Dân Việt

Nhổ rễ của loài cây đặc biệt có mùi hương, nông dân thu 70 triệu/ha

Huy Thư 18/11/2017 20:11 GMT+7
Vào dịp này, người dân Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) lại vào vụ hoạch đại trà cây rễ hương (còn gọi là cây hương bài). Loại cây đặc biệt toả mùi hương này đã đem lại cho bà con nông dân nguồn thu khá, khoảng 60 - 70 triệu đồng/ha.

Cây hương bài là một loại cây thảo mộc bản địa, sống tự nhiên trên các vùng rừng núi, phân bổ hầu khắp từ Bắc đến Nam. Lá cây hương bài sắp xếp trên thân cây xòe ra trông giống như thẻ bài, rễ có mùi thơm nên gọi là hương bài. Từ xa xưa người dân phía Bắc và miền Trung đã sử dụng cây hương bài để làm nguyên liệu sản xuất hương đốt.

img

Những năm qua, nhiều diện tích đồi thoải ở các xã Thanh Nho, Thanh Đức, Thanh Mỹ, Thanh Hòa, Thanh Thủy… được người dân phủ xanh bằng cây rễ hương. Ảnh: Huy Thư

Rễ cây hương có vị đắng và thơm, tính mát, có tác dụng hạ nhiệt, làm ra mồ hôi, kích thích, lợi tiêu hoá, gây trung tiện, lợi tiểu và điều kinh. Tinh dầu mát và dễ chịu có mùi của Hoa tím, rất bền nếu là tinh dầu nặng. Rễ hương bài dùng để làm nguyên liệu làm hương trầm thắp vào dịp lễ, tết, có mùi thơm đặc trưng. 

Ngoài ra, người ta còn chiết xuất tinh dầu từ cây rễ hương để làm bột, làm kem, làm xà phòng cao cấp...

img

Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch, rễ hương được người dân thu hoạch đại trà phục vụ cho việc sản xuất hương Tết. Ảnh: Huy Thư.

Thanh Nho là xã có diện tích trồng cây rễ hương nhiều nhất huyện Thanh Chương, tập trung ở các xóm 7, 8, 9, 10; với diện tích từ 30 - 70 ha/năm.

img

Thu hoạch rễ hương khá tốn công, người lao động phải mang cuốc đi đào từng gốc cây. Một người dân xóm 10 xã Thanh Nho chia sẻ: “Làm rễ hương, một người trồng, ba người đào”. Năm nay diện tích trồng rễ hương không tăng, trong khi nhu cầu thị trường lớn nên việc thu mua đang “nóng” trên thị trường. Ảnh: Huy Thư

img

Cây rễ hương đạt chất lượng tốt là loại cây già, rễ nhiều, thơm; giá thu mua hiện tại khoảng 8.000 đồng /kg tươi, 28.000 đồng/kg khô. Ảnh: Huy Thư

Sau khi đào, kéo được cây lên, người thu hoạch thường cầm cả nắm rễ hương đập vào 1 cái gốc cây cho sạch đất. Đào cây đến đâu thì dời gốc cây đến đó.

img

Theo anh Nguyễn Phùng Nhỏ ở xóm 8, xã Thanh Nho, nhà anh trồng hơn 0,5 ha rễ hương, nếu bán tại ruộng được 30 triệu; còn tự mình thu hoạch, sơ chế thì giá được gần gấp đôi. Vào mùa thu hoạch rễ hương, các hộ dân thường đổi công cho nhau hoặc đi làm công cho các lái buôn”. Ảnh: Huy Thư

img

Rễ hương sau khi thu hoạch được chặt ngắn, lấy 10 -12 cm phần gốc, sấy khô, có thể nghiền bột... Trên địa bàn xã Thanh Nho, hiện có 3 xưởng chế biến lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Huy Thư

img

Sản phẩm rễ hương Thanh Chương được khách hàng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… ưa chuộng. Cơ sở thu mua Sinh Vân cho biết, mỗi tháng họ xuất đi hàng chục tấn rễ hương. Ảnh: Huy Thư

img

Ông Trần Đình Truyền - Phó chủ tịch xã Thanh Nho khẳng định: “So với các cây trồng khác như chè, sắn, cây rễ hương đem lại thu nhập cao hơn, khoảng 60 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, rễ hương khá kén đất, trồng 1 - 2 năm phải luân canh cây trồng khác”. Ảnh: Huy Thư