Tiền Giang là vùng đất nổi tiếng với nhiều loại cây ăn trái, nông dân cũng sống chủ yếu dựa vào vườn cây. Thế nhưng hiện nay, nhiều nông dân không muốn thu hoạch trái cây khi vào mùa.
Chôm chôm ở Tiền Giang được bán 2.500 đồng/kg. |
3kg ổi chưa được 1.000 đồng
Tại xã An Thái Trung (Cái Bè), nhiều vườn ổi đang vào vụ thu hoạch nhưng người dân không ai muốn hái. Giá ổi quá thấp, không bù đủ tiền thuê nhân công cũng như vốn đầu tư đã đổ vào gốc ổi. “Đầu vụ, giá còn được khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 300 – 500 đồng/kg, vườn nhà tui ổi chín, rơi vãi khắp nơi mà cũng chẳng muốn hái” - ông Nguyễn Văn Nghị, người có 4,5 công ổi đã chín rộ than thở.
Ông Nghị đã đầu tư cho vườn ổi hơn 12 triệu đồng tiền phân bón, thuốc trừ sâu, bao trái, chưa kể công chăm sóc của người trong nhà. Với giá hiện nay, ông lỗ hơn một nửa số vốn đã bỏ ra.
Đồng cảnh ngộ với ông Nghị, ông Nguyễn Hữu Nhút (ấp 4, xã An Thái Trung) cũng đang đứng ngồi không yên với 5 công ổi cần phải thu hoạch nhưng đành bỏ vườn vì sợ “lỗ chồng thêm lỗ”. “Năm rồi tui mới sửa sang lại vườn ổi, đào gốc bón phân hết 15 triệu đồng nên năng suất tăng hơn vụ trước nhiều. Vậy mà giá lại tụt mạnh, chưa bằng 1/10 vụ trước.” - ông Nhút cay đắng.
Cả xã An Thái Trung có khoảng gần 320ha ổi, năng suất bình quân đạt 20 – 40 tấn/ha, tổng sản lượng 6.000 – 12.500 tấn/năm. Tuy nhiên hiện nay, nhiều vườn ổi đang bị bỏ hoang...
Nông dân muốn bỏ vườn
Không chỉ ổi ở An Thái Trung mà hiện nay nhiều loại cây trái khác như chôm chôm ở xã Tam Bình, sơ ri, huyện Gò Công Đông, thanh long (huyện Chợ Gạo), dứa (huyện Tân Phước) cũng rơi vào tình trạng ế ẩm, giá bán rẻ như cho.
Theo đó, giá chôm chôm loại 1 chỉ ở mức 2.500 – 2.700 đồng/kg, giá sơ ri 3.000 – 3.500 đồng/kg, đều giảm một nửa so với tháng trước. Trước tình trạng giá bán không đủ trả tiền thuê nhân công, nhiều nông dân có ý định chặt bỏ nhưng lại chưa biết trồng cây gì thay thế. Hơn nữa, thời tiết chuẩn bị vào mùa mưa hiện nay khiến trái cây dễ hư hỏng dẫn tới chất lượng kém. Không khí vườn cây trái vùng này càng thêm ảm đạm.
Theo ông Trịnh Công Minh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang, sở dĩ có tình trạng này là do tập quán trồng, chặt theo phong trào, theo thời giá của bà con nông dân. “Cứ thấy cây nào mất giá là bà con chặt bỏ, trồng cây mới đang có giá cao mà không theo hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan chức năng. Từ đó dẫn tới tình trạng cung vượt cầu, rớt giá, chưa kể những khó khăn trong việc kiểm soát sâu bệnh” - ông Minh phân trần.
Ông Phạm Văn Quận - Phó Chủ tịch UBND xã Quơn Long, (huyện Chợ Gạo), xã có hơn 700ha chuyên canh thanh long cũng than: “Quơn Long đang xây dựng vùng thanh long chuyên canh với 100% đất nông nghiệp của xã. Thế nhưng, việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con vẫn theo kiểu mua đứt bán đoạn, phụ thuộc vào thương lái và giá thị trường”.
Theo ông Quận, để có thể giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản, xã có kế hoạch phát triển vùng sản xuất cụ thể, liên kết các nông hộ lại với nhau thành diện tích lớn. Sau đó áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác nâng cao năng suất cho cây trồng. Lúc đó sẽ dễ tìm các hợp đồng xuất khẩu số lượng lớn, giá cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của nông dân.
Thuận Hải