Đông trùng hạ thảo là tên gọi của một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps sinensis với ấu trùng của một loài côn trùng thuộc chi Hepoalus. Trong đông trùng hạ thảo có 17 axít amin khác nhau, các nguyên tố vi lượng như: nhôm, kẽm, kali… và nhiều loại vitamin như: B12, A; C, B2 (riboflavin), E, K…Các hợp chất này có tác dụng bồi bổ, phục hồi các hư tổn trong cơ thể con người.
Từ sự tình cờ của thầy giáo thể dục
Không phải là con nhà nòi làm nông nghiệp, nhưng ngành nghiên cứu nuôi cấy nấm đã có sức hút mãnh liệt với chàng giảng viên bộ môn Giáo dục thể chất Vũ Ngọc Thành. Anh Vũ Ngọc Thành công tác tại Trường CĐ Y Quảng Ninh. Một lần tình cờ xem chương trình trên truyền hình, anh thấy nhiều thông tin thú vị cũng như công dụng đặc biệt của loại dược liệu đông trùng hạ thảo. Từ sự tò mò rồi thành đam mê, anh Thành mày mò nghiên cứu, tìm tòi và quyết định chọn nuôi cấy đông trùng hạ thảo là “nghề tay trái” sau những giờ giảng dạy...
Ngoài giờ giảng dạy và các hoạt động của Đoàn trường, hầu hết thời gia anh Vũ Ngọc Thành dành cho việc nghiên cứu nuôi cấy đông trùng hạ thảo.
“Ban đầu khi trình bày ý tưởng trồng đông trùng hạ thảo, hầu hết người thân trong gia đình đều cho rằng là vô bổ và lãng phí thời gian, tiền bạc. Vì đông trùng hạ thảo là một loại nấm quý trong tự nhiên nên rất khó để nuôi cấy. Nếu có nuôi cấy thì khó có đủ khả năng. Cho dù có 1% thành công thì tôi cũng thử, không thành công thì cũng thành nhân, nếu không mạnh dạn làm thì sao biết được...", anh Thành bộc bạch.
Đông trùng hạ thảo do anh Vũ Ngọc Thành nuôi cấy thành công được đánh giá có dược tính cao.
Nói là làm, năm 2014 anh Thành quyết tâm bắt tay vào nghiên cứu để nuôi cấy loại dược liệu quý này. Anh chia sẻ: "Ban đầu mới làm khó khăn nhiều và thất bại cũng nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi nảy sinh suy nghĩ sẽ từ bỏ. Hỏng mẻ này tôi lại tiến hành thử nghiệm mẻ khác trên cơ sở những kinh nghiệm đúc rút và học hỏi thêm từ tài liệu, từ những người đi trước...".
Sản phẩm đông trùng hạ thảo do anh Thành tạo ra được sấy khô và đóng gói mang thương hiệu Bảo Khang.
Không phụ sự kiên trì, mày mò nghiên cứu và cố gắng của anh Thành, đầu năm 2017 mẻ nấm đông trùng hạ thảo đầu tiên đã thành công. “Khi những chồi nấm đầu tiên nhô lên, màu vàng vàng là tôi tin rằng mình đã thành công bước đầu”, anh kể. Những sợi nấm đông trùng hạ thảo đầu tiên anh thu hoạch được đưa lên Trung tâm kiểm nghiệm Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam phân tích và cho kết quả sản phẩm đông trùng hạ thảo của anh tạo ra có dược tính gần tương đương trong tự nhiên.
Bình quân thu 2,1 tỷ đồng/tháng
Là một loại nấm sống ký sinh trên côn trùng, nên anh Vũ Ngọc Thành đã nghiên cứu và chọn nhộng tằm làm giá thể để nuôi cấy. Đồng thời, anh còn chọn giá thể là dịch lỏng được pha chế từ gạo lức, ngô, khoai tây…sau đó cấy giống nấm trên giá thể. Bộ phận dùng được đối với đông trùng hạ thảo nuôi trồng là sợi nấm. Phải áp dụng đúng quy trình trồng cấy một cách nghiêm ngặt mới thu được sản phẩm có giá trị dược tính.
