Cơn bão số 12 đi qua, hàng vạn người dân các tỉnh miền Trung rơi vào cảnh khốn khó: có người mất nhà cửa, có người tài sản. Cả đời gây dựng, nay mọi thứ đã trôi theo con sóng ra sông ra biển, phải lâm cảnh nợ nần… Sau bão lũ, bà con đang gồng mình khắc phục khó khăn, bắt đầu làm lại từ việc chăn nuôi, trồng trọt.
Không bị thiệt hại nhiều như các hộ nuôi thủy sản trong vùng, bà Nguyễn Bé Sáu, ngụ ở huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) cũng rơi vào cảnh trắng tay khi hệ thống chuồng trại nuôi heo của gia đình bị bão “đánh” sập. Trong khi đó, giá heo hơi hôm nay vẫn không có dấu hiệu gì cải thiện theo chiều hướng có lợi cho bà con nông dân.
Giá heo hơi hôm nay (10.11) cũng chỉ xoay quanh mức dưới 30.000 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, Bình Dương, Long An…, giá heo hơi hôm nay cũng đã giảm khoảng 2.000 – 4.000đồng/kg so với tháng trước, xuống còn 27.000 – 29.000 đồng/kg do nhu cầu giảm nhẹ.
Tuy nhiên, giá heo hơi của các doanh nghiệp lớn có phần cao hơn so với giá bán của bà con nông hộ nhỏ lẻ, “đứng” ở mức 33.000 – 35.000 đồng/kg so với mức dưới 30.000 đồng/kg của heo nông hộ.
Nguyên nhân, theo lý giải của một số thương lái thu mua heo, là vì các doanh nghiệp lớn có thể đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc khi xuất bán vào TP.HCM. Các doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn trong việc tham gia vào chuỗi cung cấp thịt heo có “đeo vòng” khi TP.HCM bắt đầu siết chặt quản lý thịt heo về TP hồi đầu tháng 10 vừa qua.
Ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, cũng thông tin, với đà này, chăn nuôi heo nông hộ nhỏ lẻ sẽ ngày càng khó khăn hơn. Tại Đồng Nai hiện tại, chăn nuôi tập trung cũng đang phát triển mạnh, quy mô chăn nuôi trang trại heo tăng đã từ 60% năm 2010 lên 75,2% năm 2017. Chăn nuôi gà trang trại cũng chiếm trên 80%.
Trong khi đó, Đồng Nai đang ưu tiên phát triển các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng chăn nuôi theo quy trình GAHP, xây dựng các đội sản xuất gắn với tiêu thụ, chăn nuôi đáp ứng thị trường tiêu dùng. Hiện tại tỉnh đã xây dựng được 3 chuỗi trứng gà, 4 chuỗi thịt gà trong đó sản phẩm thịt gà đã suất khẩu được sang thị trường Nhật Bản.
Các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tư nhân ở địa phương này cũng mạnh dạn đầu tư các chuỗi liên kết. Đã có 4 chuỗi liên kết tiêu thụ thịt heo tại các chợ trên địa bàn huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân lộc và thị xã Long Khánh. Hơn 700 trang trại, 21 nhóm GAHP thuộc 3 vùng dự án Lifsap đăng ký tham gia chuỗi thịt theo truy xuất nguồn gốc vào TP.HCM.
Đồng Nai sẽ thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo ngay tại tỉnh nhà.
“Để tiếp tục tác động giúp ngành chăn nuôi phát triển phù hợp với thị trường về giá thành và chất lượng, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai đã dự thảo nội dung và các giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi trong giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, đang xây dựng đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các chuỗi do doanh nghiệp thực hiện…”, ông Báu cho biết.
Ông Võ Trọng Thành - cán bộ dự án chuỗi thịt lợn VIP (Cục chăn nuôi, Bộ NNPTNT) cũng thừa nhận, quy mô chăn nuôi ngày càng tăng, số lượng trang trại quy mô lớn tăng lên. Đến 2027, dự báo sản lượng nuôi trong trang trại chiếm tỷ trọng trên 70% tổng đàn. Cùng với đó, các hộ chăn nuôi nhỏ sẽ giảm mạnh, mức giảm 5 - 7 %/năm. Đến năm 2027, sản lượng lợn nuôi trong nông hộ chỉ còn dưới 30%.
“Chăn nuôi lợn còn lại chủ yếu sẽ là cuộc chơi của những người chăn nuôi chuyên nghiệp, hiện đại và của các doanh nghiệp lớn. Khi chăn nuôi tích tụ với quy mô lớn hơn, ô nhiễm môi trường cũng tăng cao, nhiều trang trại sẽ phải ngưng hoạt động hoặc chuyển ra khu vực khác. Đây là thách thức lớn trong 10 năm tới với ngành chăn nuôi lợn”, ông Thành nhận định.
Trong khi đó, dự báo cung của những sản phẩm thủy sản, gia cầm, thịt bò sẽ tăng trong khi cầu thịt lợn sẽ dừng lại do thị hiếu và thói quen ẩm thực của người Việt thay đổi. Theo đó, nhu cầu thịt lợn nhiều năm qua tăng trưởng tương đồng với mức tăng của GDP cả nước, đạt bình quân 5,9%/năm trong giai đoạn 2010 – 2016. “Tuy nhiên, dự báo GDP của Việt Nam trong 10 năm tới chỉ đạt bình quân 4,5%. Dự báo nhu cầu thịt lợn cũng sẽ chỉ tăng khoảng 4,5% mà thôi!”, ông Thành nhận định. |