Dân Việt

Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp vẫn... teo tóp

Quốc Hải 08/11/2017 15:33 GMT+7
Doanh thu quý 3 năm 2017 của nhiều doanh nghiệp (DN) tăng trưởng mạnh mẽ với con số hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước...

Tại Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, mã CSM), trong quý 3.2017, dù doanh thu thuần tăng trưởng 11,5%, đạt 877,9 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm 2016.

img

Dù đạt hàng nghìn tỷ đồng doanh thu nhưng Casumina lại có lợi nhuận khá... teo tóp (Ảnh: IT)

Kết quả kinh doanh “đầu voi, đuôi chuột”

Với kết quả kinh doanh này, lũy kế 9 tháng đầu năm, CSM đạt 2.572 tỷ đồng doanh thu, tăng 12,9%, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế của DN này chỉ đạt 62 tỷ đồng, giảm 72,4% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả, công ty mới chỉ hoàn thành 18,3% kế hoạch lợi nhuận đã đặt ra sau 3 quý. Bước sang quý 4 này, dù dự kiến giá cao su thế giới sẽ không giảm, nhưng CSM cũng đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế khá khiêm tốn ở mức 15 tỷ đồng trong tổng số doanh thu dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng.

Cũng có kết quả kinh doanh khá “đầu voi, đuôi chuột” là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (mã TIS). Cụ thể,  trong quý 3.2017, doanh thu thuần hợp nhất của TIS đạt 2.882 tỷ đồng, tăng 59% so cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, giá vốn cũng tăng mạnh, chiếm 2.756 tỷ đồng nên lãi gộp giảm 18,6% xuống mức 126 tỷ đồng. Vì vậy, lãi ròng quý 3 của TIS chỉ đạt 4,8 tỷ đồng, giảm tới 89% so mức 44,5 tỷ đồng của cùng kỳ 2016.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của TIS đạt 7.192 tỷ đồng, lãi ròng đạt 78,5 tỷ đồng, giảm 62% so cùng kỳ và chỉ thực hiện được 36% kế hoạch năm.

Một “ông lớn” khác cũng có doanh thu tiền tỷ nhưng lợi nhuận khá... teo tóp là Tổng công ty Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí (mã PVC). Cụ thể, kết thúc quý 3.2017, doanh thu thuần của PVC đạt 1.073 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, tương ứng mức tăng 171 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ đi các loại chi phí, PVC chỉ ghi nhận lãi gần... 3 tỷ đồng sau thuế.

Dù vậy, mức tăng này nếu so với cùng kỳ những năm trước thì lại khá ấn tượng bởi đây là DN liên tục báo lỗ do giá dầu sụt giảm, riêng quý 3 năm 2016 thì PVC lỗ hơn 24 tỷ đồng.

Cũng thuộc họ dầu khí có kết quả kinh doanh quý 3 chật vật là Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (mã PVX). Theo báo cáo tài chính của DN này, doanh thu thuần trong quý đạt 780 tỷ đồng, giảm chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ, song lại lỗ ròng gần 33 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2016 lợi nhuận sau thuế đạt gần 121 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu hợp nhất của PVX đạt 2.502 tỷ đồng, bằng 1/3 cùng kỳ năm 2016 và lợi nhuận sau thuế hơn 32,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt gần 269 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đáng chú ý nhất trong kết quả kinh doanh của các DN trong quý 3.2017 lại là Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII). Theo đó, trong quý 3 này, CII công bố khoản lỗ gần 66 tỷ đồng, trái ngược với con số lợi nhuận 600 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận này, theo giải thích của CII là công ty đã không còn ghi nhận các khoản thu nhập bất thường từ việc chuyển nhượng cổ phần, ghi nhận lợi nhuận từ đánh giá lại tài sản...

img

Một số DN dầu khí vẫn nằm trong danh sách thua lỗ trong quý 3.2017 (Ảnh: IT)

Bị “vặt đầu, chặt đuôi” vì nợ vay?

Thực tế, bên cạnh nguyên nhân hàng loạt chi phí đầu vào tăng khiến lợi nhuận nhiều DN “teo tóp”, việc gánh chi phí lãi vay cao cũng khiến nhiều DN bị bào mòn lợi nhuận. Tại Công ty CP Công nghiệp Cao su Miền Nam, với kết quả kinh doanh kém, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Casumina đã ghi nhận âm 328 tỷ đồng trong 9 tháng. Trong khi đó, nợ vay của Casumina đến thời điểm 30.9 đã tăng thêm hơn 490 tỷ đồng so với đầu năm, lên gần 2.110 tỷ đồng, chiếm gần 55% tổng tài sản.

Với khoản nợ vay “khủng” này, không ngạc nhiên khi kết quả kinh doanh quý 3 mà CSM chỉ đạt 2,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Cũng "chật vật" không kém với các khoản nợ vay là Công ty CP Hùng Vương (mã HVG), kết thúc năm tài chính 2017 theo niên độ kế toán, Hùng Vương tiếp tục báo lỗ tới 132 tỷ đồng, gấp gần 3 lần số lỗ 49 tỷ đồng trong năm 2016. Đặc biệt, tính đến cuối quý 3.2017, dù đã rao bán hàng loạt khu đất tại TP.HCM nhưng Hùng Vương vẫn đang treo con số nợ lên đến 10.863 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm 7.016 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so mức 7.649 tỷ đồng của đầu kỳ, còn nợ vay dài hạn vẫn còn 888 tỷ đồng.

Được biết, với việc sử dụng nhiều khoản vay ngắn hạn của nhiều ngân hàng với mức lãi suất 5-7% một năm, tính riêng giai đoạn từ 2012 đến nay khoản nợ của Hùng Vương tăng thêm khoảng 9.500 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ gia tăng nợ này đã cao gấp nhiều lần so với mức tăng doanh thu, lợi nhuận và tổng tài sản.

Cụ thể, nếu tính từ năm 2013 đến nay, lợi nhuận gộp của HVG chỉ tăng từ 985 tỷ lên 1.350 tỷ đồng, nhưng chi phí lãi vay tăng gần gấp đôi từ 247 tỷ lên 470 tỷ đồng. Tính ra, chi phí lãi vay của HVG chiếm 35% lợi nhuận gộp, chưa kể các khoản chi phí khác.

Còn tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, theo giải trình của DN này, lợi nhuận quý 3 giảm mạnh do từ tháng 4.2017, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thoái vốn 1.000 tỷ đồng nên doanh thu tài chính giảm. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, đặc biệt từ tháng 7.2017 khi giá than điện tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước khiến lợi nhuận của TIS sụt giảm...