Chị Hồng cho biết, tận dụng diện tích 0,5ha ao của gia đình, cách đây khoảng 7 năm vợ chồng chị quyết định vay vốn đầu tư vào chăn nuôi, trong đó tập trung chính vào chăn nuôi vịt đẻ trứng với quy mô gần 100 con. Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên đàn vịt chậm lớn, tỷ lệ chết nhiều, việc nuôi vịt của gia đình thất bại.
Không nản lòng, chị tiếp tục tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật nuôi vịt qua các tài liệu, sách báo và tìm đến các mô hình nuôi vịt hiệu quả ở trong tỉnh để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Chị Hồng chăm sóc đàn vịt của gia đình. Ảnh: K.Đ
Sau đó, gia đình chị quyết định đầu tư mua thêm 500 con vịt đẻ trứng. Nhờ đúc rút kinh nghiệm từ đợt thất bại trước, lại có thêm kỹ thuật học hỏi được nên việc chăm sóc đàn vịt của gia đình trở nên dễ dàng hơn. Đến nay, tổng đàn vịt của gia đình chị đã lên tới hơn 600 con, trong đó có gần 200 con đang đẻ.
Mỗi ngày bình quân đàn vịt đẻ gần 200 trứng, với giá bán cho thị trường dao động từ 2.500-3.000 đồng/quả. Trừ các khoản chi phí trong chăn nuôi vịt đẻ, mỗi tháng, gia đình có thu nhập hơn 10 triệu đồng.
Chị Hồng cho biết: “Qua tìm hiểu và đi tham quan một số mô hình, tôi nhận thấy nếu nắm bắt được kỹ thuật, phòng bệnh cho vật nuôi tốt thì sẽ giảm công chăm sóc, thu được hiệu quả cao. Khoảng 2 - 3 ngày, tôi lại phun thuốc diệt khuẩn cho chuồng trại nên trong suốt quá trình nuôi, đàn vịt chưa từng bị dịch bệnh”.
Theo kinh nghiệm chăn nuôi của chị Hồng, khâu con giống là quan trọng nhất, theo đó khi chọn mua giống phải tìm hiểu nguồn gốc rõ ràng, con giống phải được tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh. Trong quá trình vịt đang đẻ, phải cung cấp đầy đủ thức ăn tanh và không được tiêm bất cứ một loại thuốc nào vì làm như vậy vịt sẽ ngừng đẻ. Đặc biệt, để đảm bảo đàn vịt phát triển tốt, ngoài cho ăn đầy đủ, phải chú ý phòng, chống dịch bệnh, hàng ngày vệ sinh chuồng trại, bể nước thật kỹ, thường xuyên thay trấu trong chuồng và thay nước uống nhằm ngăn chặn vi khuẩn, mầm bệnh gây hại.