Dân Việt

Phó Thủ tướng: Cơ chế đặc thù là cơ hội vàng cho TP.HCM

Ngọc Lương (ghi) 20/11/2017 07:02 GMT+7
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.HCM trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Quốc hội. (Ảnh: VPQH)

Sáng nay (20.11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nhân dịp này, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ có trao đổi với báo chí xung quanh nội dung nêu trên.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển  TP.HCM không phải vì riêng TP này mà vì cả nước, theo tinh thần cả nước vì Thành phố, Thành phố vì cả nước.

Thưa Phó Thủ tướng, bên cạnh cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, đầu tàu kinh này đang có những lợi thế gì có thể tận dụng để phát triển?

- Trước hết những thể chế gì TP. HCM đang có cần phải cố gắng làm cho tốt hơn. Ví dụ những chính sách của Thành phố này như ba đột phá chiến lược; các trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế, như đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, khu vực tài chính ngân hàng. Gần đây T.Ư có nói đến khu vực sự nghiệp công lập và cơ cấu lại thu chi ngân hàng đảm bảo bền vững nợ công. Năm lĩnh vực tái cơ cấu trọng điểm này TP.HCM có nhiều dư địa để phát triển.

Tôi đã từng nói nhiều lần với lãnh đạo của TP.HCM, với những cơ chế chính sách trong khuôn khổ pháp luật dành chung cho cả nước, TP.HCM với thế mạnh và truyền thống cần tận dụng làm làm cho tốt. Thứ hai, cần phải tận dụng tốt cơ chế, chính sách đặc thù tới đây được Quốc hội thông qua, đó coi như cơ hội vàng để TP.HCM phát triển.

Thành phố phải có đề án, chương trình hết sức cụ thể, còn Quốc hội chỉ đề ra khung chung. Từ chủ trương đó, muốn đưa vào thực tiễn cuộc sống phải có đề án, chương trình. Có loại đề án cấp Chính phủ phê duyệt, có loại thuộc thẩm quyền Thủ tướng, có cái thuộc thẩm quyền của Thành phố, cần phải huy động tổng lực, tổ chức thực hiện bên cạnh đó thường xuyên cập nhật, đánh giá.

img

Theo Phó Thủ tướng, sau khi Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM, TP cần ưu tiên triển khai trên những lĩnh gì trước?

- Triển khai cần bám sát những nội dung Nghị quyết đã nêu, trong đó có vấn đề về quản lý đô thị, quản lý xây dựng đầu tư, vấn đề tài chính, ngân sách, sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.

Đặc biệt, Thành phố cần sớm có đề án để thực hiện Nghị quyết 18 và 19 của Hội nghị BCH T.Ư 6 khóa XII về tinh giản biên chế, sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống chính trị; tổ chức sắp xếp lại đổi mới lại cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Làm tốt vấn đề này sẽ tạo ra xung lực rất lớn cho Thành phố. Tôi được biết chỉ tính riêng năm vừa qua, TP.HCM chỉ sắp xếp bên trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị và sắp xếp lại một số cơ quan trong hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm chi thường xuyên từ 3 - 4%.

Nhìn rộng ra thấy TP.Hà Nội cũng vậy, chỉ riêng năm 2017, Thành phố này tổ chức sắp xếp bên trong các phòng, các ban, các đơn vị cấp sở và gom lại những đơn vị sự nghiệp, chưa giảm được nhiều biên chế nhưng bằng đấy việc làm được đã giúp giảm chi thường xuyên trong tổng chi của Hà Nội là 4,85%. Chưa kể Thành phố còn thu được nhiều đất đai, tài sản công từ việc sắp xếp lại để đầu tư trở lại cho sự nghiệp công lập và các lĩnh vực khác.

Khi Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, có ý kiến lo ngại về đề xuất của Chính phủ cắt 18.800 tỷ đồng chống ngập và 2 bệnh viện tuyến cuối của TP đã được Quốc hội giao khi cho Thành phố được hưởng số thu thoái vốn doanh nghiệp nhà nước của TP để đầu tư cơ sở hạ tầng, ông nghĩ sao?

- Về con số cụ thể sẽ do Quốc hội tính toán. 18.800 tỷ đồng so với cả nước hay so với TP.HCM không phải là quan trọng nhất. Số đó cũng đã có trong kế hoạch đầu tư công, bây giờ tính tổng nguồn lực thu bù đắp được số đó hay trừ số đó ra, việc này Quốc hội sẽ tính toán cụ thể.

Về tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM từ nay đến 2020 vẫn là 18% (TP.HCM được giữ lại 18%, còn lại 82% là điều tiết về ngân sách trung ương). Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM không thay đổi tỷ lệ điều tiết ngân sách.

Cân đối ngân sách phải có thời kỳ ổn định ít nhất là 3 năm, bắt đầu cân đối từ 2017 -2020. Các địa phương khác cũng đã cân đối trong tổng thể của kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn 5 năm.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng (!)

"Hội đồng nhân dân TP.HCM quyết định chi trả mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của Thành phố. Việc thực hiện các quy định này phải gắn với việc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước", trích tờ trình tóm tắt của Chính phủ, Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

img