Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương cho rằng, phải nhanh chóng điều tra, khởi tố vụ mỹ phẩm 11 tỷ đồng? (Ảnh: TM)
Giả mạo nguồn gốc xuất xứ
Thưa ông, sự việc Đội quản lý thị trường số 6 bắt giữ được lô hàng mỹ phẩm nghi giả có giá trị lên tới 11 tỷ đồng của "quý bà" Nguyễn Thu Trang (TS Group), sau đó chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đang làm nóng dư luận những ngày qua. Ông đánh giá thế nào về vụ việc này?
- Tôi đã trao đổi với ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng Đội QLTT số 6 (Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội) và được biết: Lô mỹ phẩm này trị giá 11 tỷ đồng tính theo giá bán của công ty này, có khoảng 14.000 sản phẩm. Công ty này cũng chỉ hoạt động kinh doanh online nên theo quan điểm cá nhân, từ khi là cán bộ của ngành quản lý thị trường đến giờ, tôi thấy đây là lần đầu tiên ngành quản lý thị trường bắt giữ một vụ việc liên quan tới kinh doanh online lớn như thế.
Vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng với số lượng hàng hóa lớn, phương thức, thủ đoạn cũng mới và tinh vi. Phải nói, đây là một thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh chống hàng giả của cơ quan chức năng. Hiện tại, sau khi tham vấn cơ quan chức năng, cả Viện kiểm sát cũng nhận định vụ việc có dấu hiệu hình sự rõ ràng (giả xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa). Các sản phẩm bị thu giữ đều không có hóa đơn chứng từ, có các dụng cụ để dán nhãn mác hàng hóa…
"Tôi có hỏi bà Nguyễn Thu Trang thì bà ấy nói: “Công ty chỉ phân phối, không sản xuất hàng. Hàng do người khác giao tới”. Tuy nhiên, khi tôi hỏi nguồn hàng là ai thì bà Trang trả lời “không biết”. Đó là cách trả lời hết sức vô trách nhiệm và có phần coi thường cơ quan thực thi công vụ". |
Còn đại diện PC 46, Công an TP. Hà Nội cũng nhận định, vụ việc có nhiều dấu hiệu buôn bán, sản xuất hàng giả, cần xác định làm rõ sản phẩm này của ai, chất lượng như thế nào. Do đó, ngành Quản lý thị trường đã chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra nên tôi cũng đang theo dõi sát vụ việc này, chờ kết quả cuối cùng của cơ quan điều tra.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo ông vụ việc này có phải sản xuất kinh doanh hàng giả?
- Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc và với kinh nghiệm trong công tác đấu tranh chống hàng giả, đối chiếu văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước (Nghị định 185) tôi cho rằng, lô mỹ phẩm này là hàng giả về xuất xứ. Bởi với nhãn mác, bao bì đề Hàn Quốc, New Zealand nhưng ở tại hiện trường lại có tem, nhãn và dụng cụ dán tem nên cá nhân tôi cho rằng tem nhãn có thể đã được in ở Việt Nam. Nếu đúng vậy thì đây là hành vi giả mạo nguồn gốc xuất xứ.
Còn trong quá trình điều tra, nếu cơ quan chức năng chứng minh được Công ty TNHH thương mại và dịch vụ TS Việt Nam sử dụng các sản phẩm này để bán ra thị trường thì sẽ có thêm hành vi vừa sản xuất vừa kinh doanh hàng giả.
Ngày 31.10, tại Đội quản lý thị trường số 6, ông Trần Hùng đã có mặt trực tiếp hỏi bà Nguyễn Thu Trang về nguồn gốc lô mỹ phẩm giả trị giá 11 tỷ đồng (Ảnh: IT)
Việc sử dụng rất nhiều “chiêu trò” để bán hàng như mô hình kinh doanh đa cấp, đặc biệt là sử dụng cả những người nổi tiếng tham gia quảng bá cho sản phẩm của doanh nghiệp này đang khiến dư luận rất bức xúc. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
- Theo dõi loạt bài về vụ việc này trên Dân Việt và một số phương tiện truyền thông trong những ngày qua, tôi thấy báo chí đã phản ánh rất đầy đủ và rõ ràng các góc khuất trong vụ việc, như việc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ TS Việt Nam mời gọi nhiều người nổi tiếng như ca sỹ, người mẫu, diễn viên điện ảnh… quảng cáo cho sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm của mình. Mục đích của họ là đánh vào “lòng tin” của chị em phụ nữ, một chiêu trò rất mới của loại hình bán hàng đa cấp.
Cá nhân tôi thấy, qua vụ việc này, những người nổi tiếng cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm cho mình, khi quảng cáo sản phẩm cho một thương hiệu nào phải tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ. Vì nếu xảy ra vấn đề thì bản thân những người nổi tiếng cũng sẽ mất uy tín.
Có thể nói, phương thức bán hàng qua mạng thực tế không phải mới mẻ nhưng vụ việc này lại có những dấu hiệu cho thấy thủ đoạn rất tinh vi khiến cho công tác đấu tranh của các cơ quan chức năng gặp khó khăn. Chỉ trong thời gian ngắn, theo tôi biết doanh nghiệp này đã có 2.000 đại lý, trong khi Giám đốc công ty này nói chỉ mấy trăm đại lý nên vấn đề này cũng phải làm rõ, cơ quan quản lý thuế phải vào cuộc xem có dấu hiệu trốn thuế hay không? Nhất là các sản phẩm khi bán hàng qua mạng thường không có hóa đơn chứng từ.
