Đáng chú ý, tại phần lớn các nhà băng, trong 9 tháng đầu năm nay tăng trưởng cho vay mạnh hơn khá nhiều so với tăng trưởng huy động tiền gửi. Điều này cho thấy lợi nhuận ngân hàng phần lớn vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động tín dụng.
Sacombank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lãi trước thuế "khủng", gấp 5 lần so với cùng kỳ (Ảnh: IT)
Ngân hàng đua nhau báo lãi “khủng”
Theo số liệu báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của các ngân hàng, Vietcombank đang giữ vị trí quán quân trên bảng xếp hạng lợi nhuận với con số lợi nhuận trước thuế đạt 7.934 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng trưởng 25,4% so với cùng kỳ (9 tháng đầu năm 2016 đạt 6.326 tỷ đồng). Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành 86,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Đây cũng là một trong số ít những ngân hàng duy trì khá cân đối giữa tỷ lệ tăng trưởng cho vay khách hàng và huy động tiền gửi với tỷ lệ lần lượt là 16,33% và 16,52% trong 9 tháng đầu năm 2017.
Đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng là Vietinbank với tổng lợi nhuận trong 9 tháng là 7.232 tỷ đồng, tăng trưởng 11,5% so với cùng kỳ (6.485 tỷ đồng).
Đáng chú ý, xếp thứ ba trong các ngân hàng có lợi nhuận “khủng” 9 tháng đầu năm 2017 không phải là cái tên quen thuộc BIDV như những năm trước mà là VPBank. Cụ thể, kết thúc 9 tháng đầu năm, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.635 tỷ đồng, tăng trưởng tới 79,2% so với cùng kỳ (3.145 tỷ đồng). Kết quả này có lẽ đến từ việc nhà băng này đẩy mạnh cho vay khi tỷ lệ tăng trưởng cho vay khách hàng tăng tới 15,9% trong khi tỷ lệ tăng trưởng huy động tiền gửi khách hàng chỉ đạt 3,22%.
Trong khi đó, vốn thuộc top 3 trong các ngân hàng có lợi nhuận khủng thì trong 9 tháng đầu năm 2017 này, BIDV đã rớt hạng xuống vị trí thứ 4 với con số lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 5.555 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ (5.757 tỷ đồng).
Ở khối các ngân hàng thương mại (trừ VPBank), thì Techcombank đang có lợi nhuận dẫn đầu. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2017, ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế đạt 4.840 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với con số 2.864 tỷ đồng cùng kỳ 2016.
Kế đến là MBBank với lợi nhuận trước thuế đạt 4.002 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với con số 2.788 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016.
ACB cũng đạt lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2016 khi đạt tới 2.004 tỷ đồng, tăng gần 38% so với con số 1.244 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thì Sacombank mới là nhà băng tăng trưởng “khủng” khi báo lãi lên tới hơn 1.025 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với kỳ năm trước (208 tỷ đồng). Với kết quả này, Sacombank đã vượt gần tới 75% kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Một loạt nhà băng khác cũng báo lãi “khủng” so với cùng kỳ năm 2016, chẳng hạn Eximbank đạt 456 tỷ đồng, tăng gần 56% so với con số 202 tỷ đồng cùng kỳ. SHB cũng đạt 1.330 tỷ đồng so với con số 788 tỷ đồng năm trước...
Xét trong toàn hệ thống, chỉ có 5 ngân hàng có tỷ lệ xấu giảm trong 9 tháng qua, còn lại 11 ngân hàng đều tăng (Ảnh: IT)
11/16 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng
Mặc dù các ngân hàng đều có kết quả kinh doanh khá khả quan trong 9 tháng đầu năm 2017, tuy nhiên tình hình nợ xấu lại có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, nếu tính theo giá trị tuyệt đối thì tỷ lệ nợ xấu tại 16 ngân hàng tính đến 30.9.2017 ở mức 1,99%, giảm nhẹ so với con số 2,03% đầu năm. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho toàn hệ thống và cũng thể hiện phần nào quyết tâm xử lý và kiểm soát nợ xấu của các ngân hàng.
Dù vậy, nếu xét trong toàn hệ thống thì chỉ có 5 ngân hàng có tỷ lệ xấu giảm trong 9 tháng qua, còn lại 11 ngân hàng đều tăng.
Cụ thể, 5 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm gồm: Bắc Á Bank (nợ xấu 0,68% so với con số 0,81% đầu năm); KienlongBank (nợ xấu 0,86% so với con số 1,06% đầu năm); Vietcombank (nợ xấu còn 1,15% so với con số 1,51% đầu năm); VIB (nợ xấu còn 2,36% so với 2,58% đầu năm) và Sacombank (còn 5,95% so với tỷ lệ nợ xấu 6,91% đầu năm).
Trong khi đó, 11 ngân hàng còn lại thì tỷ lệ nợ xấu trong 9 tháng lại tăng so với hồi đầu năm, trong đó tăng mạnh nhất là VietA Bank (từ 2,14% lên 3,49%); kế đến là NCB (tăng từ 1,48% lên 2,37%). Riêng 2 ngân hàng ACB và TPBank, tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 0,57% lên 0,91%, tuy nhiên đây cũng là 2 ngân hàng trong số 4 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong hệ thống với tỷ lệ được khống chế dưới 1%.
Về con số nợ xấu đã bán cho VAMC trong 9 tháng đầu năm, Sacombank là ngân hàng bán nhiều nhất với 8.206 tỷ đồng. Hiện tổng số nợ Sacombank bán cho VAMC tính đến ngày 30.9.2017 là 46.507 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, Vietcombank là ngân hàng thực hiện mua lại nợ từ VAMC nhiều nhất với con số khoảng 1.055 tỷ đồng; kế đến là VIB với 570 tỷ đồng...
Rủi ro cho nguồn tiền gửi Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã quy định rõ tỷ lệ cho vay/huy động vốn của các ngân hàng dao động từ 80-90% (Ngân hàng thương mại nhà nước: 90%; Ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài: 80%), tuy nhiên tình trạng vượt tỷ lệ quy định này ở nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng TMCP đã xảy ra gần cả năm nay rồi. Tất nhiên, khi vượt qua tỷ lệ quy định này thì sẽ dễ xảy ra tình trạng rủi ro về thanh khoản, rủi ro trả nợ cho nguồn tiền gửi sẽ khó khăn hơn. Ngoài ra, cái lo lắng lớn nhất hiện nay là Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của Quốc Hội ban hành chỉ giải quyết các khoản nợ xấu phát sinh trước ngày 15.8.2017, còn sau đó các khoản nợ xấu phát sinh sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành. Do vậy nếu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và tất nhiên có tín dụng thì sẽ phát sinh nợ xấu, nếu nợ xấu này không được áp dụng các ưu đãi như Nghị quyết 42 thì chắc chắn sẽ rất khó khăn cho các ngân hàng. Thêm vào đó, hiện nay các ngân hàng đang đẩy mạnh việc huy động vốn, một mặt để đáp ứng mức tăng trưởng tín dụng đã đề ra, mặt khác là để đáp ứng thông tư 06. Do đó, vô hình chung điều này đang đẩy lãi suất đầu vào cao hơn, như thế rất khó giảm lãi suất đầu ra... Tiến sĩ - Luật sư Bùi Quang Tín, chuyên gia Tài chính, CEO Trường Doanh nhân Bizlight |