Các đại biểu sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về quản lý thuế, hải quan, nợ công
Hôm nay (16.11), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn lãnh đạo Chính phủ, 3 Bộ trưởng, trưởng ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Mở đầu ngày chất vấn đầu tiên, các đại biểu sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về các nội dung: Công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế, thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chuyển giá); công tác quản lý trong lĩnh vực hải quan; đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trong các vấn đề nêu trên, nợ công là một trong những vấn đề được các đại biểu và dư luận quan tâm. Trong 5 năm qua, để bù đắp thâm hụt ngân sách và chi đầu tư phát triển, nợ công liên tục tăng.
Cụ thể, nợ công so với GDP tăng đáng kể từ 50% năm 2011 lên 50,8% năm 2012, 54,5% năm 2013, 58,0% năm 2014, 61% năm 2015, 63,7% năm 2017.
Còn theo Báo cáo Đánh giá về chi tiêu công Việt Nam do Chính phủ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam tăng mạnh, do chính sách tài khoá nới lỏng trong những năm qua.
Trong đó, nợ Chính phủ chiếm 49,2%, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,9% và nợ chính quyền địa phương khoảng 0,9%. Không tính nợ bảo lãnh và vay nợ trong nội bộ, nợ trực tiếp của Chính phủ được ước tính ở 43,3% GDP (năm 2015) gần sát với mức bình quân của các quốc gia trong khu vực và tương đương về thu nhập.
Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng, vấn đề đáng lo ngại là Việt Nam nằm trong những quốc giá có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua), cho dù với thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khoá.
Còn về quản lý thuế, với việc Việt Nam ngày càng tham gia sâu hơn vào thị trường kinh tế thế giới, xuất hiện các hình thức công ty liên danh, liên kết, các tập đoàn công ty đa quốc gia. Đồng thời, chính sách thông thoáng của Nhà nước qua công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, các hành vi gian lận, trốn thuế, nhất là những hành vi gian lận thuế trong các lĩnh vực mới như: gian lận thông qua chuyển giá, báo lỗ giả nhằm trốn thuế, kinh doanh thương mại điện tử, hoàn thuế xuất nhập khẩu ...
Trước tình trạng trốn thuế, gian lận thuế ngày càng tinh vi phức tạp, cử tri nhiều tỉnh, thành bày tỏ sự lo lắng khi ngành thuế không có chức năng điều tra nên không đủ chế tài để xử lý các đối tượng vi phạm.