Dân Việt

Hiểu "4 chữ vàng", nuôi cá lồng năng suất tăng 10-20 lần so với nuôi ao

Thiên Long 11/11/2017 13:00 GMT+7
Đó là đánh giá của ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại hội thảo tổng kết nhân rộng mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc năm 2017, tổ chức sáng 9.11 ở Hòa Bình.

Phát biểu tại hội thảo, ông Kim Văn Tiêu khẳng định: “Hiệu quả nuôi cá lồng bè rất rõ, đã được thể hiện 3 lợi ích: Dễ nuôi, dễ chăm sóc, dễ thu hoạch... Đặc biệt, nuôi cá lồng đáp ứng được an toàn thực phẩm. Riêng năng suất nuôi cá lồng cao gấp 10 - 20 lần so với nuôi ao, hồ”.

Cần đánh thức nghề nuôi cá lồng

img

Nuôi cá lồng trên hồ Na Hang (huyện Na Hang, Tuyên Quang).  Ảnh: Xuân Trường

"Về đầu ra cho cá nuôi, tôi thấy không khó lắm, hiện nay tôi đã kết nối với nhà hàng ở tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng để tiêu thụ sản phẩm. Nhận thấy cá lăng nuôi tốt nên tôi tiếp tục đặt hàng con giống để thả gối cho vụ sau”.

Nông dân Hoàng Văn Hợp

Nghề nuôi cá lồng bè trên hồ chứa tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã bắt đầu nuôi từ những năm 90 của thế kỷ 20. Do trình độ kỹ thuật còn hạn chế, các hộ nuôi chủ yếu sử dụng các vật liệu sẵn có như tre, gỗ và đối tượng nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, cá chép, cá trôi nhưng không hiệu quả nên đã không phát triển.

Trước năm 2012 các hồ chứa chủ yếu sử dụng để chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, người dân sống xung quanh chủ yếu là khai thác cá tự nhiên. Từ năm 2013 đến nay, khi các chương trình, dự án triển khai, các mô hình nuôi cá lồng hồ chứa đã đem lại hiệu quả rất cao nên diện tích lồng bè tại các hồ chứa tăng liên tục theo các năm.

Cụ thể sau 3 năm triển khai dự án, đến nay số lượng lồng nuôi tại các tỉnh đã tăng lên rất nhanh: Năm 2012 là 3.079 lồng, đến hết năm 2017 đã đạt 18.761 lồng (trung bình mỗi lồng có thể tích từ 50-120m3). Các mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa đã tạo ra sản phẩm thủy sản sạch, an toàn phục vụ cho nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

img

Các nông dân nuôi cá lồng tham dự hội nghị sáng 9.11.  Ảnh: T.L

Nhằm phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bộ NNPTNT đã phê duyệt dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc” giai đoạn 2017-2019. Dự án được triển khai tại 7 tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hòa Bình. Dự án tập trung chủ yếu vào 4 nội dung: Xây dựng mô hình trình diễn;  đào tạo nhân rộng ngoài mô hình; thông tin tuyên truyền; quản lý dự án.

Dự án được thực hiện và nhân rộng sẽ là những bước tiếp theo để đẩy mạnh nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa tại vùng miền núi phía Bắc phát triển. Đồng thời, giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, thay đổi cơ cấu sản xuất, hạn chế phá rừng, giảm các tệ nạn xã hội, cải thiện đời sống cho người dân khu vực biên giới; góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo ra sản phẩm có giá trị tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

“Học, hỏi, hiểu và hành”

Ông Kim Văn Tiêu đề nghị với các nông dân đến dự hội nghị: “Bà con cần ta thực hiện 4 chữ vàng đó là học, hỏi, hiểu, sau đó mới hành. Không biết thì phải hỏi, muốn giỏi thì phải học. Đối với các chuyên gia, các cán bộ tư vấn cũng thực hiện tiếp 4 chữ đó là hỏi gì, đáp đấy trả lời ngắn gọn để cho bà con biết và về áp dụng vào thực tế".

Nông dân Hoàng Văn Hợp (xã Bế Triều, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng), người lựa chọn mô hình nuôi cá lăng trong lồng bè do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện, chia sẻ: “Cá lăng sống ở tầng đấy, ban đêm mới ngoi lên mặt nước để ăn nên khi đi nuôi cũng vất vả. Mặt khác, thì vệ sinh lồng nuôi đối với cá lăng cũng là một vấn đề. Tôi thường xuyên quan sát thấy lưới ở lồng cá rô phi nuôi rất sạch do cá lúc nào cũng rỉa lồng để tìm thức ăn, cho nên tôi đã thả 100 con cá rô phi vào lồng cá lăng để nó giúp vệ sinh lồng nuôi. Dần dần ban ngày khi chăn cá rô phi thì cá lăng cũng ngoi lên để ăn cùng nên thấy cá lớn nhanh hơn”.

Để phòng dịch bệnh, anh Hợp giã nhỏ tỏi và mỗi tháng dùng 3 lần, mỗi lần treo 3 ngày liên tục ở các góc lồng. Sử dụng men vi sinh mà dự án hỗ trợ hòa vào thức ăn. Chính vì vậy, trong suốt quá trình nuôi, anh không phải sử dụng thuốc kháng sinh để trị bệnh cho cá. Về đầu ra, tôi thấy không khó lắm, hiện nay tôi đã kết nối với nhà hàng ở tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng để tiêu thụ sản phẩm.

“Nhận thấy cá lăng nuôi tốt nên tôi tiếp tục đặt hàng con giống để thả gối cho vụ sau. Tôi rất cảm ơn Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ cho gia đình tôi được tăng thêm thu nhập” - anh Hợp cho biết thêm.

Đánh giá cao mô hình nuôi của nông dân Hoàng Văn Hợp, ông Kim Văn Tiêu nhấn mạnh thêm: Hộ nông dân nào muốn mô hình nuôi cá lồng bè có hiệu quả, trước hết nên đến thm quan, học hỏi những mô hình đã thành công; bắt đầu làm dần dần, từ nhỏ đến lớn; có sổ sách ghi chép từng ngày cá ăn gì, bị bệnh gì, cách khắc phục... thì mới thành công được.