Dân Việt

LẠ MÀ HAY: Nuôi đàn con kêu ri ri, liên tù tì thu 15 triệu/tháng

Văn Long 13/11/2017 06:30 GMT+7
"Cả ngày cả đêm, đàn dế kêu ri ri, rỉ rả, tuy vất vả mà tôi cực vui bởi có công việc làm và có thu nhập đều đều...", ông Nguyễn Văn Hiển, ngụ thôn 2, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) thổ lộ. Với 22 ô chuồng nuôi dế-con kêu ri ri mà gia đình ông Hiển "liên tù tì" thu về 15 triệu đồng/tháng.

Nuôi dế...đón khách du lịch

Là người đầu tiên nuôi dế thương phẩm ở Lâm Hà, đến nay trang trại dế của ông Nguyễn Văn Hiển đã hoạt động được hơn 8 năm. Theo ông Nguyễn Văn Hiển, đấy cũng là 8 năm trời ông quen với tiếng kêu ri ri của đàn dế. Tuy có vất vả, nhưng cực kỳ vui bởi đó vừa là lao động, vừa là thú vui lại mang về thu nhập không hề nhỏ. 

Theo ông Hiển, nuôi dế là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra vài năm trở lại đây rất ổn định, công việc đơn giản, nhẹ nhàng. Trước đây con trai ông là  Nguyễn Quang Huy, người mở đầu công việc này, vì không muốn gò bó, Huy ngừng theo học tại trường Đại học Đà Lạt, về nhà nuôi dế với mong muốn làm giàu.

Đến nay, Huy đã lập gia đình và để trang trại dế cho bố quản lý. Nhận được sự hỗ trợ từ con trai và vợ, ông Hiển đã nâng cấp, hoàn thiện trang trại dế của mình để đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, ông còn mở cửa đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan theo mô hình du lịch cộng đồng.

Khi vào trang trại khách du lịch sẽ được thưởng thức món dế chiên giòn, trà thảo mộc và thử rượu do chính gia đình nấu hoàn toàn miễn phí. Với giá 5.000 đồng/người/lượt, du khách được trải nghiệm quy trình nuôi dế cũng như tự tay cho dế ăn và uống nước.

img

Ông Nguyễn Văn Hiển kiểm tra lại ô dế trưởng thành, chuẩn bị sơ chế để giao cho các quán nhậu và khách hàng.

Với 22 ô nuôi dế, mỗi ô từ 4-6 m2, ông Hiển nuôi dế theo kiểu “cuốn chiếu”. Trong trại dế của ông Hiển luôn có 5 ô nuôi dế nhỏ và dế nhỡ, 10 ô nuôi dế trưởng thành và 6 ô nuôi đế mẹ đẻ trứng.

Ông Hiển tiết lộ, mỗi ô nuôi dế trưởng thành cho thu từ 7 - 10 kg, loại dế này hiện nay chủ yếu cung cấp cho các quán nhậu bình dân, khách đi câu, hộ nuôi chim và các hồ câu cá giải trí. Với giá từ 200 – 300 nghìn đồng/kg tùy từng thời điểm, hàng tháng ông Hiển bán bình quân trên 50kg dế thương phẩm, thu lãi khoảng 15 triệu đồng.

Thất bại nhưng không nản

Ông Hiển trầm giọng kể lại: “Ba năm đầu tôi cùng con trai nuôi đàn dế nhưng thường bị chết. Nhiều hôm sáng dậy thấy dế chết như ngả rạ mà xót xa, nhưng vì cháu đam mê mà tôi cũng mê tiếng dế nên quyết tâm vực lại.”

Vì mới nuôi, kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chưa nắm vững, gia đình ông Hiển gặp cảnh thua lỗ, nợ nần. Ba năm đã khiến ông rút ra nhiều bài học xương máu, ông chia sẻ: “Loại dế này giống như con tằm, nó rất sạch nên không gian chuồng trại cần khô ráo, thoáng mát. Đặc biệt, không được để loại thuốc diệt kiến, diệt muỗi hay diệt bất kỳ côn trùng nào lại gần, nếu dế ngửi phải coi như mất trắng...”, ông Hiển tiết lộ.

Vì thức ăn chủ yếu của đàn dế là cỏ Mỹ (loại cỏ cho bò sữa ăn) và cám ngô nên chi phí nuôi dế khá thấp. Khi cho dế ăn phải cho vừa đủ, nếu thừa khi dế uống nước, cám sẽ bị mốc gây bệnh. Loại lá để ủ ấm chuồng dế ông Hiển thường dùng lá chuối khô, nhưng tốt nhất vẫn là lá nhãn hoặc lá vải, vì loại lá này khi khô vẫn không rụng, là điền kiện tốt để dế trú ẩn...

img

Ông Nguyễn Văn Hiển đang cho dế ăn sáng. Thức ăn chủ yếu của dế là cỏ Mỹ và cám ngô nên chi phí thấp, lợi nhuận cao. 

Theo ông Hiển, dế nuôi trong 60 ngày sẽ lột xác 2 lần, lần thứ 2 xong dế sẽ đẻ trứng, dế đẻ trong 15 ngày sẽ tự chết, vì vậy ông Hiển chỉ cho đẻ trứng trong 7 ngày sau đó chuyển qua làm dế thương phẩm.

Cách sơ chế dế thương phẩm cũng khá đơn giản, nhưng sạch sẽ, giữ được trọng lượng ban đầu. Khi dế đủ lớn, chủ trại sẽ cắt thức ăn trong 2 ngày, tiếp theo toàn bộ dế trưởng thành sẽ được cho vào nước lạnh ngâm, sau đó đem “sôi” (hấp) chín rồi để nguội,  bước cuối cùng là đông lạnh.

Ông Hiển còn dùng loại dế mẹ đang đẻ trứng để ngâm với rượu do chính gia đình nấu. Loại rượu này theo đông y có tác dụng trị đau nhức, thông huyết, sỏi niệu, lợi tiểu...Hiện, gia đình ông Nguyễn Văn Hiển đang xây dựng thương hiệu trại dế Thiện An với cái nghĩa là làm ăn lương thiện, sản xuất ra sản phẩm an toàn...