Dân Việt

Nghịch lý: Tốn tiền tỷ, hàng loạt công trình nước sạch bị bỏ hoang

Lê Kiến 13/11/2017 09:32 GMT+7
Hàng trăm công trình nước sạch nông thôn ở Bắc Tây Nguyên lần lượt “đắp chiếu” sau khi được đưa vào sử dụng ít lâu.

Đắp chiếu vì “sử dụng chùa”

Tình trạng nhiều công trình (CT) nước sạch nông thôn ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum lần lượt “đắp chiếu” đã trở nên báo động. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Kon Tum, toàn tỉnh có 360 CT thì đã có đến 81 CT không hoạt động, 59 CT kém hiệu quả. Tỉnh Gia Lai có 313 CT, trong đó ngừng hoạt động là 85 và kém hiệu quả 41 CT.

Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó chính yếu nhất là do “người dân không đóng tiền điện, nước” nên không có tiền để duy trì việc quản lý, duy tu sửa chữa.

img

Công trình nước 1,5 tỷ đồng ở xã Chư Drăng thành chuồng nhốt gai súc

Như CT nước sinh hoạt ở buôn Liêng (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, Gia Lai) ở trong cảnh hoang tàn, cỏ mọc um tùm. Trong khuôn viên càng tồi tệ hơn, người dân tận dụng chỗ kín cổng cao tường này làm chuồng nuôi nhốt dê, heo… mùi xú uế, phân gia súc nồng nặc. It ai nghĩ đây là CT trị giá 1,5 tỷ đồng được đưa vào sử dụng chưa tới 5 năm đã thành chuồng nhốt gia súc.

Ông Ksor Phí - Trưởng thôn buôn Liêng cho biết, CT đưa vào sử dụng năm 2009, đến năm 2013 thì bỏ hoang đến bây giờ. Nguyên nhân không sử dụng là do thiết bị hư hỏng, dân không có tiền đóng điện. Từ lúc máy bơm nước bỏ hoang, những hộ không có nước thì đi lấy nước mạch ở suối về dùng hoặc dùng chung với những hộ có giếng nước.

Theo ông Nay Hem - Chủ tịch UBND xã Chư Drăng trong 4 CT cấp nước ở xã không hoạt động từ nhiều năm nay, có cái do dân không nộp tiền điện nên bị cắt điện, có cái thì xây bên nghĩa địa, có nơi do nước nhiễm phèn. Khi CT không còn vận hành nữa thì sinh hoạt hàng ngày của dân khó khăn hơn trước rất nhiều, phải đi xin nước hoặc đào giếng tốn kém, có hộ đi lấy nước rất xa. 

Cùng tình cảnh như ở Gia Lai, nhiều khu vực nông thôn ở Kon Tum cũng sống khổ vì CT nước “đắp chiếu”. Tại thôn Ba Gốc (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy), 7 bể nước sạch tự chảy đã nhiều năm không hoạt động. Hiện trạng các bể nước không còn nguyên vẹn, người dân tận dụng dựng chuồng gà, phơi lúa. 

img

Công trinh xây xong liền khai tử vì gần khu nhà mồ

 Ông Đặng Trần Huân – Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh mô trường nông thôn tỉnh Kon Tum chia sẻ: "Các CT bị tê liệt là do nhiều yếu tố như việc quản lý vận hành của các tổ ở cơ sở chưa làm hết trách nhiệm, năng lực còn hạn chế; có CT đã lâu nên xuống cấp, phần do thiên tai. Tuy nhiên, điểm chính là ý thức của người dân còn thấp, dân không đóng tiền để sử dụng nước".

Không tiền sửa chữa?!

Theo Sở NN&PTNT Kon Tum, các CT cấp nước hư hỏng cần tu sửa, nâng cấp là 147 CT, kinh phí dự kiến gần 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 32 CT cần xây dựng mới với tổng kinh phí hơn 34 tỷ đồng. Tuy nhiên, UBND tỉnh lại đề nghị: “Ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí địa phương, kinh phí hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức hợp pháp... để sửa chữa đối với các CT xuống cấp, hư hỏng”.

Theo ông Đặng Trần Huân: Đối với những CT hư hỏng nặng, Trung tâm cũng đã có đề xuất thanh lý 49 cái. Vấn đề nan giải ở đây là nguồn kinh phí sửa chữa, vận hành rất eo hẹp, ngay cả CT do Trung tâm quản lý vẫn còn nợ lương công nhân. Việc kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư cũng đã thực hiện, tuy nhiên có doanh nghiệp xuống cơ sở xem xét rồi đi luôn.

img

Bể nước ở làng Ba Gốc, xã Sa Sơn được người dân tận dụng phơi lúa

Theo ông Nguyễn Chúc – Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Gia Lai, để các CT này hoạt động trở lại, bài toán quan trọng nhất là tiền sửa chữa nhưng đến nay không giải được. Huyện không có kinh phí nên trình lên cấp trên, trong khi tỉnh lại có quyết định phân cấp “đá quả bóng này” về địa phương, yêu cầu các địa phương thu không đủ bù chi thì phải bỏ tiền ra sửa. Hiện toàn tỉnh đang đề xuất thanh lý 38 CT, sửa chữa 53 CT nhưng chưa có tiền sửa.

“Để duy trì hoạt động bền vững thì cần phải giao trách nhiệm cho cấp xã, xã giao các tổ quản lý. Tuy nhiên, nhiều nơi không thu được tiền điện, nước nên không có kinh phí duy trì”, ông Chúc nói.