Dân Việt

Bộ NNPTNT: Đề nghị 7 bộ vào cuộc giúp hải sản Việt thoát "thẻ vàng" EU

Bạch Dương 21/11/2017 18:15 GMT+7
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (Bộ NN&PTNN) vừa có văn bản gửi 7 Bộ gồm Bộ Quốc Phòng, Công an, Tài chính, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông cùng UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau và Kiên Giang xin góp ý về Chỉ thị của Thủ tướng về việc khắc phục việc Ủy ban Châu Âu (EC) cảnh báo bằng Thẻ vàng đối với xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.

img

EU giơ thẻ vàng với hải sản Việt Nam 

Liên quan đến vấn đề này, ngày 23/10, EC đã quyết định áp dụng biện pháp cảnh cáo bằng Thẻ vàng đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu vì Việt Nam chưa đáp ứng đầy đủ các khuyến nghị của EC về ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (khai thác IUU).

Để ứng phó, Bộ NN&PTNN đã xin ý kiến góp ý từ các bộ ngành, địa phương về các giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng trên. Văn bản xin ý kiến đóng góp được gửi kèm Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EC về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Cụ thể, để triển khai giải pháp cấp bách nhằm sớm tháo gỡ cảnh báo cảu EC, giữ uy tín thương hiệu của thuỷ sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính Phủ chủ động ngăn chăn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Nhiệm vụ của Bộ NN&PTNN đó là phải ban hành kế hoạch hành động với các biện pháp thực thi quyết liệt để sớm thoát ra khỏi tình trạng "Thẻ vàng". Khẩn trương rà soát, xây dựng văn bản hướng dẫn Luật Thuỷ sản sửa đổi, trong đó ưu tiên các văn bản có nội dung về quản lý khai thác IUU để đáp ứng yêu cầu của EC.

Bộ NN&PTNN phải tổ chức điều tra, công bố trữ lượng nguồn lợi hải sản nhằm quy hoạch, tổ chức lại đội tàu khai thác hải sản trên các vùng biển phù hợp với khả năng khai thác cho phép của nguồn lợi hải sản.

Bộ này cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn 2 để giám sát các tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển, chống khai thác IUU. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng kiểm ngư tăng cường kiểm tra các vùng biển, xử phạt nghiêm các hành vi khai thác IUU.

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp phải thanh tra, kiểm tra công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm khai thác tại các địa phương; kiểm tra, giám sát sản phẩm, nguyên liệu thuỷ sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam để tái xuất sang EU hoặc Mỹ và các nước có quy định nghiêm ngặt về khai thác IUU.

"Chủ động tổ chức các đoàn đàm phán, đối thoại với EC, bảo đảm cung cấp, tiếp nhận thông tin đầy đủ, kịp thời trong việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về khai thác IUU.

Xây dựng phương án tổng thể nhằm đàm phán với EC trình Chính phủ phê duyệt trong quý 4/2017 nhằm sớm gỡ bỏ biện pháp áp dụng thẻ vàng trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến sẽ được Quốc hội EU thông qua vào đầu 2018", Thủ tướng yêu cầu.

Đối với Bộ Ngoại giao, Dự thảo chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ngoiaj giao, tác động tới EU để xem xét sự khác biệt giữa Việt Nam và EU trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, năng lực quản lý nghề cá, triển khai các khuyến nghị của EC về khai thác IUU có tính đến điều kiện thực tế của Việt Nam.

Bộ Công Thương được Chính phủ yêu cầu chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại EU tăng cường tiếp xúc và làm việc với Tổng vụ các vấn đề về biển và thuỷ sản của EC để kịp thông tin cho các Bộ, ngành liên quan về động thái của EC đối với tình hình Việt Nam triển khai các khuyến nghị về khia thác IUU.

Bộ Công an được ciao điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự với hành vi này.

Bộ Quốc phòng kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, không cho xuất bến khi không thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định, tàu cá có dấu hiệu đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn 2.

Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho các bộ ngành, địa phương liên quan để triển khai thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị này.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về các quy định liên quan đến khai thác IUU.

Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải thống kê, lên danh sách các chủ tàu, tàu cá khai thác hải sản trái phép tại các vùng biển bị bắt giữ, xử lý; Bắt buộc các chủ tàu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, mở máy 24/24h để giám sát hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển; kiểm tra khai thác tại các cảng, xác nhận nguồn gốc hải sản;…