Dân Việt

Cán bộ Hợp tác xã: Người uống thuốc huyết áp, người trị tiểu đường

Thuận Hải 07/11/2017 06:01 GMT+7
Câu nói như đùa nhưng cũng là cách một chuyên gia mô tả tình trạng của đội ngũ cán bộ HTX nông nghiệp ở các địa phương hiện nay: tuổi cao, sức khỏe yếu!

Ngày 6.11, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội thảo quốc tế về phát triển HTX Nông nghiệp: Kinh nghiệm và triển vọng hợp tác. Qua đó, định hình hướng phát triển cho các mô hình HTX nông nghiệp trong tương lai.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, vấn đề “nghiêm trọng” nhất hiện nay của các HTX là đội ngũ cán bộ quản lý đa phần là người lớn tuổi, trình độ quản lý doanh nghiệp không có. Đặc biệt, có đến 56% cán bộ HTX ở vùng ĐBSCL có trình độ học vấn chỉ từ cấp 2 trở xuống.

img

Phần lớn cán bộ HTX nông nghiệp hiện nay tuổi cao, sức yếu, phải thường xuyên uống thuốc... Trong ảnh minh họa: Chăm sóc xoài ba màu ở HTX Sản xuất trái cây GAP Bình Phước Xuân (An Giang). Ảnh: Thuận Hải.

Do đó, việc đào tạo cho cán bộ xã theo như các chính sách hiện có của ngành nông nghiệp là không hiệu quả và khó mang lại lợi ích về lâu về dài. Phần nữa, vì lớn tuổi nên những cán bộ này khó có thể tiếp cận nhanh các xu hướng phát triển của thị trường, của nông nghiệp… cũng như khó đáp ứng được yêu cầu công việc.

“Cán bộ HTX mà mỗi sáng ông thì uống viên thuốc huyết áp, người khác lại thêm viên “tiểu đường”… thì làm sao đủ sức khỏe để đảm đương công việc lâu dài. Từ đó, vấn đề đặt ra là phải đào tạo cho lớp cán bộ trẻ, làm sao để họ có thể gắn bó được với HTX”, một chuyên gia từ Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp 2, thẳng thắn.  

Theo vị này, việc đào tạo ngắn hạn như hiện nay cũng không hiệu quả, thay vào đó, nên có các chương trình đào tạo lâu dài về HTX cho cán bộ trẻ. Phải gắn phát triển HTX với đầu ra, với marketing, làm thị trường… tránh tình trạng làm ra không bán được sản phẩm.

“Như ở HTX Tân Bình (Thanh Bình, Đồng Tháp), họ sản xuất hữu cơ cho ra sản phẩm rất tốt nhưng lại bán xô như thông thường, là vì không gắn kết được với đầu ra”, vị này nêu ví dụ.

Đồng tình với ý kiến này, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Khuyến nông Quốc gia cũng cho rằng, trong chương trình đào tạo ở mảng nông nghiệp, các nước cũng ưu tiên cán bộ trẻ, có những chương trình đào tạo từ cách hoạch định chiến lược phát triển, đào tạo tay nghề và rèn luyện sức khỏe cho người làm nông nghiệp…

Còn tại các vùng nông thôn Việt Nam hiện nay, các chương trình khuyến nông điện tử cũng là xu hướng phát triển khi mỗi người đều có điện thoại hoặc máy tính để truy cập internet, thực hiện tư vấn khuyến nông tại chỗ qua điện thoại hoặc email.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trọng Khải, chuyên gia độc lập, đặt vấn đề: Đến nay, bao nhiêu chính sách đi vào cuộc sống thì bao nhiêu là không? Vì sao hầu hết các HTX phát triển không theo xu hướng mong muốn?

Ông Khải cho rằng, theo quan sát của ông, hầu hết các HTX không tiếp cận được các chính sách của nhà nước, nhất là chính sách về tín dụng. Còn về đào tạo cán bộ HTX, phải đào tầng lớp “thanh nông tri điền” chứ không phải cứ là “lão nông” như xưa nay. Vì nếu không có lớp cán bộ trẻ tham gia vào công tác quản lý thì sẽ không có nhân tố mới cho HTX.

“Trên thực tế, hiện các cử nhân kinh tế, nông nghiệp, nông thôn đều không thể về làm việc cho HTX, vì quy mô HTX quá nhỏ, không đủ sức hấp dẫn đối với các cử nhân, cũng không thể trả lương cho họ. Hậu quả là Việt Nam không có những nhà quản trị HTX chuyên nghiệp”, ông Khải nhận định.

Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) thừa nhận, trong báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện các chính sách phát triển HTX của Bộ NNPTNT mới đây, chính sách đến được với các HTX nhiều nhất là đào tạo. Có 8% số HTX hiện có tiếp cận được chính sách này. Riêng các chính sách về tài chính, chỉ có 0,67% số HTX được tiếp cận.

Ông Thịnh cũng đồng ý rằng, nên tập trung phát triển lực lượng cán bộ trẻ, việc đào tạo nên giảm bớt phần lý thuyết và tăng cường “cầm tay chỉ việc”. Việc đào tạo các cán bộ trẻ có thể chưa mang lại hiệu quả ngay lập tức nhưng một thời gian, đội ngũ này sẽ phát huy được năng lực.

Bộ NNPTNT đặc mục tiêu đến năm 2020, khu vực nông nghiệp có 15.000 HTX hoạt động hiệu quả, cả nước phải có tổng số 20.000 HTX nông nghiệp. Khoảng 50-60% số hộ nông dân tham gia là thành viên của các HTX nông nghiệp. Cùng với đó, sẽ hình thành các mô hình liên hiệp HTX theo vùng, tỉnh hoặc theo ngành sản phẩm. Nâng tỷ lệ nông sản chủ lực thương mại qua HTX từ dưới 10% hiện nay lên 30% sau năm 2020…