Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vấn chiều nay. (Ảnh: Đàm Duy)
Chiều nay, ngày 16.11, theo chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề để trả lời nhóm vấn đề về điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm hỗ trợ sản xuất, tăng trưởng tín dụng, hoạt động của các ngân hàng yếu kém, kết quả và hiệu quả của việc mua ngân hàng với giá 0 đồng là OceanBank, GPBank, Ngân hàng Xây dựng.
Dồn dập chất vấn nợ xấu
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Hà Thị Minh Tâm, đoàn Hà Nam, cho rằng Nghị Quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của TCTD được thông qua với kỳ vọng đánh tan được cục máu đông của nền kinh tế. Tuy nhiên thực tế khi triển khai thực hiện thì gặp những khó khăn vướng mắc. Vậy vướng mắc ở đây là gì và giải pháp của ngành khắc phục xử lý nợ xấu thời gian tới là gì"?
Đại biểu Quốc hội Trần Công Thuật, đoàn Quảng Bình, cũng nêu lo ngại về việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn giải quyết nợ xấu, tập trung xử lý dứt điểm tổ chức yếu kém theo thị trường. Ngoài ra, đại biểu cũng hỏi Thống đốc sẽ làm gì để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đảm bảo an toàn hệ thống?
Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, đoàn Gia Lai, cũng cho biết quá trình hợp nhất, sáp nhập, mua bán bắt buộc một số ngân hàng 0 đồng khiến người gửi tiền, nhân dân lo lắng. "Nếu đổ vỡ sẽ tạo ra hiệu ứng domino. Đề nghị cho biết những giải pháp đột phá để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, tài sản xấu, thu hút nhà đầu tư tham gia hiệu quả các ngân hàng yếu kém", đại biểu chất vấn.
ĐBQH Đinh Duy Vượt chất vấn Thống đốc NHNN. (Ảnh: Đàm Duy)
Về vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Đây là khuôn khổ pháp lý quan trọng với ngành ngân hàng. Nếu đại biểu Quốc hội tiếp xúc với ngành ngân hàng sẽ thấy được sự phấn khích của cán bộ ngân hàng. Hiện tại, NHNN đang tích cực triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 trong toàn hệ thống song song với việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện sẽ tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc phát sinh để kịp thời kiến nghị, đề xuất xử lý nhằm phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa mức nợ xấu về dưới 3% một cách bền vững theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Bước đầu đã đem lại kết quả khả quan trên thực tế như việc VAMC thu giữ thành công tài sản bảo đảm của nhóm khách hàng công ty cổ phần Sài gòn One Tower, đây là tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu có gốc và lãi gần 7000 tỷ đồng.
Hiện nay, NHNN đang xây dựng và trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng trong đó quy định cụ thể các phương án xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt, các cơ chế hỗ trợ cho các TCTD được kiểm soát đặc biệt và cho các TCTD tham gia hỗ trợ các TCTD yếu kém và các quy định nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành các TCTD, hạn chế sở hữu chéo giữa các TCTD…
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết vấn đề vướng mắc về tài sản kê biên, VAMC sẽ làm việc với cơ quan chức năng. Nếu họ đồng ý có thể nhận các tài sản kê biên trong các vụ án thì sẽ xử lý. Ngoài ra, một số khoản nợ xấu hồ sơ pháp lý không đầy đủ, chủ yếu là tài sản đảm bảo bằng bất động sản.
Chọn 6 ngân hàng thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42
Ông Hưng thừa nhận việc hoàn thiện các giấy tờ pháp lý cho tài sản đảm bảo, đặc biệt là bất động sản là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Thống đốc cho biết thêm, với giải pháp đột phá xử lý nợ xấu, trước hết cần tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42.
“NHNN đã chọn 6 ngân hàng làm điểm từ nay đến cuối 2017 để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, làm cơ sở nhân rộng các tổ chức tín dụng còn lại”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Về giải pháp xử lý ngân hàng yếu kém, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận sau 5 năm triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu đã tồn tại. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo toàn ngành triển khai thực hiện Quyết định 1058 cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu năm 2018 - 2020 và từng ngân hàng sẽ có giải pháp cụ thể đạt mục tiêu. Thống đốc cho biết đã có giải pháp rất cụ thể để thực hiện mục tiêu này, đặc biệt là 6 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, hoàn thiện văn bản pháp luật khung khổ pháp lý, trong đó có việc sửa Luật tổ chức tín dụng đang được trình thông qua tại kỳ họp này. Thứ hai, tăng cường năng lực tài chính, năng lực điều hành các ngân hàng trong tăng vốn, tăng cường năng lực quản lý điều hành tại từng ngân hàng.
Thứ 3, đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Thứ 4, thanh tra giám sát, tăng cường rủi ro, phát hiện sớm những rủi ro trong quá trình hoạt động. Cuối cùng là nhóm giải pháp hỗ trợ đi kèm như thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ xấu; giải pháp phát triển thị trường vốn đáp ứng vốn cho nền kinh tế...
"Thực hiện quyết liệt những giải pháp này là căn cơ để đảm bảo sức khoẻ an toàn của các ngân hàng thời gian tới", Thống đốc Lê Minh Hưng nhận định.