Ông Vũ Vinh Phú |
Ông Phú nói: Việc sản phẩm nông dân làm ra bán rẻ nhưng đến tay người tiêu dùng giá vẫn cao, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM là do sự thất bại của hệ thống phân phối. Một hệ thống phân phối tốt là phải đi từ sản xuất đến bán lẻ, không qua trung gian quá nhiều.
Trong khi đó, từ hơn 15 năm nay, chúng ta mua-bán từ mớ rau, con cá, hạt gạo đều phải qua trung gian rất nhiều. Người sản xuất phải bán sản phẩm với giá rẻ không được lợi, người tiêu dùng thì đang chịu thiệt vì phải mua giá cao, còn ngân sách nhà nước thì bị thất thu bởi chính hệ thống phân phối này.
Vậy để xảy ra tình trạng này trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?
- Trách nhiệm trước hết là thuộc về quản lý vĩ mô của các cơ quan Nhà nước. Doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm chiếm 20% thôi, không thể trách họ hơn được. Bởi doanh nghiệp thì buộc phải chạy theo lợi nhuận, còn Nhà nước ăn lương của dân thì phải kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng này.
Hiện nay, kinh phí xúc tiến thương mại nội địa chỉ được đầu tư khoảng 50 tỷ đồng, có thể nói thị trường nội địa của chúng ta đang bị "bỏ rơi" không được quan tâm đầu tư đúng mức. Nhiều nơi người ta vào chợ phải xắn quần thì ai có thể buôn bán tốt được.
Điển hình là giá thịt lợn bán tại gốc hiện đã giảm 18% song tại các chợ chỉ giảm có 5%, rõ ràng khâu trung gian, lò mổ đã cố tình giữ giá cao, đẩy giá lên không chịu giảm giá. Nếu không có Nhà nước thì làm sao có thể giải quyết được tình trạng này.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý thường "vin" vào lý do là kinh tế thị trường thì phải do thị trường quyết định, thưa ông?
- Nếu Nhà nước không đầu tư tốt cho thị trường trong nước thì không thể giải quyết vấn đề này, còn "kinh tế thị trường" thì làm sao làm được điều này. Do vậy, bàn tay Nhà nước phải xông vào, lo đến chất lượng, giá cả cho dân, không chỉ hô khẩu hiệu chung chung như hiện nay là: Hãy cân đối cung cầu đi nhưng vốn đâu, ai làm, làm ở đâu thì không có giải pháp gì cụ thể cả.
Xin cảm ơn ông!
Mai Hương (thực hiện)