Dân Việt

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo khẩn trương khắc phục bão số 12

Đình Thắng 06/11/2017 16:35 GMT+7
Thiệt hại do bão số 12 gây ra là rất lớn, cả về người và cơ sở vật chất, có 46 người chết, 15 người mất tích, trên 1.800 nhà bị sập, nhiều tỉnh hệ thống điện lưới, hệ thống thông tin bị tê liệt. Ngoài ra, còn có 1.286 tàu thuyền bị chìm ngay trong khu vực neo đậu, 24.465 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, 10 tàu vận tải với 101 thuyền viên bị chìm trên biển. Riêng tỉnh Khánh Hòa ước tính thiệt hại do bão gây ra lên tới 7.000 tỷ đồng.

3 giờ 30 chiều nay (6/11), Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương khắc phục hậu quả nặng nề cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12.

img

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương khắc phục hậu quả nặng nề cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12.

Báo cáo trước hội nghị về cơn bão số 12, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Đây là cơn bão mạnh kèm theo mưa lớn đổ bộ thẳng vào Nam Trung Bộ, về cường độ cơn bão này tương đương cơn bão số 10, tuy nhiên cơn bão này đổ bộ thẳng vào Khánh Hòa – nơi nhiều năm qua không có bão nên mức độ tổn hại lớn về người và của.

Bão số 12 duy trì gió mạnh trên đất liền kéo dài (12 tiếng), phạm vi ảnh hưởng rộng các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên; gây mưa lớn từ 400-600mm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ 300-500mm tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, từ 200-300mm tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên.  Dự báo mưa sẽ tiếp tục diễn ra trong 2-3 ngày tới”.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh phí ngay cho các tỉnh khôi phục thiệt hại bão.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Bão số 12 nguy hiểm khốc liệt hơn bão số 10, hoàn lưu gây mưa lớn trên diện rộng. Bên cạnh đó, trước khi cơn bão 12 đổ bộ, tác động của áp thấp nhiệt đới, cộng với gió mùa đông lạnh đã gây mưa lớn cho vùng này. Hiện nay diễn biến mưa vùng này vẫn đang rất to, tình hình nước thượng nguồn, tốc độ nước vào hồ thủy điện thủy lợi lớn hơn tốc độ xả”.

img

Nhiều hộ nuôi Cá trên sông Bồ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế điêu đứng vì hàng chục tấn cá chết trắng lồng.

Về hậu quả bão gây ra, thiệt hại là rất lớn cả về người và cơ sở vật chất, có 46 người chết, 15 người mất tích, trên 1.800 nhà bị sập, nhiều tỉnh hệ thống điện lưới, hệ thống thông tin bị mất rất lớn.

1.286 tàu thuyền bị chìm ngay trong khu vực neo đậu, 24.465 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị trôi. 10 tàu vận tải với 101 thuyền viên bị chìm trên biển, 88 người được cứu, vẫn còn 5 người mất tích.

Do tác động hoàn lưu gây mưa, tất cả các sông đều ở mức báo động 3, nhiều sông ở Huế, Quảng Nam trên mức báo động 3. Hiện nay tiếp tục còn mưa, đây là nguy cơ lớn nhất cần giải quyết sau bão.

Hiện nay công việc tập trung làm là tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi động viên các gia đình ảnh hưởng nặng nề do bão, khắc phục lại nhà cửa bị sập đổ, khôi phục lại sản xuất. Dồn sức chỉ đạo vận hành liên hồ chứa, cứu hồ, giữ cho các hồ không bị sự cố xảy ra.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh phí ngay cho các tỉnh khôi phục thiệt hại bão.

Đại diện tỉnh Khánh Hòa báo cáo Thủ tướng, tổng thiệt hại ước tính ban đầu là 7.000 tỷ đồng. Tỉnh Khánh Hòa đề nghị trung ương hỗ trợ 25 nghìn tấn gạo, các hóa chất khử trùng, xử lý dịch bệnh. Hỗ trợ 1.155 tỷ đồng để sớm khắc phục thiệt hại bão, phục hồi sản xuất đảm bảo đời sống nhân dân.

Tỉnh Phú Yên đề nghị Chính Phủ hỗ trợ trước mắt 300 tấn gạo để cứu đói cho dân, cùng với đó là thuốc khử trùng, phòng chống dịch bệnh.