Con rắn ráo trâu có cân nặng hơn 2kg của một hộ dân ở Ninh Bình
Anh Phạm Văn Điệp ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, chủ nhân của con rắn ráo trâu cho biết, hiện tại con rắn có cân nặng hơn 2kg, dài trên 2m, mắt có màu đỏ, lưỡi đỏ rực.
“Năm 2004 tôi cho ấp khoảng hơn 3.000 quả trứng rắn ráo trâu, tuy nhiên, sau đó trứng hỏng hết chỉ nở được đúng 1 con rắn. Thấy con rắn có thân màu trắng lạ mắt tôi đã giữ lại nuôi cho đến bây giờ”, anh Điệp nói.
Con rắn ráo trâu có thân trắng, mắt đỏ, lưỡi đỏ rực
Chủ nhân của con rắn ráo trâu cho biết, hằng ngày có rất nhiều người dân hiếu kỳ qua nhà anh xem rắn.
“Mới đây nhất, có một vị khách ở Trung Quốc sang xem rắn và trả tôi giá 150 triệu đồng mua con rắn nhưng tôi chưa muốn bán. Tôi đang có ý định giữ lại con rắn nghiên cứu và nhân giống”, anh Điệp nói thêm.
Anh Điệp cho biết thêm, khi nuôi dưỡng con rắn ráo trâu đặc biệt cũng không có gì khác so với những con cùng loài, thức ăn cũng chủ yếu là cóc, ếch, nhái. Cứ 3 ngày anh lại cho rắn ăn một lần. Con rắn cũng khá thân thiện với con người.
Nhiều người dân thích thú chụp ảnh bên con rắn ráo trâu
Tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho hay, rắn ráo trâu (hay còn gọi là rắn long thừa, rắn hổ hèo, rắn hổ dện) có tên khoa học là Ptyas mucosa.
Loài này Loài rắn này không có độc, có thể dài tới 2m, con lớn có thể đạt trọng lượng 4-5kg, phân bố ở các khu rừng ẩm ướt hay khu vực ven đô thị từ Điện Biên đến Cà Mau. Rắn ráo trâu có thân màu xám, một số con có vệt màu sáng ngang thân.
“Tuy nhiên, con rắn ráo trâu có thân màu trắng, mắt màu đỏ, hồng thì có thể là con rắn bạch tạng, loại này rất hiếm”, ông Trường nói.
Theo vị này, một số trang trại nuôi rắn có nuôi loài rắn ráo trâu với mục đích bán thương phẩm. Tuy nhiên, việc nuôi loài rắn này phải được cấp phép của cơ quan chức năng.
Hàng trăm rắn lục đuôi đỏ, hổ lãi nằm lúc nhúc trên các tán cây khiến nhiều người xem không khỏi giật mình.