Dân Việt

Nghịch lý giá thực phẩm từ chuồng nuôi ra chợ

19/10/2011 12:42 GMT+7
(Dân Việt) - Giá các loại thực phẩm như lợn, gà ở các trang trại liên tục giảm mạnh, nông dân lỗ nặng. Nghịch lý ở chỗ, giá bán các sản phẩm nói trên tại các chợ ở thành phố, siêu thị vẫn cao ngất ngưởng.

Ai đã hưởng lợi từ việc chênh lệch giá đó? Câu trả lời chắc chắn không phải là nông dân.

Người nuôi khóc thầm

Ngày 18.10, giá bán gà công nghiệp lông trắng ở các tỉnh Đông Nam Bộ giảm thêm 1.000 đồng/kg so với cuối tuần trước, còn 23.000 đồng/kg gà sống bắt tại chuồng. Giá ở các tỉnh ĐBSCL cũng giảm còn có 21.000 – 22.000 đồng/kg. So với cách đây khoảng hai tháng, thời điểm giá gà công nghiệp ở mức cao nhất 40.000 đồng/kg, thì mức giá hiện nay đã giảm trên 40%.

img
Lợi nhuận của người chăn nuôi rơi vào tay trung gian.

Tương tự như vậy, gà lông màu Tam Hoàng cũng đã giảm từ 40.000 đồng/kg xuống còn 29.000 – 30.000 đồng/kg, trong khi giá thành là 40.000 – 42.000 đồng/kg. Anh Hoàng Mạnh Hà, ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai, cho biết: “Nhà tôi vừa bán lứa gà 13.000 con, gà lông màu Tam Hoàng với giá 29.000 đồng/kg và bị lỗ mất khoảng 150 triệu đồng. Đó là tôi chỉ mới tính giá con giống, thức ăn và thuốc, còn tiền công cán, điện nước, gas… thì chưa”.

Ở các tỉnh phía Bắc, tình trạng lợn, gà rớt giá cũng đang làm điên đảo các hộ chăn nuôi. Ông Nguyễn Văn Thọ- chủ trang trại lợn Thọ An, thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) nhìn đàn lợn thịt gần 20 con ngao ngán: “Chăn nuôi thời này chẳng khác nào đi đánh lô đề”.

Thời điểm trước, trong trang trại của ông Thọ có đến gần 100 con lợn và hàng trăm gà vịt nhưng hiện nay ông chỉ nuôi cầm chừng để lấy ngắn nuôi dài. Theo ông Thọ, giá đầu vào hiện nay bao gồm lợn giống, thức ăn, thuốc chữa bệnh vẫn ở mức cao nhưng giá bán cho tư thương lại rớt xuống thê thảm.

Lứa lợn trước cách đây 3 tháng, giá thịt lợn xuất chuồng từ 65.000 - 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này giá bán thịt lợn hơi chỉ còn 50.000 - 55.000 đồng/kg. Tính ra, ông mất 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Bích- chủ trang trại lợn ở huyện Đan Phượng cũng cho hay, chỉ trong vòng gần 10 ngày trở lại đây, giá lợn hơi tiếp tục giảm từ 3.000-5.000 đồng/kg. So với cách đây gần 4 tháng, giá lợn hơi đã giảm khoảng 20-25%.

Trong khi giá lợn, gà ở chuồng giảm mạnh thì vào thành phố lại tăng rất mạnh. Theo khảo sát của NTNN, giá lợn thịt bán lẻ ở các chợ ở thị trấn, thành phố lớn vẫn không giảm, thậm chí một số tiểu thương còn tăng giá từ 1.000-2.000 đồng/kg.

Tại các chợ đầu mối của Hà Nội, mỗi kg thịt nạc thăn có giá 120.000 đồng, thịt mông sấn giá 90.000 - 100.000 đồng, thịt ba chỉ từ 100.000 - 110.000 đồng. Tại siêu thị BigC, thịt nạc đùi có giá 116.900 đồng/kg. Các mức giá nói trên, so với cách đây một tháng vẫn cao hơn 5- 10%, còn nếu so với giá tại địa phương thì cao gấp 3, 4 lần.

