2 lớp chỉ… 5 sinh viên
Thầy Hồ Xuân Thắng (Trưởng khoa tự nhiên, CĐSP Quảng Trị) bày tỏ nỗi buồn trong ngày 20.11 khi khoa có quá ít sinh viên: “Trường CĐSP Quảng Trị thành lập năm 1997, Khoa Tự nhiên là một trong những khoa đầu tiên. Từ khi được thành lập đến năm 2013, khoa đã đào tạo nhiều thế hệ SV sư phạm chuyên ngành toán, hóa, sinh, lý… trở thành những nhà giáo giỏi, có năng lực quản lý tốt. Thế nhưng, kể từ sau năm 2013 đến nay, số SV của khoa giảm rất nhanh.
Đến khóa 20 (2015-2018) chỉ tuyển được 2 lớp gồm 5 SV đang học (lớp toán-sinh 3 SV, lớp hóa-sinh 2 SV). Khóa 21 (2016-2019) khoa chỉ tuyển được 7 SV nhưng sau 1 năm, một nửa thì bỏ học, một nửa thì chuyển khoa khác khiến lớp tan rã. Đắng cay nhất là khóa 22 (2017-2020), khoa không tuyển được sinh viên nào”.
Lớp học gồm toàn bộ 5 SV khoa tự nhiên, trường CĐSP Quảng Trị. Ảnh: N.V
Theo vị trưởng khoa này, dù chỉ còn 5 SV theo học nhưng khoa vẫn đảm bảo việc dạy, kiểm tra, đánh giá, thi cử đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Để làm được việc đó, nhà trường giữ lại cho khoa 9 giảng viên, số đông còn lại điều chuyển đảm nhận nhiều vị trí khác nhau.
Thầy Thắng tâm sự, ngày trước SV đông, đứng trên bục giảng tinh thần phấn chấn, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Nhưng nay, vào lớp chỉ có 2 SV, nhiều lúc cố gắng giảng dạy say sưa, cố đánh lừa cảm xúc của mình nhưng không thể nào xoa dịu nỗi buồn.
Sinh viên Lê Thị Ly Na (lớp hóa-sinh, 1 trong 5 SV còn sót lại của khoa tự nhiên) tâm sự, vì đam mê ngành hóa-sinh nên dù buồn nhưng vẫn cố theo học nốt năm cuối.
“Học vậy thôi chứ sau này không biết có theo ngành hay không bởi hiện nay, xin việc rất khó khăn. Riêng với thầy cô trong khoa chúng em rất thương vì hiểu rằng quá ít sinh viên theo học thì thầy cô cũng buồn như chúng em vậy”.
Trường cao đẳng đã hết sứ mệnh?
Tiến sĩ Trương Đình Thăng – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường CĐSP Quảng Trị cho biết, hiện nay trường có cơ sở vật chất đầy đủ, đội ngũ giảng viên trình độ khá cao gồm 11 tiến sĩ và 75 thạc sĩ. Trường đang đào tạo 500 SV hệ chính quy, 170 SV hệ liên thông-liên kết và 300 học viên các khóa bồi dưỡng.
Toàn bộ SV Khoa Tự nhiên trường CĐSP Quảng Trị cùng thầy Trưởng khoa Hồ Xuân Thắng. Ảnh: N.V
Theo thầy Thăng, câu chuyện ở khoa tự nhiên của trường là biểu hiện nổi bật nhất cho thực trạng chung của các trường CĐSP trên toàn quốc. Bởi lẽ, theo nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế nêu rõ, tiến tới giáo viên từ bậc tiểu học đến dạy nghề phải đạt trình độ đại học.
Chiếu theo nghị định 29, học sinh sẽ chọn học đại học chứ không học cao đẳng nữa, đồng nghĩa sứ mệnh của các trường CĐSP bắt đầu kết thúc!.
Theo ông Thăng, khoa tự nhiên không tuyển được SV không phải do nội tại của trường mà do SV ra trường không có việc làm nên không đăng kí học. Một hiện thực xảy ra là SV ngành tự nhiên đang dư thừa, riêng với Quảng Trị nhiều năm nay tuyển dụng viên chức tập trung vào ngành mầm non, tiểu học, văn, sử. Câu hỏi đau đầu đặt ra lúc này là nếu khóa 23 (2018-2021), khoa tự nhiên không tuyển được SV, trong khi 5 SV khóa 20 đã ra trường thì khoa này đứng trước nguy cơ tan rã.
Điểm trúng tuyển đợt 1 năm 2017 của trường CĐSP Bắc Ninh có nhiều ngành chỉ có 9 điểm/3 môn. Ảnh: N.V
Ông Mai Thức – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, để giải quyết khó khăn trong hoạt động của trường CĐSP, tỉnh đã giao cho trường xây dựng phương án sáp nhập với Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị trở thành Trường Đại học Sư phạm – Kỹ thuật hoặc trở thành trường vệ tinh của các Trường Đại học Sư phạm vùng, cụ thể là Đại học Huế. Quảng Trị cũng đồng ý cho trường này thành lập trường thực hành sư phạm chất lượng cao liên cấp học thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị.
Câu chuyện tại khoa tự nhiên của trường CĐSP Quảng Trị khiến người viết bài này nhớ đến hồi đầu tháng 8 năm nay, khi Trường CĐSP ở một số địa phương và một số trường khác công bố điểm tuyển sinh với tổ hợp 3 môn chỉ 9 đến 10 điểm, có trường nhỉnh hơn là 12,5 điểm.
Sở dĩ các trường CĐSP hạ mức điểm sàn “chạm đáy” như vậy là vì tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Nguyên nhân sâu xa vì SV cầm bằng cấp cao đẳng khó cạnh tranh với SV có bằng đại học đang còn thất nghiệp nhan nhản ngoài xã hội.