Dân Việt

Chủ tịch TP.HCM: Phải loại bỏ lợi ích nhóm trong các dự án BT

Hồ Văn 07/11/2017 14:15 GMT+7
“Việc công khai, minh bạch trong các dự án BT là rất quan trọng, nó tạo ra hiệu quả cao, tránh được lợi ích nhóm, loại bỏ tiêu cực và hạn chế việc tận dụng sự quen biết, nể nang”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.

Sáng 7.11,  Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã chủ trì  Hội nghị trao đổi về cơ chế thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư (BT) và giải pháp tạo quỹ đất, nguồn lực tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng.

img

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Hồ Văn

Công khai để tránh tiêu cực, lợi ích nhóm

“Thời gian vừa qua các dự án BT cũng đạt được kết quả tich cực, góp phần phát triển cho thành phố về hạ tầng giao thông, môi trường và thông qua BT giải quyết nhiều bức xúc về hạ tầng. Nhưng thành phố cũng đối mặt với nhiều bất cập, mặt trái mà mô hình này mang lại.  Vì vậy, các dự án BT phải thực hiện theo hướng công khai minh bạch. Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nhà nước nhưng cũng phải hoàn thiện môi trường đầu tư hiệu quả, không cản trở nhà đầu tư”, ông Phong chỉ đạo.

Cũng theo ông Phong, qua phát biểu của các chuyên gia, đại biểu nổi lên 5 nhân tố chinh: Một là vai trò của cơ quan chức năng: xây dựng một khung pháp lý minh bạch là bộ khung cho dự án BT, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phân chia rủi ro, hạn chế rủi ro tiềm tàng.

Thứ 2, lựa chọn các đối tác tư nhân phù hợp, thành công của dự án BT phụ thuộc lớn vào sự lựa chọn;  có nhiều nhà đầu tư chọn BT, bài toán tốt là chọn nhà đầu tư hiệu quả. “Trước đây có  một dự án chống ngập, nhà đầu tư cam kết tạm ứng vốn trước sau đó ngân sách hoàn thiện lại bằng hợp đồng BT.  Nhưng sau đó kiểm tra lại thì nhà đầu tư này không đạt mọi tiêu chí, thành ra phải từ chối.  Tôi kể việc này để nói lựa chọn phù hợp là vậy. Những doanh nghiệp có năng lực vững mạnh, đủ vốn thiết kế, xây dựng, thi công… thì hiệu quả BT cao”, ông Phong lý giải.

Nhân tố thứ 3 là nhận dạng và phân bổ rủi ro thích hợp, hạn chế các rủi ro tiềm tàng, giải quyết hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp. Không chuyển hết rủi ro cho nhà đầu tư, có những cái nhà nước phải chấp nhận chịu thiệt và người dân chia sẻ.

Thứ 4 là tính minh bạch. "Điều này rất quan trọng với dự án BT. Nó tạo ra hiệu quả, tránh trường hợp lợi ích nhóm, tận dụng sự quen biết, ngăn ngừa và loại bỏ tiêu cực trong BT", ông Phong nói.

Thứ 5, công tác quản lý BT, để tình trạng tiêu cực, quan liêu, kém hiệu quả… thì phải tính đến trách nhiệm công tác quản lý, xác định đúng trách nhiệm để xử lý.

Ông Phong cũng tiết lộ có những mảnh đất đẹp, rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nếu không quản lý khéo, dễ rơi vào tình trạng tiêu cực, chủ trương phải đấu giá, không BT đổi những mảnh đất này được. “Tôi có trao đổi anh Lê Hoàng Châu (Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM), thực tế có những mảnh đất vùng lõi đẹp, đất vàng… rất nhiều nhà đầu tư muốn BT, nhưng tôi với tư cách trưởng ban đề nghị phải đấu giá, không BT. Có thể nhiều nhà đầu tư buồn, nhưng cơ chế phải rõ ràng”, ông Phong khẳng định.

Theo kế hoạch, từ năm 2016 - 2010 thành phố có nhu cầu đầu tư lớn với tổng vốn khoảng 850 ngàn tỷ, trong đó khả năng ngân sách chỉ đáp ứng được 20%. Để huy động nguồn lực xã hội hóa như hình thức BT theo Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong phải  tính toán hết sức cẩn thận, chặt chẽ để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.

“Suy  cho cùng,  đất đai rất quan trọng vì bản chất nó là ngân sách. Khi triển khai BT phải hết sức tính toán có hiệu quả”, ông Phong cho hay.

Chỉ định thầu làm thất thoát tài sản công

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM,  xã hội hóa phát triển hệ thống hạ tầng  theo hình thức  PPP, BT, BOT… huy động được nguồn vốn lớn, đóng góp vào phát triển thành phố cũng như cả nước. Bên cạnh mặt tích cực, việc chỉ định nhà đầu tư cho các khu đất vàng… nguồn vốn nhà đầu tư chỉ chiếm 10% còn 90% toàn vốn vay  ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư. Trong khi đó lại thiếu cơ chế kiểm soát, tạo điều kiện cho nhà đầu tư hưởng lợi hai lần.

“Dự toán công trình, các khu đất đối ứng cũng do nhà đầu tư đề xuất… như vậy họ đạt được lợi ích hai lần. Để cho nhà thầu, nhà đầu tư chủ động cả 2 giai đoạn, nhà nước chỉ giám sát là nhà nước, xã hội chịu thiệt. Nguồn vốn đối ứng là tài sản công, không đấu thầu mà chỉ định thầu khi đối ứng là thất thoát tài sản công”, ông Châu bức xúc.

Theo đó, ông Châu kiến nghị phải  đấu giá công khai, minh bạch với các hình thức PPP, BT, kể cả các khu đất vàng đối ứng cũng phải đấu giá và đề nghị hạn chế tối đa việc chỉ định thầu.

img

Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM Sử Ngọc Anh báo cáo về các dự án BT tại hội nghị. Ảnh: Hồ Văn

Theo Sở KH-ĐT, thông qua hình thức BT trong giai đoạn 2015 - 2017, thành phố đã huy động được 20.338 tỷ đồng  từ khu vực tư nhân để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện ngân sách thành phố còn hạn chế. Qua triển khai, thành phố đã hoàn thành những dự án như: cầu Phú Mỹ 2; cầu Sài Gòn 2; mở rộng xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, nhà máy xử lý nước thải Tham Lương-Bến Cát… góp phần thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố.

Cũng theo Sở KH-ĐT, dù có nhiều hiệu quả nhưng các dự án theo hình thức PPP, BT… vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thành phố. Có rất nhiều nhà đầu tư muốn khai thác hình thức BT nhưng hiện quỹ đất và ngân sách hạn chế. Khó khăn trong đền bù giải tỏa cũng gây ức chế cho doanh nghiệp khi dự án kéo dài, chậm trễ.

Các chuyên gia, nhà đầu tư cũng cho rằng, thực hiện BT còn vướng quá nhiều thủ tục khiến thời gian kéo dài. Một dự án phải trải qua 6 giai đoạn từ khâu chấp thuận chủ trương, lập đề xuất dự án cho đến quyết toán dự án… Đây là những rào cản gây quan ngại và chán nản cho nhà đầu tư khi kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế trong xã hội.