Bà Phạm Thị Hồng Hạnh – Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NNPTNT cho biết, Bộ NNPTNT đang khẩn trương thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu gạo quốc gia Việt Nam. Dự kiến, sang năm 2018 sẽ hoàn thành.
Dự kiến sang năm 2018, gạo Việt sẽ không còn cảnh đóng cả bao tải xuất khẩu như thế này mà sẽ được dán logo nhận diện thương hiệu. Ảnh minh họa
Việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia đặt ra mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng cho gạo, dán nhãn, logo nhận diện thương hiệu và xây dựng, định vị một số thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế nhằm tăng khả năng tiếp thị và cạnh tranh, hiệu quả sản xuất lúa gạo Việt Nam. Chương trình được Chính phủ phê duyệt thông qua “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Ông Lê Quý Kha – Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp kỹ thuật miền Nam nhận định, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng thế giới đa số chỉ biết đến gạo trắng và phân chia theo tỷ lệ tấm trong gạo. Gạo Việt Nam cũng chủ yếu đóng bao tải để xuất khẩu, thậm chí phải xuất khẩu nhờ qua các doanh nghiệp nước ngoài, mang nhãn hàng của doanh nghiệp hay quốc gia nhập khẩu.
“Ngay như tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam xuất khẩu mỗi năm hơn 3 tấn gạo vào thị trường này nhưng đi khắp đất nước họ không thấy một gói gạo nào có nhãn hiệu doanh nghiệp Việt Nam hoặc nêu xuất xứ từ Việt Nam?”, ông Kha đặt vấn đề.
Sang năm 2018, gạo xuất khẩu sẽ được dán nhãn thương hiệu?
Ông Kha cũng cho rằng, khi doanh nghiệp cứ xuất thô, tự do, ngẫu hứng như hiện nay thì nông dân sẽ không thể định hướng được sản xuất cho phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, nhu cầu thị trường nhập khẩu.
Về vấn đề này, bà Hạnh cho rằng, xuất khẩu gạo sang thị trường phần lớn là theo đường tiểu ngạch, qua biên giới. Do đó, sản phẩm chưa thể đóng nhãn mác, xuất xứ sản phẩm... Trong tầm nhìn đến 2030, Việt Nam sẽ đàm phán với các nhà nhập khẩu tại Trung Quốc để chuyển dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Tuy nhiên, việc này lại phụ thuộc vào sự hợp tác của các doanh nghiệp hai bên cũng như khả năng thực hiện các hợp đồng chính phủ giữa hai nước.
Phần lớn diện tích lúa ở vùng ĐBSCL đã được thu hoạch bằng máy gặp đập liên hợp.
TS Bùi Bá Bổng – nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, việc xuất khẩu, tiêu thụ gạo hiện nay còn chưa hiệu quả, nguyên nhân là do doanh nghiệp thường “mua xô” nguyên liệu đầu vào. Do đó, nông dân sẽ sản xuất lúa gạo theo hướng dễ nhất: sử dụng nhiều phân bón, thuốc BVTV…
“Vì nông dân có sản xuất bền vững hay không thì gạo làm ra vẫn được bán ngang giá như nhau. Do đó, khó có thể có được những sản phẩm gạo chất lượng cao, đồng bộ”, ông Bổng nhận định.
Cũng theo ông Bổng, nếu như 10 năm trước, công tác thu hoạch và sấy lúa là những vấn đề lớn đối với ngành lúa gạo thì hiện nay đã cơ bản giải quyết được. Tiếp theo đó, ông Bổng mong muốn ngành nông nghiệp có thể triển khai được mô hình máy cấy lúa. Kèm theo đó, kết hợp phun xịt thuốc BVTV hoặc bón phân cho lúa.
“Vì một khi chuyển sang sử dụng máy cấy lúa sẽ vừa giảm công lao động vừa đảm bảo giảm lượng giống sử dụng trên đồng, cấy lúa đều, dễ chăm sóc… Từ đó, tiến tới công nghiệp hóa ngành sản xuất, chế biến xuất khẩu gạo”, ông Bổng cho biết thêm.