Kết thúc phiên giao dịch ngày 20.11, VN-Index tăng 12,86 điểm, tức đạt 903,55 điểm. Như vậy sau 10 năm (ngày 24.8.2007, VN-Index đóng cửa ở mức 905,48 điểm), VN-Index một lần nữa chinh phục được mốc 900 điểm, đạt 903,55 điểm.
VN -Index đã vượt mốc 900 điểm sau 10 năm (Ảnh: IT)
Theo ghi nhận trong phiên giao dịch, hai mã cổ phiếu liên quan đến tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng - gồm VIC và VRE, là hai cái tên đáng chú ý nhất trên sàn giao dịch khi tăng trần, trở thành “đầu kéo chính” giúp cho sự bứt phá của thị trường. Đây cũng là 2 mã cổ phiếu trong top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán nên đà tăng của 2 mã cổ phiếu này đã đóng góp tích cực cho chỉ số VN-Index đạt mức kỷ lục hơn 900 điểm sau tròn 10 năm.
Cụ thể, kết phiên giao dịch, VRE tăng trần và đóng cửa tại 47.700 đồng/CP, đưa giá trị vốn hóa thị trường của Vincom Retail lên 90.681 tỷ đồng (tương đương gần 4 tỷ USD). Thanh khoản của VRE trong suốt phiên đạt hơn 3,1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu VIC cũng tăng trần lên giá 76.300 đồng/CP, cán mốc vốn hóa thị trường là 201.257 tỷ đồng (tương đương 8,8 tỷ USD), chỉ đứng sau VNM của Công ty CP Sữa Việt Nam (vốn hóa 271.422 tỷ đồng, tương hơn 11,9 tỷ USD).
Cùng với VIC và VRE, một loạt các “ông lớn” khác như: VNM, FPT, MWG, MSN, SAB, BHN, VJC, PLX, GAS, VCB... cũng có một phiên giao dịch khởi sắc giúp thị trường có phiên bùng nổ điểm số.
Trong đó, VNM tăng 3.800 đồng lên 187.000 đồng/CP với thanh khoản gần 1 triệu đơn vị. Sức hút của mã cổ phiếu này đến từ thông tin Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage Limited (JC&C) mới chi khoảng 133 triệu USD mua hơn 16,46 triệu cổ phiếu VNM để nâng sở hữu lên 10%. Đặc biệt, kết thúc phiên giao dịch, VNM tiếp tục ghi nhận có giao dịch thỏa thuận đột biến với 6,4 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 1.100 tỷ đồng giữa các nhà đầu tư nước ngoài.
Chốt phiên giao dịch ngày 20.11, VN-Index tăng 12,86 điểm (+1,44%), lên 903,55 điểm với 143 mã tăng và 129 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 175,97 triệu đơn vị, giá trị 5.664,81 tỷ đồng, giảm nhẹ 6,7% về khối lượng, nhưng tăng nhẹ 5,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Tương tự sàn HOSE, chốt phiên 20.11, UPCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,64%), lên 53,32 điểm với tổng khớp đạt 8,1 triệu đơn vị, giá trị 147,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,76 triệu đơn vị, giá trị 327 tỷ đồng.
Trong khi đó, do không nhận được sự hỗ trợ của các mã lớn, sàn HNX chỉ dao động dưới tham chiếu và đóng cửa trong sắc đỏ. Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,2 điểm (-0,18%), xuống 108,11 điểm với 39,9 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, giá trị 563,2 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 30,5% về khối lượng và giảm 22,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.