Bất cập hệ thống phân phối

Tình trạng chênh lệch cao giữa giá thu mua sản phẩm tại chuồng trại và giá bán khi đến tay người tiêu dùng diễn ra phổ biến mà nguyên nhân do yếu tố đầu cơ làm giá của khâu trung gian, và doanh nghiệp phân phối.

Theo tính toán của ông Phạm Văn Minh - Giám đốc Công ty Phú An Sinh, đơn vị chuyên thu mua gà ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ để cung ứng cho thị trường TP.Hồ Chí Minh, với giá thu mua tại chuồng 23.000 đồng/kg gà công nghiệp, sẽ có giá thành sau khi giết mổ là 33.000 đồng/kg.

Các chi phí này bao gồm hao hụt 20% (1 kg gà sống sau khi vặt lông, bỏ lòng còn 0,8 kg) là 4.600 – 4.800 đồng/kg, phí vận chuyển + hao hụt trên đường đi là 1.500 đồng/kg, công giết mổ + phí kiểm dịch 1.000 đồng/kg, cùng các chi phí khác như nước thải, nhân công, điện nước… Tổng cộng tất cả là khoảng 10.000 đồng/kg.

Ngoài ra, cộng thêm với chi phí phân phối khắp địa bàn TP.Hồ Chí Minh khoản 500 – 1.000 đồng/kg tùy điểm bán xa gần, với giá bán ra 39.000 – 40.000 đồng/kg hiện nay, Công ty Phú An Sinh có lời từ 4.000 – 5.000 đồng/kg.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần: Chưa minh bạch được giá cả

Sự chênh lệch giá giữa giá bán tại chuồng với giá bán đến tay người tiêu dùng chứng tỏ sự bất cập trong các sản phẩm nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng. Bất cập ở đây biểu hiện ở chỗ chúng ta chưa tổ chức được hệ thống tiêu thụ sản phẩm và minh bạch được giá cả đầu ra, mà thương lái (người trung gian) chiếm phần nhiều, cho nên người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi từ giá cả xuống và ngược lại người chăn nuôi cũng không được hưởng lợi khi giá lên. Sự chênh lệch này, thường là lên đến 15-20%, còn tại thời điểm này, giá bán tại chuồng thấp hơn 20% so với giá bán ra thị trường. Chúng tôi cũng cho rằng, dường như đang có một bàn tay vô hình nào đó thường xuyên chi phối thị trường thực phẩm, mà chủ yếu ở đây là các tư thương, thương lái.

Đó là mức lãi của doanh nghiệp, còn thương lái thì cao hơn. Ông Nguyễn Văn Đước, một thương lái ở chợ Hà Đông (Hà Nội) tiết lộ:

“Nếu tôi mua gốc, bán ngọn thì có thể lãi gần 10.000 đồng/kg. Cụ thể, tôi mua 1 tạ lợn hơi ở chuồng nuôi giá 6,5 triệu đồng, sau khi giết thịt được khoảng 70kg nếu bán xô, tôi lãi được 100.000- 200.000 đồng, chưa kể còn được bộ lòng. Còn chia nhỏ ra bán lẻ, mỗi con lợn cũng lãi 200.000- 300.000 đồng...

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) thừa nhận:

Đang có sự chênh lệch lớn giữa giá lợn, gà xuất chuồng và giá bán tại chợ đến người tiêu dùng. Trong đó, nguyên nhân chính do sự quản lý yếu kém, thiếu sự liên kết giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong khâu phân phối, lưu thông hàng hóa.

Khẳng định với NTNN, TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội) cũng cho rằng:

Nghịch lý trong phân phối hiện nay rất lớn. Người làm ra thì bán rẻ, chủ cửa hàng kinh doanh thì than phải mua hàng giá cao. Rồi người tiêu dùng cũng phải chi ra khoản tiền không nhỏ. Phần chênh về giá chui vào khâu trung gian.

“Do vậy, phải thu hẹp khoảng cách giữa sản xuất và tiêu dùng. Bản thân các nhà sản xuất cũng phải tự xây dựng và tổ chức một hệ thống phân phối hàng hoá sâu rộng để có thể cung ứng và kiểm soát một cách tốt nhất giá cả và chất lượng hàng hoá của mình đến tay người tiêu dùng, giảm bớt những khâu trung gian không cần thiết” - ông Phong nhấn mạnh.