Sau 53 năm, nguyên nhân thực sự của vụ đột tử của Marilyn Monroe vẫn là một ẩn số. Tất cả những thắc mắc đều chỉ được giải đáp bằng những giả thiết được đặt ra và tính đúng sai tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi một người.
Tự vẫn
Người đẹp trước và sau khi đi vào giấc ngủ ngàn thu.
Các nhân viên điều tra tuyến bố: “Cô Marilym Monroe đã mắc chứng rối loạn thần kinh trong một thời gian dài. Hơn một lần, khi thất vọng hoặc buồn chán, cô đã từng cố gắng tự vẫn nhưng đã được kịp thời cứu chữa. Chúng tôi tin rằng những điều này đã lặp lại vào ngày 4.8 nhưng đã không ai có mặt để kịp thời cứu sống cô”.
Như vậy, kết luận công khai về vụ việc đau lòng này là Marilym Monroe đã tự vẫn bằng cách cố tình dùng thuốc ngủ quá liều và nguyên nhân là do mắc chứng trầm cảm trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đây lại là giả thiết kém thuyết phục nhất trong lòng khán giả. Bác sĩ tâm lý của Marilyn – người đáng lẽ phải nắm rõ nhất bệnh tình của cô, đã không đưa ra nhiều phản hồi về mức độ trầm cảm mà người đẹp đang phải chịu đựng. Trước đó, nữ minh tinh vẫn đều đặn tham gia những hoạt động giải trí. Cô có thể gặp những câu chuyện không vui nhưng không nhiều người tin rằng Marilyn chọn cách kết liễu để tránh những nỗi buồn nhân thế.
Ngay cả bộ phim The Secret life of Marilyn Monroe, với phần nội dung miêu tả về một Marilyn thường xuyên ra vào bệnh viện tâm thần, và tự vẫn cũng không lấy được lòng công chúng. Ngay cả nữ diễn viên thể hiện người đẹp tóc vàng trong phim – Kelli Garner cũng chia sẻ: “Tôi đã nghe được rất nhiều câu chuyện khác nhau. Nhưng tôi không tin rằng Marylin đã tự vẫn…”.
Vô tình dùng thuốc quá liều
Di thể của Marilyn được đưa ra khỏi nhà.
Có giả thiết cho rằng, cái chết chấn động Hollywood này là một tai nạn bi kịch đáng tiếc. Trước đó, Marylin đã từng lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc quá liều để chữa bệnh mất ngủ và trầm cảm. Việc cô tiếp tục làm như vậy và vô tình tự dẫn đến cái chết của mình cũng không phải là ngoại lệ.
Giả thiết này nghe ra có vẻ nhẹ nhàng hơn giả thiết tự vẫn, nhưng cũng không đủ sức nặng để thuyết phục công chúng. Bởi nếu như vậy, các chuyên giapháp y và pháp chứng đã tìm thấy lượng lớn các chất thuốc có liên quan trong dạ dày của người chết. Nhưng sự thực không phải vậy.
Bị giết
Người đẹp tóc vàng khiến chính trường nghiêng ngả.
Đây là giả thiết phổ biến nhất, và nghe như có vẻ hoang đường, nhưng lại có sức nặng hơn cả với những ai quan tâm đến sự kiện thương tâm này.
Nhiều người tin rằng, cái chết của Marilym Monroe không hề đơn giản như kết luận điều tra, mà ngược lại, liên quan đến nhiều mối quan hệ của cô, bao gồm cả quan hệ tình ái. Có không ít thông tin khẳng định, chính nhà Kennedy (gia tộc tổng thống Mỹ lúc bấy giờ) đã giết Marylin, hoặc chí ít, có liên quan mật thiết tới cái chết của cô.
Lật ngược lại dòng thời gian, hầu như ai cũng biết lúc sinh thời, Marilyn có quan hệ nam nữ với cố tổng thống Mỹ John F.Kennedy (bị ám sát vào năm 1963), và sau đó, là qua lại với thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy, em trai của tổng thông (bị ám sát vào năm 1968).
Bức ảnh Marylin chụp cùng hai anh em nhà Kennedy, một là đương kim tổng thống, một là thượng nghị sĩ lừng danh lúc bấy giờ.
Trong cuốn sách “The Murder of Marilyn Monroe: Case Closed” (Tạm dịch: Vụ án giết Marilyn Monroe: hồ sơ đã đóng) do phóng viên điều tra Jay Margolis cùng tay viết ăn khách của tờ New York Times Richard Buskin đồng xuất bản, hai tác giả này đã đưa ra giả thiết nữ minh tinh Hollywood bị giết, và người đứng sau vụ án này là thượng nghị sĩ Robert F.Kennedy. Đồng phạm trong việc này còn có Peter Lawford, một diễn viên ngôi và là con rể trong gia tộc Kennedy. Động cơ gây án là do những mâu thuẫn về cuộc chơi tình ái đã khiến Marilyn Monroe đe dọa nhà Kennedy, rằng cô sẽ công khai những bí mật chính trị dơ bẩn mà anh em nhà này đã để lộ ra trong khoảng thời gian còn thân mật.
Nhiều người cho rằng nữ diễn viên có quan hệ tình cảm với anh em nhà Kennedy.
Tạp chí Daily Mail của nước Anh cho biết, Peter Lawford đã từng nói sau khi Marilyn qua đời: "Bobby Kennedy (tên gọi thân mật của Robert F.Kennedy) đã quyết tâm buộc cô ta phải im miệng theo cách này hay cách khác, bất chấp những hậu quả để lại. Đây là điều điên rồi nhất mà anh ấy đã từng làm và tôi cũng điên rồ không kém khi để điều đó xảy ra”. Tờ báo này khẳng định, Lawford đã cảm thấy tội lỗi về điều này khi nói ra những lời như vậy.
Cũng theo giả thiết này, kẻ thủ ác – được cho là chính bác sĩ tâm lý Ralph Greenson đã được lệnh đưa vào cơ thể Marilyn Monroe một liều thuốc mạnh chết người bằng cách tiêm trực tiếp vào cơ thể. Điều này giải thích cho việc không tìm thấy thuốc trong dạ dày nạn nhân cũng như các viên thuốc (có thể rơi vãi còn lại) hoặc cốc uống nước tại hiện trường, hay việc không có dấu hiệu nôn mửa, vốn thường xảy ra khi một người sử dụng thuốc quá liều. Và việc Ralph Greenson chính là người xuống tay tiêm thuốc có vẻ dễ dàng thuyết phục những ai quan tâm đến vụ án này, bởi Greenson là một nhân chứng vô cùng quan trọng trong vụ án, từng nhiều lần thay đổi lời khai không rõ lý do, nhưng cuối cùng, vẫn không bị triệu tập để thẩm vấn để điều tra mọi việc rõ ràng hơn.
Tính từ ngày định mệnh 5.8.1962 đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Người đã về với cát bụi, nhưng câu chuyện buồn của quá khứ vẫn không thôi ám ảnh trong cuộc sống hiện tại. Vì sao Marilyn Monroe lại chết? Đâu mới là nguyên nhân thực sự? Những bí ấn mãi vẫn không thể được giải đáp trên góc độ khoa học khiến công chúng có thể tâm phục khẩu phục. Rất có thể, trong thời gian tới, con người ta lại nghĩ ra những giả thiết khác cho vụ án này…