Dân Việt

Chủ tịch TP.HCM: Săn người tài để xây dựng đô thị thông minh

Hồ Văn 06/11/2017 19:49 GMT+7
Muốn xây dựng đô thị thông minh phải phát triển được khoa học công nghệ cao, muốn vậy phải thu hút được nguồn nhân lực cấp cao. Phải “săn” người tài Việt Nam đã và đang làm việc ở các tập đoàn lớn ở nước ngoài, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết như vậy tại buổi gặp gỡ Tổng biên tập các báo, đài trung ương và địa phương, chiều 6.11.

Buổi gặp gỡ do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì nhằm giới thiệu với các báo, đài Diễn đàn MEMS  (Diễn đàn vi cơ điện tử được lập để chuẩn bị cho việc sản xuất hàng loạt cảm biến, cung ứng cho dự án thành phố thông minh) và đề nghị các báo, đài đồng hành chia sẻ và tuyên truyền cho diễn đàn một cách hiệu quả.

“Bất cứ chính sách gì xây dựng thành phố phát triển hay truyên truyền đến người dân một cách hiệu quả thì báo, đài đóng góp vai trò rất quan trọng và không thể thiếu trên bước đường xây dựng thành phố, nhất là xây dựng đô thị thông minh”, ông Phong nói.

img

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong "mong các báo, đài chia sẽ và đồng hành cùng thành phố". Ảnh: Hồ Văn

Theo ông Phong, đô thị thông minh phải đầu tư phát triển công nghệ cao. Muốn vậy phải sản xuất được vi mạch điện tử cảm biến để thực hiện dự án đô thi thông minh. Thành phố muốn phát triển bền vững phải  dựa trên các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, vi mạch điện tử là ngành mũi nhọn cho mục tiêu này.

Ông Phong cho biết các nước khác đã bước vào nền công nghiệp 4.0 rồi, ta đang bước vào phải tranh thủ các nước có kinh nghiệm, tranh thủ và thu hút các chuyên gia, người tài trong và ngoài nước. Phát triển khoa học công nghệ cao ngoài quyết tâm, đòi hỏi tiên quyết là nguồn nhân lực chất lượng cao. Vậy nguồn đó ở đâu?

“Thành phố đã và đang có nhiều chính sách thu hút người tài, thậm chí phải săn người tài cho dự án đô thị thông minh. Người tài đó ở đâu? Theo tôi biết ở thung lũng silicons, Google hay các tập đoàn lớn có nhiều người Việt Nam đang làm việc rất thành công, họ chứng minh được chỗ đứng của trí tuệ Việt. Thu hút người tài chính là thu hút bằng được nguồn nhân lực này, ngoài ra phải mời các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước hợp tác với thành phố trong việc phát triển khoa học công nghệ cao và xây dựng đô thị thông minh”, ông Phong nói.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, nhiều nhà báo cho biết vi mạch hay MEMS, nó quá chuyên môn, vì vậy các chuyên gia, giáo sư phải nôm na, đơn giản hóa từ ngữ và nội dung, để báo đài tuyên truyền dễ và có hiệu quả.

Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) được UBND TP.HCM ủy thác quyền hạn và tài chính để thành lập Diễn đàn MEMS/Cảm biến TP HCM. Diễn đàn hướng đến mục tiêu thương mại hóa các nghiên cứu về sản phẩm vi cơ điện tử của thành phố. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư đến lập nhà máy sản xuất cảm biến và các sản phẩm vi cơ điện tử, nhằm chuẩn bị sẵn sàng phần cứng cho việc xây dựng thành phố thông minh, tránh phụ thuộc vào sản phẩm nước ngoài.

img

Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo về diễn đàn MEMS tại buổi gặp mặt. Ảnh: Hồ Văn

Ban tổ chức Diễn đàn cho hay, tham vọng của dự án là góp phần thực hiện kế hoạch toàn diện, chuyển đổi TP.HCM từ một trong những nhà sản xuất, lắp ráp linh kiện hàng đầu sang một đối thủ lớn trong nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu.

“Đây là nơi các thành phần có liên quan, bao gồm nhà quản lý, giới doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và truyền thông cùng ngồi lại bàn bạc nghiên cứu sản xuất MEMS (sản phẩm vi cơ điện tử) để phục vụ cho thị trường trong nước và thế giới, tạo nền tảng trong cuộc cách mạng 4.0 và hướng đến thành phố thông minh”, ông Lê Hoài Quốc – Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết.

Cũng theo ông Quốc, hiện SHTP và một vài trường, viện đã có nghiên cứu về sản phẩm vi cơ điện tử nhưng chưa có đủ điều kiện để thương mại hóa, sản xuất quy mô lớn. Đây là nền tảng để tạo lập hệ sinh thái sản xuất các cảm biến, thiết bị vi cơ điện tử, vi mạch.