Theo ông Đoàn Trung Ngọc (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) – một nông dân trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu sang châu Âu nhiều năm qua, bệnh nấm “tắc kè” đã xuất hiện trên gần 8ha thanh long nhà ông.
Cắt sạch, đốt sạch
Ông Đoàn Trung Ngọc bên trụ thanh long bị nấm “tắc kè” gây chết rũ. Ảnh: T.T.Đ
“Các “tay” thanh long bị bệnh nấm sau khi cắt xong nông dân lại vứt lung tung trong vườn, xuống kênh thoát nước nên bệnh cứ lây lan, kéo dài. Thêm vào đó, trong quá trình thâm canh, nông dân bón phân dư thừa nên cây dễ bị nhiễm bệnh. Còn các loại thuốc sinh học hiện nay quả thật chưa cho thấy công hiệu với loại nấm này” - ông Thiện cho biết. |
Thật khó hình dung một trang trại thanh long xuất khẩu đang xanh um và cho trái, sau thời gian nhiễm bệnh nấm “tắc kè” giờ xơ xác. Từng trụ thanh long sau khi bị bệnh trơ lại những “tay” thanh long lở loét, rũ rượi.
Nhiều tháng nay, nhân công trang trại thanh long này hàng ngày phải đi tìm và cắt hết những “tay” thanh long bị nhiễm bệnh nấm “tắc kè” rồi chất thành đống. “Ngày nào chúng tôi cũng đi sục sạo trong trang trại tìm “tay” thanh long nhiễm bệnh để cắt bỏ. Rất nhiều “tay” thanh long đang xanh tốt, chuẩn bị cho trái thì bệnh xuất hiện nên đành phải cắt bỏ” - một nhân công cho biết.
Vấn đề là thời điểm này trang trại đang chuẩn bị trái cho chính vụ xuất khẩu thanh long mùa Tết Nguyên đán 2018. “Thời gian qua, các doanh nghiệp hối thúc xuất hàng đi nhưng làm gì có thanh long mà xuất. Tôi thà thoái thác xuất hàng chứ không xuất hàng không đạt chất lượng” - ông Ngọc thổ lộ.
Hiện ông Ngọc cho nhân công xông đèn và hy vọng những “tay” thanh long không nhiễm bệnh sẽ cho trái đúng chất lượng vào mùa tết. “Những năm qua, vào mỗi mùa tết, tôi xuất được khoảng 50 tấn thanh long sang thị trường châu Âu. Nhưng mùa Tết năm nay, với bệnh “tắc kè” đang tàn phá vườn thanh long, số lượng xuất hàng sẽ giảm đi đáng kể” - ông Ngọc tính.
Bệnh phát triển lan rộng ra, liên kết nhau thành từng mảng lớn làm sần sùi bề mặt cành. Nặng hơn, bệnh có thể gây thối từng mảng lớn. Ảnh Sofri
Trong khi đó, tại HTX nông nghiệp Vạn Thành (Châu Thành, Long An) – đơn vị chuyên xuất thanh long đi Nhật, theo ông Nguyễn Vạn Thành – Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, khoảng 30% diện tích thanh long của HTX (khoảng 30ha) đang bị nhiễm bệnh nấm “tắc kè”. “Các thành viên HTX có diện tích thanh long bị nấm “tắc kè” đang cho cắt “tay” để tránh lây lan, cũng như đang tìm loại thuốc sinh học để khống chế bệnh cho thanh long nhưng nhìn chung là không hiệu quả” - ông Thành thổ lộ.
Sống chung với bệnh
Theo ông Ngọc, với tình hình hiện nay các nhà vườn làm thanh long sạch nên chuẩn bị tâm lý sống chung với bệnh nấm “tắc kè”. Bởi lẽ, nếu trồng thanh long bình thường thì còn có kháng sinh khống chế bệnh, nhưng làm thanh long sạch thì chỉ được phép dùng thuốc sinh học để tránh kháng sinh trong trái thanh long khi xuất khẩu. Mà thuốc sinh học thì có phun cũng vô hại với nấm “tắc kè”.
“Hai năm nay, từ khi bệnh nấm “tắc kè” xảy ra trên cây thanh long ở Đồng Nai, tôi đã thử nhiều loại thuốc sinh học nhằm ngăn chặn bệnh cho vườn thanh long sạch của mình nhưng vô phương” - ông Ngọc cho hay.
Tình cảnh này cũng xảy ra tại HTX nông nghiệp Vạn Thành. Thậm chí mới đây, ông Thành phải nhập một loại thuốc sinh học do Mỹ sản xuất để phun xịt trên cây thanh long trừ nấm “tắc kè”, nhưng 3 tháng nay kể từ khi xịt, thuốc vẫn chưa cho thấy kết quả khả quan.
Bệnh tấn công và gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của quả, đặc biệt ở giai đoạn sau trổ hoa và giai đoạn chuẩn bị chín. Ảnh Sofri
Ông Ngọc cho biết thêm, trước tình hình này, để có thanh long xuất khẩu thường xuyên ông đang tính đến việc làm 2 - 3ha diện tích nhà kính để sản xuất thanh long sạch. Tuy nhiên, nếu thế thì bài toán kinh phí là rất cao.
Theo một số cán bộ khuyến nông, ở các địa phương đang trồng thanh long, như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… mầm bệnh nấm “tắc kè” đang tồn tại trong cây thanh long bởi các địa phương này trước đây đã từng xảy ra bệnh nấm. Khi gặp thời tiết thuận lợi (như mưa dầm kéo dài) bệnh sẽ bùng phát trên cây thanh long và theo gió, nước vi khuẩn sẽ phát tán, có thể gây nên dịch.
Được biết, vừa qua tỉnh Long An đã tiến hành triển khai xây dựng vùng sản xuất thanh long sạch với 2.000ha tại huyện Châu Thành. Dự tính, kế hoạch này sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Canh tác đúng, ứng dụng công nghệ cao và các biện pháp phòng chống bệnh dịch trên cây thanh long đang được các cơ quan chức năng hướng dẫn cho nông dân để làm thanh long sạch. Thế nhưng, nếu xảy ra dịch nấm “tắc kè” thì lấy thuốc sinh học nào để khống chế dịch khi hiện nay chưa có thuốc đặc trị?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thiện – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho rằng, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng đang gặp khó vì bệnh nấm này. Muốn làm rốt ráo bệnh nấm “tắc kè”, yêu cầu nông dân phải làm vệ sinh đồng ruộng tốt. Nhưng nông dân trồng thanh long lại chưa làm tốt việc này.