Biểu tượng quyền lực một thời giờ rớt giá thảm hại.
Thú nuôi đắt đỏ
Chú chó dòng husky Siberia, tên Xiangzi (nghĩa là “may mắn”) được chủ dẫn đi dạo hai ngày một lần. Chủ nhân của chú chó này là Cửu Hồng, một nhân viên marketing thể thao thu thập khá. Số tiền mà Hồng bỏ ra cho chú chó cưng lên tới 300 USD/tháng, chỉ tính tiền ăn.
Khi thành phố bắt đầu lên đèn, Hồng liền dẫn Xiangzi lên xe hơi rồi đưa chú chó đi dạo một vòng. “Xiangzi rất thích nô đùa và nó như trẻ con”, Hồng nói với phóng viên tờ New York Times. Nói không quá khi tại Trung Quốc, chó cưng là một vật phẩm thể hiện đẳng cấp trong xã hội. Nó là ranh giới rất rõ ràng giữa tầng lớp nghèo nàn và những người giàu có bậc nhất.
Sau khi cơn sốt chó ngao Tây Tạng lắng xuống, trào lưu nuôi chó vẫn tiếp diễn nhưng chuyển qua các loại chó khác. Thời điểm năm 2011, khi chó ngao mất giá và bị đưa vào lò mổ giết thịt, chó husky nổi lên là “kẻ soán ngôi” xứng đáng.
Con chó của thiếu gia Vương Tư Thông đeo hai chiếc đồng hồ ở chân.
Quý tử nhà Vương Kiện Lâm, tỉ phú giàu nhất Trung Quốc, cũng sở hữu một con chó husky. Vương Tư Thông, thanh niên chưa tròn 30 nhưng thú chơi với chó husky có thể nói là độc nhất Trung Quốc. Khi tập đoàn công nghệ Apple công bố chiếc đồng hồ đeo tay có giá 20 triệu đồng, Thông bỏ tiền mua hẳn 2 chiếc cho chú chó cưng. Việc chú chó husky này được đi chơi trên du thuyền, khoang máy bay hạng nhất đã là điều rất bình thường.
20 năm trước, tìm đỏ mắt cũng không thấy một con husky nào ở Bắc Kinh. Thứ duy nhất dễ tìm thấy ở Trung Quốc, đó là những cửa hàng thịt chó luôn sáng đèn, đặc biệt khi mùa đông về. Món lẩu chó từ lâu đã là thương hiệu của quốc gia đông dân nhất thế giới. Chó husky khi đó vẫn chỉ là những con vật đẹp đẽ xuất hiện trên tạp chí, phim ảnh.
Khi đời sống người dân Trung Quốc được cải thiện, những con chó độc, lạ xuất hiện ngày càng nhiều. Cảnh chủ nuôi mang chó đi bơi, tới quán cà phê, rạp chiếu phim là điều “thường ngày ở huyện”. Riêng năm 2010, số lượng chó tại Bắc Kinh đã gần 1 triệu con với đủ thể loại.
Cửu Hồng, chủ nhân chú chó husky, chia sẻ: “Thời kỳ đầu người dân đầu tắt mặt tối đi kiếm tiền. Giờ khi cuộc sống khá giả, người Trung Quốc thích nuôi chó làm bầu bạn. Xã hội càng phát triển, con người ta càng cô đơn hơn”.
Sở thích chung
Một trang trại nuôi chó Akita tại Trung Quốc.
Những người nuôi chó nói rằng chó không chỉ thể hiện đẳng cấp chủ nhân mà còn giúp chủ nuôi kết giao với người khác. Hà Yên, 25 tuổi, chủ của 2 chú chó lai tên Guoguo và Tangtang cho biết người Bắc Kinh thích chó và có nhiều câu lạc bộ chó khắp thành phố. Sở hữu những chú chó cực hiếm là ước muốn của bất kì ai để “nở mày nở mặt” khi tới một câu lạc bộ chó.
Trong số những “cực phẩm” chó thời kì năm 2010, ngao Tây Tạng là loài chó được quan tâm nhất. Để sở hữu một con tầm trung, chủ nhân cần chi ra tới 3.000 USD (khoảng 65 triệu đồng). Với những con thuần chủng hoặc được chứng minh có giấy tờ đàng hoàng, cái giá phải trả có thể lên tới hàng triệu đô la. Năm 2009, một con chó ngao Tây Tạng từng mang về cho chủ nhân của nó hơn 30 tỉ đồng.
Một người phụ nữ ở Tây An, phía tây Bắc Kinh từng chi 600.000 USD (khoảng 1,4 tỉ đồng) để mua một con ngao Tây Tạng. Sau đó, cô dùng đoàn xe 30 chiếc Mercedes để đưa chú chó về nhà.
Chó husky của Vương Tư Thông bên chục chiếc iPhone đời mới.
Akita, giống chó được xem là “quốc khuyển” tại Nhật Bản, đang nằm trong top những loài chó được săn lùng nhiều nhất tại Trung Quốc hiện nay. Do chính sách cấm xuất khẩu hoặc đưa giống chó này ra bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản, dân chơi Trung Quốc càng nóng lòng muốn sở hữu. Một con chó Akita vừa chào đời, có giấy tờ đầy đủ có giá từ 10.000 tới 30.000 USD (200 tới 600 triệu đồng), tùy màu lông. Nếu là chó Akita Mỹ, giá sẽ rẻ hơn nhiều vì độ hiếm không cao.
Tiểu Vũ, một thanh niên 30 tuổi có bố mẹ buôn bán bất động sản, nói: “Với tôi, chó là bạn thân và là cách để thể hiện đẳng cấp. Bạn tôi ai cũng nuôi chó. Tôi quen rất nhiều người nhờ chú chó này”. Vũ vừa nói, vừa ôm chặt chú chó Akita lông màu nâu nhạt trên tay. Để sở hữu được nó, Vũ đã phải qua rất nhiều trung gian. Anh không tiết lộ số tiền cụ thể phải bỏ ra, nhưng nói ít nhất phải 10 vạn tệ (khoảng 340 triệu đồng).
Nhiều tên trộm chó thích câu trộm ngao Tây Tạng vì...chúng to lớn và bán được giá.