạt lở. Trong đó có một cây cầu bị gãy 2 nhịp xuống sông, địa phương đã cử người chốt trực hai bên đầu, ngăn không cho người dân qua lại”, ông Nam nói.
11h45
Tại nhiều khu vực ở Thừa Thiên Huế nước sông đang lên nhanh và gây ngập sâu. Mưa lớn nên nguy cơ sông Bồ sẽ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,12m.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế lũ trên các sông ở địa phương này đang lên rất nhanh do mưa lớn.Mực nước lúc 9 giờ giờ trên sông Hương tại Kim Long là 3,63 m, trên báo động 3 là 0,13m; sông Bồ tại Phú Ốc 4,98 m, trên báo động 3 là 0,48m; sông Tả Trạch tại Thượng Nhật 60,19m; trên báo động 1 là 1,19m.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự báo trưa và chiều nay lũ trên các sông ở Thừa Thiên Huế tiếp tục lên nhanh và ở mức rất cao, trên sông Hương cao hơn nhiều mức báo động 3, sông Bồ khả năng vượt lịch sử năm 1999.
11h30
Tại Hoài Ân, Bình Định nước lũ đang lên rất nhanh đã có nhiều khu vực dân cư bị cô lập, chia cắt hoàn toàn, nhiều nhà dân ngập sâu gần 2m.
Nước bao vây, cô lập nhà dân ở xã Ân Hảo Tây
Theo người dân huyện Hoài Ân, Bình Định nước lũ rất nhanh. Chỉ trong vòng chưa đầy 1h, lũ đã lên cả mét
Người dân phải di chuyển bằng thuyền trong lũ
“Nước lũ vào từ tối qua rồi rút xuống nhưng chỉ chưa đầy 1 giờ sau nước lũ lại lên. Đến sáng nay nước chảy ào ào từ sông vào. Hiện tại nước đang lên rất nhanh đã có nhiều trường hợp nhà dân bị ngập tới nửa nhà”, anh Tùng người dân ở xã An Hảo Tây nói.Trong khi đó, sông Lại Giang nước cũng lên nhanh gây ngập các khu vực dân cư hai bên bờ sông .
10h tại Thừa Thiên Huế mưa vẫn đổ xuống như trút nước, lũ các sông đang lên rất nhanh, trên mức báo động 3 (ảnh Đình Hoan)
10h tại Thừa Thiên Huế nước lũ đang lên rất nhanh, nhiều khu vực vượt mức báo động 3. Các tuyến phố trong TP Huế như: Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Lê Quý Đôn… bị ngập từ 0,5-1m. Nhiều khu vực vùng trũng nước ngập hơn 1m, nước chảy siết ở các cống. Các tuyến đường liên xã dọc theo sông Ô Lâu, sông Bồ của Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà cũng đang ngập khoảng một mét. Đã có nhiều khu vực dân cư bị cô lập, giao thông chia cắt.
Giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Nhiều khu vực dân cư ở TP Huế đã ngập gần cả mét (ảnh Đình Hoan)
10h20
Tại Quảng Nam nước lũ cũng gây ngập sâu. Các huyện như Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn, thị xã Điện Bàn chìm trong nước lũ. Hiện tại đường đến huyện Đại Lộc và một số vùng của huyện Duy Xuyên đã bị nước lũ chia cắt hoàn toàn.
Sáng nay, nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa vượt báo động 3 là 0,47 m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu trên báo động 2 là 0,28 m; tại Hội An trên báo động 2 là 0,22 m.
Phố thành sông khi nước lũ tấn công ở Thừa Thiên Huế (ảnh Đình Hoan)
Tại thành phố Hội An, nước sông tràn bờ khiến đường Bạch Đằng ngập trên một mét, đường Nguyễn Thái Học và một số tuyến đường phố cổ ngập vài chục cm. Người dân Hội An đang cấp tập di chuyển đồ đạc lên cao tránh lũ.
Trong khi trời vẫn không ngừng trút mưa xuống và dự báo sẽ tiếp tục mưa với lượng lớn cho đến ngày 8-11 thì hiện nay các hồ thủy lợi, thủy điện trên thượng nguồn đã đầy nước và phải xả xuống hạ du.
Theo bảng theo dõi vận hành điều tiết lũ hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, đỉnh điểm các thủy điện xả lũ là lúc 21 giờ tối 4-11, thủy điện Sông Bung 4 xả lũ về sông Vu Gia với lưu lượng 4.270 m3/s (so với 12 giờ trưa cùng ngày chỉ 1.658m3/s), thủy điện Sông Tranh 2 xả về sông Thu Bồn 2.198m3/s (12 giờ trưa cùng ngày chỉ 305m3/s), thủy điện Đăk Mi 4 xả qua tràn 3.349m3/s (trước đó chỉ xả 1.416m3/s).
Theo cơ quan khí tượng, từ 19h ngày 4/11 đến 7h hôm nay, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to, riêng Thừa Thiên Huế mưa đặc biệt to. Một số trạm ở Thừa Thiên Huế có lượng mưa lớn như: A Lưới 446 mm, Nam Đồng 354 mm, Thượng Nhật 212 mm. Trà My (Quảng Nam), Ba Tơ (Quảng Ngãi) trên 200 mm.
Trong 6-12 giờ tới, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định tiếp tục có mưa rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh trên.
Sông Bồ (Thừa Thiên Huế) tại Phú Ốc 5,0m trên mức báo động 3, dưới mức lũ lịch sử năm 1999 là 0,18m.
Cất vó trong nước lũ ở TP Huế (ảnh: Công Doanh)
“Tôi thấy mái tôn bị quật như tờ giấy phất lên phất xuống. Ghê!”, một trong những lời kể của người dân Nha Trang.