Dân Việt

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chăn nuôi vừa nhàn vừa lợi nhuận cao

Lê Tập 16/11/2017 16:10 GMT+7
Đó là đánh giá và cũng là kiến nghị của nhiều đại biểu tại hội thảo “Giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới của khối nhà nước và doanh nghiệp – lĩnh vực chăn nuôi”, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Viện Chăn nuôi, Cục Chăn nuôi, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NNPTNT) tổ chức ngày 14.11, tại Nghệ An.

Ứng dụng ở nhiều lĩnh vực

Giai đoạn 2011 – 2015, ngành chăn nuôi luôn duy trì tăng trưởng cao. Nhận thức được vai trò động lực của khoa học công nghệ trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo toàn ngành tích cực nghiên cứu, xây dựng các tiến bộ kỹ thuật (TBKT), ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng.

img

Trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ EM ở huyện Lạc Thủy, Hòa Bình.  Ảnh:THIÊN MINH

Trong thời gian từ 2009 – 2015, đã có 52 TBKT được công nhận và đã được chuyển giao vào sản xuất. Bên cạnh đó các công nghệ mới trong chăn nuôi cũng đã được phổ biến và áp dụng ở nhiều địa phương, đặc biệt những nơi có chăn nuôi trang trại phát triển.

Từ năm 2011 đến nay, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ chăn nuôi đã chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó tập trung nghiên cứu vào một số lĩnh vực công nghệ cao, ứng dụng các TBKT mới trong sản xuất. Các tiến bộ kỹ thuật được công nhận tập trung nhiều lĩnh vực giống, thức ăn chăn nuôi, chuồng trại, xử lý môi trường chăn nuôi.

Các công nghệ mới, tiên tiến đang ứng dụng bao gồm: Sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tự động hóa chuồng nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về vấn đề thực trạng và định hướng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập. Đồng thời, giới thiệu một số tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi lợn tại Mỹ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng thịt lợn, đề xuất ứng dụng vào thực tiễn chăn nuôi tại Việt Nam.

Trong thời gian từ năm 2009 – 2016, đã có 72 TBKT được công nhận: giống vật nuôi có 38 TBKT cho các đối tượng lợn, gà, vịt, ngan lai, ong tằm…; thức ăn chăn nuôi có 5 TBKT về quy trình sản xuất và chế phẩm sinh học; môi trường chăn nuôi có 7 TBKT về quy trình xử lý biogas và các mẫu công trình khí sinh học; quy trình chăn nuôi và các công nghệ khác có 22 TBKT về các quy trình nuôi dưỡng chăm sóc, và phòng bệnh.

Thực tiễn sản xuất thời qua cho thấy một số công nghệ mới đã được ứng dụng trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi như: Ứng dụng chế phẩm vi sinh vật cấy dạng bột và dạng lỏng trong chế biến thức ăn xanh theo phương pháp ủ chua cho kết quả tốt hơn đáng kể so với phương pháp ủ chua truyền thống, thời gian bảo quản được kéo dài hơn, mật độ vi khuẩn lactic tăng 20%, số lượng nấm men và nấm mốc giảm 17%.

Từng bước công nghiệp hóa ngành chăn nuôi

Các công nghệ chế biến thức ăn công nghiệp hiện đại trên thế giới đã được nhập về ứng dụng sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, là công nghệ sản xuất thức ăn dạng lỏng dùng trong các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, khép kín từ khâu phối trộn nguyên liệu, cấp phát thức ăn đến từng ô chuồng. Với công nghệ này, làm tăng khả năng tiêu hóa thức ăn, giảm chi phí thức ăn và tăng hiệu quả chăn nuôi.

Công nghệ TMR trong sản xuất thức ăn phối trộn cho bò sữa, đã nâng cao năng suất sữa của đàn bò trong nước. Công nghệ nay được áp dụng nhiều ở các trang trại lớn của Mộc Châu, TH True Milk, Vinamilk…

Các đại biểu dự diễn đàn cho rằng, thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi trong thời kỳ hội nhập TPP, việc áp dụng TBKT và công nghệ mới trong chăn nuôi là một trong những giải pháp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng vật nuôi.

Cụ thể, áp dụng các tiến bộ khoa học tiên tiến, từng bước công nghiệp hóa ngành chăn nuôi theo hướng chăn nuôi trang trại, kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi; sản xuất chăn nuôi theo chuỗi nâng cao giá trị bền vững. Chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Xác định quy mô trang trại phù hợp với từng loại vật nuôi, từng vùng, từng địa phương, nhất là chăn nuôi lợn, vịt và gà lông màu. Phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng chăn nuôi công nghiệp, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Các ý kiến tại diễn đàn đề xuất tăng cường nhập khẩu các giống tiến bộ kỹ thuật của thế giới; bảo tồn, phát triển chọn lọc nâng cao năng suất các giống bản địa có chất lượng cao theo lợi thế vùng.