Dân Việt

Hết thời “rau muống nhớt”, nông dân tập làm theo kiểu ghi nhật ký

Thuận Hải 08/11/2017 06:35 GMT+7
Đã từng có thời gian người tiêu dùng TP.HCM rất sợ ăn phải “rau muống nhớt”. Nhưng nay, nông dân các vùng trồng rau muống nước lớn nhất TP.HCM (ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi) đều đã được hướng dẫn quy trình sản xuất sạch, theo chuẩn VietGAP.

Cùng với sự hướng dẫn, giám sát của Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, Trạm BVTV huyện và chính quyền địa phương, vùng rau muống nước VietGAP ở TP.HCM từng bước được hình thành, có cả logo thương hiệu, có nơi buôn, chốn bán đàng hoàng.

Trồng rau muống VietGAP

Cũng như những ngày bình thường khác, nông dân Nguyễn Văn Nhàn (ngụ xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) sau khi giao hơn 60kg rau muống vừa cắt cho bạn hàng, lại trở về tất bật với công việc ghi chép sổ sách, kiểm tra vườn rau, làm đất, dọn cỏ chuẩn bị cho đợt mới… Anh là một trong những thành viên tham gia dự án “Xây dựng cánh đồng rau muống nước theo quy trình VietGAP tại xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn)” do Trung tâm Khuyến nông TP.HCM thực hiện.

img

  Thu hoạch rau muống nước VietGAP tại xã Nhị Bình (Hóc Môn). Ảnh:  Trần Đáng

Anh Nhàn cho biết, trước đây việc trồng rau muống không theo quy chuẩn nào, cứ phân, thuốc nào hợp với rau, giúp rau phát triển nhanh, năng suất lớn và… “đẹp mã” thì được bà con sử dụng. Thậm chí, nhiều bà con sử dụng nhớt thải để rau muống phát triển tốt, “bóng mượt”, đẹp lòng thương lái. Thế nhưng, từ khi tham gia mô hình, anh được cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách sử dụng phân hữu cơ vi sinh hợp lý, sử dụng thuốc BVTV trong danh mục cho phép, tuân thủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch…

Còn với ông Phạm Văn Cộng, từ ngày “lên chức” Tổ trưởng Tổ hợp tác rau muống nước VietGAP xã Nhị Bình, ông càng chú tâm nhiều hơn vào việc sản xuất rau muống sạch. Gia đình ông có 1ha diện tích đất trồng rau muống nước theo quy trình VietGAP, mỗi năm thu được 10 lứa, sản lượng khoảng 20 tấn/lứa. Với giá bán trung bình đạt 6.000 đồng/kg; sau khi trừ mọi chi phí, lợi nhuận ông Cộng thu về khoảng 150 triệu đồng/năm.

Cùng với đó, điều ông Cộng quan tâm nhiều hơn nữa là đầu ra cho bà con xã viên của tổ. Ông cho biết, trước đây trồng rau muống thông thường phải cạnh tranh bằng nhiều cách nhưng vẫn bị thương lái ép giá. Thế nhưng hiện nay, khi Tổ hợp tác rau muống nước VietGAP xã Nhị Bình, với 36 thành viên, đi vào hoạt động bài bản, các đầu mối thu mua cũng ổn định hơn, có mối vào tận ruộng cắt rau, các HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm hằng ngày với giá ổn định…

Vẫn còn nhiều trăn trở

Ông Võ Ngọc Đẹp – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, tính đến cuối tháng 9.2017, toàn xã Nhị Bình có 115 hộ trồng rau muống nước trên diện tích khoảng 75ha (giảm 3,4ha so với cùng kỳ năm 2016). Trong số này, chỉ có khoảng 15% nông dân trồng rau muống nước là người địa phương, còn lại là người nhập cư, phải thuê đất để sản xuất. Điều này khiến việc quản lý của cơ quan chức năng cũng có phần khó khăn hơn.

img

Dẫu vậy, đã có 46 hộ đăng ký tham gia tập huấn trồng rau theo tiêu chuẩn GAP và 36 hộ tham gia mô hình trồng rau muống nước theo VietGAP. Hiện đã có 20 hộ được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với sản lượng có thể cung cấp cho thị trường khoảng 8 tấn/ngày.

“Công tác tập huấn, vận động tuyên truyền, hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật sản xuất đã góp phần vào nhận thức người tiêu dùng về sản xuất kinh doanh và tiêu thụ rau muống nước đảm bảo chất lượng VSATTP. Việc thành lập được một tổ hợp tác rau muống nước sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cũng giúp bà con an tâm hơn trong tổ chức sản xuất, vì còn có “đồng nghiệp” bên cạnh” - ông Đẹp giải thích.

Bà Nguyễn Thị Liễu Kiều – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cũng chia sẻ, để vùng rau muống nước VietGAP có thể phát triển tốt, việc tìm đầu ra là yếu tố tiên quyết. Đến nay, đã có 3 đơn vị thu mua với sản lượng khoảng 2.000kg/ngày, giá thu mua bình quân là 6.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các hợp đồng thu mua này cũng chỉ mới tiêu thụ được 20% sản lượng rau muống nước đã đạt VietGAP. Đó là chưa kể, giá bán giữa rau VietGAP và sản xuất thông thường chưa có sự khác biệt. Do đó, từ nay đến cuối năm, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM sẽ phối hợp Công ty chợ đầu mối Tân Xuân để có thể bố trí điểm bán rau VietGAP cho nông dân trong dự án. Đồng thời, sẽ thường xuyên kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, chất lượng sản phẩm rau muống nước. Qua kiểm tra, sẽ không cho các sản phẩm không an toàn và không đạt tiêu chuẩn tiêu thụ tại các chợ.