Trong phiên trả lời chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội đã yêu cầu Thống đốc Lê Minh Hưng cam kết về cho vay BOT, kiểm soát vốn vay đổ vào sản xuất, lĩnh vực ưu tiên.
Về cho vay BOT, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, cho vay BOT đã thấp hơn trước, tỷ trọng tín dụng cho vay chỉ chiếm 1,5% tổng dư nợ tín dụng. Nợ xấu khu vực này cũng thấp.
“Trước nhu cầu vốn rất lớn cho các dự án BOT, nhưng vừa qua NHNN yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng bất động sản khoảng 6,5% trong khi năm ngoái là hơn 10%, tỷ trọng cho vay lĩnh vực này cũng giảm. NHNN sẽ kiểm soát chặt rủi ro các lĩnh vực này", Thống đốc khẳng định.
Siết vốn BOT, dự án cao tốc Bắc Nam như thế nào?
Trước câu trả lời của người đứng đầu ngành ngân hàng, đại biểu Trần Hoàng Ngân đã xin tranh luận sau phần trả lời của Thống đốc sẽ siết vốn BOT. Đại biểu đánh giá ông rất phấn khích phần trả lời của Thống đốc, rất đúng trọng tâm. Tuy nhiên, ngày 24.11 tới, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết về đầu tư đường cao tốc Bắc Nam, trong đó tổng vốn đầu tư 118.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách chỉ đảm đương 55.000 tỷ đồng, huy động 63.000 tỷ đồng, dự kiến vay từ hệ thống ngân hàng trên 50.000 tỷ đồng.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM tranh luận về cho vay BOT (Ảnh: Đàm Duy)
“Quan điểm của Thống đốc về chuyện này?”, đại biểu Ngân đặt vấn đề. Theo đại biểu Ngân, một trong số yếu tố tắc nghẽn là vượt quá khả năng cho vay của ngân hàng do những điều kiện pháp lý, ví dụ không được sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Dự án BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cũng vướng vấn đề này.
“Mong Thống đốc tiếp tục giải đáp thêm về cho vay BOT để đại biểu yên tâm khi bấm nút thông qua dự án này”, ông Ngân nói.
Giảm lãi suất là trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lãi suất, tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tính đến cuối tháng 10, tín dụng tăng 13,6%, tăng 1% so với năm 2016. Tốc độ này không có gì đột biến. Tăng tín dụng phải đi kèm với chất lượng và phải đi vào sản xuất, kinh doanh.
“Cơ cấu tín dụng 10 tháng đã chảy vào đúng khu vực sản xuất, 5 lĩnh vực ưu tiên, cao hơn so với năm trước và mức bình quân các năm.
“NHNN đảm bảo tăng trưởng tín dụng tăng phù hợp với hấp thụ vốn kinh tế, không gây áp lực lên kinh tế vĩ mô, lạm phát. Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng đúng theo định hướng và kiểm soát được chất lượng tín dụng”, ông Hưng khẳng định.
Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội (Ảnh: Đàm Duy)
Về giảm lãi suất cho vay, Thống đốc Lê Minh Hưng, cho biết mặt bằng lãi suất cho vay vừa qua đã giảm rất mạnh; các ngân hàng luôn hướng tới giảm chi phí cho doanh nghiệp, tuy nhiên lãi suất ở Việt Nam phụ thuộc nhiều yếu tố liên quan.
Nhấn mạnh lại lần nữa quan điểm kiên định trong điều hành vĩ mô, tiền tệ là giữ lạm phát ở mức thấp, ổn định vĩ mô... để giảm lãi suất cho vay, ông Hưng cho biết, ngoài công cụ chính sách ổn định thanh khoản để giảm lãi suất cho vay, thì các ngân hàng cũng phải tiết giảm chi phí, giảm chi phí cho vay và đẩy nhanh xử lý nợ xấu. Tài sản không sinh lời tại các ngân hàng giảm sẽ giúp giảm lãi suất vay.
“Đặc điểm ngân hàng Việt Nam là giữ vai trò cung ứng vốn lớn cho nền kinh tế, nhưng trong khi vốn cho vay thường là vốn trung dài hạn thì huy động lại ngắn hạn, dưới 12 tháng. Giảm lãi suất sẽ là trọng tâm điều hành của NHNN thời gian tới", ông Hưng nói thêm.
Ngay sau câu trả lời của ông Hưng, đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh, đoàn Long An, tranh luận về con số tăng trưởng tín dụng 10 tháng 13,6%, nhưng tăng trưởng tín dụng định hướng năm nay có thể tăng lên 21%. “Nghĩa là 2 tháng còn lại sẽ tăng trên 7%. Thời gian ngắn nhưng mức tăng trưởng tín dụng lớn, liệu nền kinh tế có hấp thụ được vốn. Giải pháp của Ngân hàng Nhà nước là gì?”, đại biểu Đỉnh chất vấn.
Giải pháp huy động vàng trong dân căn cơ nhất, bền vững, khả thi nhất là Chính phủ và các bộ ngành cần kiên định mục tiêu điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng lòng tin của doanh nghiệp... trên cơ sở đó sẽ khiến nguồn vốn không bỏ vào tài sản tài chính như vàng, ngoại tệ. Việc này cần có thời điểm và lộ trình để chuyển hóa nguồn lực. Trước đây Việt Nam tốn nhiều ngoại tệ nhập khẩu vàng, để thị trường có tác động gây bất ổn. Nhiều năm qua thị trường này ổn định, không mất ngoại tệ nhập vàng; thị trường đang tự điều tiết. Như vậy đã chuyển hóa một phần nguồn lực lớn từ vàng sang nền kinh tế Ngoại tệ cũng là nguồn lực rất quan trọng. Vừa qua áp dụng trần lãi suất huy động ngoại tệ là 0%, nguồn lực đó thực tế chuyển hóa qua VND. Thị trường ngoại hối hiện có tỷ giá ổn định, mua được lượng lớn ngoại tệ từ người dân bán cho các tổ chức tín dụng. Nếu kiên định, giải pháp như vậy sẽ tốt. Cụ thể, NHNN đã nâng dự trữ ngoại hối lên 46 tỷ USD. Tính riêng các tháng đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua 7 tỷ USD. Nếu tính từ đầu phiên khai mạc Quốc hội, đến nay thì dự trữ đã tăng 1 tỷ USD. Đây là con số đáng ấn tượng. |