Việc cơ quan quản lý thị trường phát h iện lô mỹ phẩm trị giá 11 tỷ đồng nghi giả nguồn gốc xuất xứ là vụ việc vi phạm về kinh doanh online lớn nhất từ trước tới nay (Ảnh: IT)
Mức độ đặc biệt nghiêm trọng
Liên tiếp trong thời gian qua đã có nhiều vụ kinh doanh hàng giả gây bức xúc cho người tiêu dùng, đặc biệt vừa qua là vụ Khaisilk bán khăn lụa Made in China. Nếu so vụ Khaisilk với vụ mỹ phẩm 11 tỷ đồng này, ông thấy mức độ vụ nào nghiêm trọng hơn?
- Bản chất của vụ Khaisilk và vụ mỹ phẩm trị giá 11 tỷ đồng này cùng một mục đích là trục lợi từ người tiêu dùng nhưng mức độ của vụ mỹ phẩm 11 tỷ này tôi thấy nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bởi nếu mỹ phẩm giả được làm ra mà độc hại, rồi được sử dụng tràn lan thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người sử dụng. Và tôi cho đó là tội ác.
Khi làm việc với cơ quan chức năng (chiều 31.10), tôi có hỏi bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc công ty TS Việt Nam thì bà ấy nói: “Công ty chỉ phân phối, không sản xuất hàng. Hàng do người khác giao tới”. Tuy nhiên, khi tôi hỏi nguồn hàng là ai thì bà Trang trả lời “không biết”. Đó là cách trả lời hết sức vô trách nhiệm và có phần coi thường cơ quan thực thi công vụ.
Với kinh nghiệm đã từng chỉ đạo, kiểm tra cùng các lực lượng chức năng bắt giữ nhiều vụ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả, tôi nhận thấy vụ việc này còn nghiêm trọng hơn rất nhiều vụ tương tự trước đó là Công ty TNHH thương mại Slim HMN Việt Nam (Công ty Slim HMN Việt Nam) có địa chỉ tại Thanh Trì, Hà Nội làm giả thực phẩm chức năng với số lượng nhỏ hơn. Nhưng với vụ việc đó, cũng đã có 3 đối tượng bị bắt và bị khởi tố.
Thậm chí, nếu là hàng giả mà lại còn tiêu thụ ra thị trường 2 năm nay thì là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng. Cá nhân tôi cho rằng, cần phải sớm điều tra, mở rộng vụ án và khởi tố vụ việc, khởi tố bị can trong vụ việc này.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khẳng định, doanh nghiệp này đến nay mới chỉ có 4 sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) được cấp phép. Tuy nhiên, có sản phẩm TPCN được doanh nghiệp này quảng cáo là ngừa được ung thư. Ông có đánh giá gì về loại TPCN này?
Nhiều sao Việt đã lý giải khi quảng cáo cho doanh nghiệp này đã được cấp chứng nhận của Bộ Y tế. (Ảnh: IT)
- Nếu đúng giấy phép của Cục ATTP cấp phép và ghi rõ cho doanh nghiệp này quảng cáo đây là nước uống ngăn ngừa ung thư thì theo cá nhân tôi phải xem lại việc cấp phép này. Vì không phải thuốc chữa bệnh nhưng lại quảng cáo quá mức, TPCN mà như “thần dược”, có ý định lừa dối người tiêu dùng. Mặt khác, để dễ bán hàng, doanh nghiệp này còn thuê mỗi sản phẩm chọn một người nổi tiếng làm đại sứ thì đây là một chiêu trò hết sức tinh vi để đánh lừa người tiêu dùng.
"Nhìn lại các vụ điển hình gây bức xúc nhất hiện nay là đều liên quan tới gắn nhãn mác giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa như vụ phân bón Thuận Phong là made in USA; Thuốc VN Pharma là made In Canada; Khăn lụa Khaisilk made in China và vụ việc mỹ phẩm made in Hàn Quốc, New Zelaend bị bắt tại Hà Đông vừa qua", ông Trần Hùng nói. |
Thậm chí, doanh nghiệp này còn dùng hình thức xây dựng “mạng lưới” và chiết khấu % cho đại lý rất cao. Không có sản phẩm gì tốt mà lại có thể chiết khấu tới 40% hoa hồng, theo nhiều ý kiến hiểu biết đánh giá thì chỉ có hàng giả, hàng nhái tạo nên lợi nhuận lớn đến như vậy. Các đại lý thì hám lời, thậm chí có thể biết nhưng vẫn làm ngơ, tiếp tay cho DN lừa người tiêu dùng.
Với những phương thức mới, thủ đoạn mới của dạng bán hàng đa cấp online, theo ông cần có giải pháp gì để kiếm soát tốt hơn vấn đề này?
- Theo tôi, vụ việc này phải được coi là vụ điển hình và cần sớm khởi tố vụ việc, khởi tố bị can, mở rộng điều tra, làm rõ các sai phạm và xử lý thật nghiêm minh, từ đó sẽ góp phần răn đe những kẻ có ý định làm ăn gian dối.
Qua vụ việc này, có lẽ lực lượng “chủ công” là quản lý thị trường phải nhanh chóng khẩn trương tổ chức với các đơn vị có liên quan triển khai đợt tổng kiểm tra toàn bộ những doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đặc biệt cần chú trọng tới các mặt hàng ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe vật nuôi cây trồng và sức khỏe con người như thuốc thú y, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng…
Nếu tiếp tục để các sản phẩm này bị làm giả, làm nhái, kém chất lượng sẽ phá hoại nghiêm trọng trật tự quản lý của nhà nước, ảnh hưởng tới đời sống của người dân và các vấn đề an sinh xã hội. Do đó, cần phải xử lý nghiêm hiện tượng “lợi ích nhóm”, bao che, dung túng, buông lỏng quản lý, tiếp tay cho hành vi sản xuất hàng giả. Đồng thời, cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu những nơi để xảy ra sai phạm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!