Những chồi nấm đông trùng hạ thảo đang mọc lên từ giá thể là những con nhộng tằm.
Anh Thành cho biết: Để đảm bảo chất lượng của đông trùng hạ thảo, điều kiện nuôi cấy luôn phải đảm bảo về nhiệt độ và độ ẩm, ánh sáng như các giai đoạn của thời tiết trên độ cao hàng nghìn mét. Cụ thể, khi ủ phải duy trì nhiệt độ phòng từ 25 độ C độ ẩm 85%, giữ tối cho đến khi sợi nấm lan đều và phủ kín bề mặt. Tiếp theo chuyển sang xử lý tại phòng kín có nhiệt độ từ 18 -23 độ C, độ ẩm 85% và chiếu sáng cho đến khi bề mặt xuất hiện các chồi nấm màu vàng. Sau đó chuyển sang phòng nuôi đảm bảo nhiệt độ ổn định từ 18 – 22 độ C độ ẩm 85%, chiếu sáng 12-14 giờ/ngày cho đến khi thu hoạch.
Những mẻ nấm đông trùng hạ thảo anh Thành nuôi cấy đều được kiểm tra nghiêm ngặt về độ ẩm và ánh sáng để có được những sản phẩm có dược tính cao nhất.
Sau 3 năm nghiên cứu với nhiều những thất bại, hiện tại cứ sau 3 tháng nuôi cấy, anh Vũ Ngọc Thành lại thu hoach thêm những mẻ đông trùng hạ thảo mới. Cơ sở đông trùng hạ thảo Bảo Khang của gia đình anh cung cấp cho thị trường khoảng 30kg nấm đông trùng hạ thảo khô/tháng với giá bán 70- 90 triệu đồng/kg khô (bình quân 2,1 tỷ/tháng). Anh cho biết, khách hàng sử dụng sản phẩm của anh chủ yếu là người thân và bạn bè quen biết.
Anh mong nuốn sản phẩm ĐTHT Bảo Khang sẽ đến gần hơn với người tiêu dùng.
Hiện tại anh Vũ Ngọc Thành đang có mong muốn và cố gắng đưa sản phẩm của mình vào xếp hạng các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh. Anh hy vọng sản phẩm của mình sẽ được nhiều người biết đến hơn sẽ trở thành sản phẩm được khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm mỗi khi tới Hạ Long. “Nhu cầu sử dụng đông trùng hạ thảo hiện nay rất nhiều nhưng đa số là sản phẩm khô, chất lượng cũng như dược tính đã giảm đi nhiều. Do đó nếu phát triển thêm được nhiều cơ sở nuôi cấy thì sẽ có thêm nhiều sản phẩm tươi cho người dùng”, anh Thành chia sẻ thêm.
Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) là một loại nấm sống ký sinh trên côn trùng, trên các vùng núi cao so với mực nước biển ở Himalaya, Tây Tạng, Vân Nam, Cam Túc... Có trên 600 loài ĐTHT nhưng được biết đến nhiều nhất là Cordyceps Sinensis và Cordyceps Militaris, trong đó Cordyceps Militaris có tính năng vượt trội về dược chất có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, ĐTHT trong thiên nhiên ngày càng cạn kiệt do khai thác quá nhiều và số lượng không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nên giá thành rất cao. Một số tác dụng của ĐTHT được nhiều người biết đến như: hỗ trợ điều trị ung thư, hỗ trợ cho bệnh nhân điều trị xạ trị; bảo vệ thận, chống lại sự suy thoái thận, phục hồi tế bào thận; hỗ trợ miễn dịch cho cơ thể, chống viêm nhiễm, kháng viêm; điều tiết đường huyết, kiểm soát bệnh tiểu đường; bảo vệ phổi, trị các bệnh về phổi, trừ đờm, hen suyễn, suy hô hấp, trị các chứng ho lâu ngày; tăng cường sinh lý, hỗ trợ điều trị vô sinh... |